Nhớ kỷ niệm với cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Sinh thời, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã nhiều lần về thăm Hải Dương, để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc và những ấn tượng tốt đẹp với cán bộ, người dân địa phương.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương đến thăm, tặng quà một gia đình người có công ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) ngày 25/1/2006. Ảnh: THÀNH CHUNG
Gần gũi, nghĩa tình
Nhà báo Nguyễn Thanh Cải, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương rất xúc động, thương tiếc khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần vào tối 22/5. Từng có thời gian công tác cùng đồng chí Trần Đức Lương tại Cục Bản đồ địa chất, ở ngay cạnh phòng đồng chí trong khu tập thể, ông Cải có rất nhiều kỷ niệm sâu đậm với cố Chủ tịch nước trong công việc và cuộc sống thường ngày.
“Nhiều hôm 8 - 9 giờ tối ông Lương mới ăn cơm, song rồi bật đèn sáng trải tấm bản đồ ra đánh dấu từng địa danh mà các kỹ sư địa chất vừa báo cáo. Có đêm quá khuya, con trai ông phải sang phòng tôi học bài. Ông thức khuya làm chú cháu tôi cũng ảnh hưởng, tối nào cũng phải đến quá nửa giờ đêm mới ngủ mà nhìn sang phòng ông vẫn sáng đèn”, ông Cải bồi hồi nhớ lại.
Nhà báo Nguyễn Thanh Cải cho biết sau này giữ nhiều trọng trách, công việc bận rộn đồng chí Trần Đức Lương vẫn rất gần gũi, thân thiết, nghĩa tình. Hồi còn làm báo ở tỉnh Hải Hưng, có dịp ông Cải vào thăm gia đình đồng chí Trần Đức Lương khi ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Lúc trò chuyện, ông Cải có nói về việc Hải Hưng có nhà máy xay Ninh Giang, sản lượng rất lớn mà khó xuất khẩu, nhà máy thực phẩm đông lạnh cũng vậy… thì đồng chí Trần Đức Lương bảo: “ Bảo tỉnh lên báo cáo Văn phòng, chúng mình sẽ bàn tìm hướng đi…”
Có lần ông Cải đi cùng lãnh đạo tỉnh tiếp đón Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm, làm việc tại Hải Dương. Khi về thăm Côn Sơn, ông hỏi đồng chí Chủ tịch nước có cảm xúc gì trong chuyến thăm này thì được trả lời: “Ngành địa chất ta có thuật ngữ trầm tích địa tầng. Mình thấy dọc tuyến vòng cung Đông Bắc này là trầm tích những anh nhân kiệt xuất”. Câu nói đó của Chủ tịch nước đã gợi ý cho nhà báo Nguyễn Thanh Cải làm phim tài liệu “Trầm tích những vì sao” về các anh hùng hào kiệt, được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.
“Có lần tôi đến thăm ông tại nhà riêng, ông hỏi tôi mọi chuyện về đời sống nông dân ở làng quê… Tôi nhờ ông đọc bản thảo tập trường ca “Lòng đất và tình người địa chất”. Ông đọc, sửa cho tôi một số chi tiết và còn khen về phần nói về tình người địa chất”, nhà báo Nguyễn Thanh Cải xúc động kể lại.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao đổi với nhà báo Nguyễn Thanh Cải về một tiểu thuyết của nhà báo (ảnh chụp tại nhà riêng đồng chí Trần Đức Lương ngày 13/2/2019)
Luôn quan tâm Hải Dương
Sinh thời, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhiều lần về thăm, làm việc tại Hải Dương thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đồng chí với tỉnh nhà.
Ngày 9/9/2004, khi về Hải Dương, đồng chí đã đến thăm Công ty CP Gốm Chu Đậu ở xã Thái Tân (Nam Sách). Khi ấy, doanh nghiệp mới bắt đầu phục dựng dòng gốm cổ được vài năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ân cần thăm hỏi, động viên lãnh đạo, công nhân ở công ty. Đồng chí đã ký tên và viết lên một chiếc bình gốm thông điệp rất ý nghĩa để doanh nghiệp cố gắng phát triển: “Gốm Chu Đậu phải trường tồn”.
Sau hơn hai mươi năm, chiếc bình ấy vẫn đang được công ty gìn giữ cẩn thận, đặt ở vị trí trang trọng ở nhà trưng bày. “Chúng tôi rất vinh dự, tự hào khi được đồng chí Chủ tịch nước đến thăm, động viên. Nghe tin đồng chí từ trần mọi người đều bồi hồi, tiếc thương. Lời căn dặn của đồng chí Chủ tịch nước đã khích lệ, tiếp thêm động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn, không ngừng nỗ lực trong suốt những năm qua hồi sinh, phát triển mạnh mẽ dòng gốm Chu Đậu”, ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu chia sẻ.

Bình gốm có dòng chữ “Gốm Chu Đậu phải trường tồn” của Chủ tịch Trần Đức Lương được Công ty CP Gốm Chu Đậu gìn giữ cẩn trọng
Ngày 15/1/2006, Chủ tịch nước lại đến thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương. Hôm ấy, đồng chí đã biểu dương, đánh giá cao những thành tích ấn tượng của Hải Dương trong năm 2005 và giai đoạn 2001 - 2005. Đồng chí cũng lưu ý Hải Dương đang đứng trước cơ hội đưa tiềm lực tỉnh vươn lên, sớm trở thành một trong những điểm quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm. Ngay đầu năm 2006, miền Bắc đứng trước nguy cơ hạn hán. Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhắc Hải Dương cần tính toán kỹ, điều hòa nước một cách hợp lý, sử dụng tiết kiệm nước và chủ động để bảo đảm sản xuất.
Sau này, khi nghỉ hưu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn một số lần về thăm Hải Dương. Từng nhiều lần đón tiếp, làm việc với Chủ tịch nước, đồng chí Bùi Thanh Quyến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết đồng chí Trần Đức Lương rất gần gũi, thân tình với cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh nhà. Tại các buổi làm việc, đồng chí đều chỉ đạo, định hướng rất cụ thể, sâu sắc, sát với tình hình thực tế của tỉnh. Đồng chí luôn nhắc Hải Dương phải đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục...
“Trong những lần về thăm, khi nghe chúng tôi báo cáo những kết quả của tỉnh đồng chí Chủ tịch nước rất mừng và yêu cầu cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Hải Dương tiếp tục nỗ lực trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí cũng thường hay kể lại kỷ niệm ngày đồng chí tập kết ra Bắc tại khu vực Quý Cao, giáp ranh giữa Hải Dương và Hải Phòng vào tháng 2/1955. Chủ tịch nước kể hôm ấy trời rất lạnh, đường sá, đi lại khó khăn nhưng người dân ở địa phương đến rất đông, đón tiếp rất chu đáo, tình cảm. Điều đó đã để lại những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp với đồng chí Trần Đức Lương”, đồng chí Bùi Thanh Quyến nhớ lại.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nho-ky-niem-voi-co-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-412281.html