Nhịp đập năng lượng ngày 22/9/2023

Sản lượng thủy điện của châu Á giảm mạnh; Nga tạm thời hạn chế xuất khẩu nhiên liệu; Đức ban hành các biện pháp tiết kiệm năng lượng mới… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 22/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Sản lượng thủy điện của châu Á giảm mạnh

Theo dữ liệu của nhóm chuyên gia về năng lượng Ember (Anh), sản lượng thủy điện của châu Á trong 7 tháng đầu năm nay giảm 17,9%, trong khi sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch tăng 4,5%. Sản lượng điện mặt trời và điện gió tăng 21% và chiếm 13,5% trong tổng sản lượng điện toàn hệ thống, cao hơn so với mức 11,5% của cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước chiếm tổng cộng 75% sản lượng điện của châu Á, ghi nhận hoạt động sản xuất thủy điện giảm mạnh. Dữ liệu của Ember và Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng cho biết sản lượng thủy điện giảm mạnh tại nhiều nền kinh tế lớn khác của châu Á, chủ yếu do thời tiết khô hạn.

Ông Carlos Torres Diaz, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng và khí đốt của Công ty Tư vấn Năng lượng Rystad Energy (Na Uy), cho biết dù sản lượng điện mặt trời và điện gió tại châu Á tăng mạnh, nhưng nguồn cung từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng do thủy điện giảm nhiều.

Nga tạm thời hạn chế xuất khẩu nhiên liệu

Chính phủ Nga đã tạm thời hạn chế xuất khẩu một số loại nhiên liệu để ổn định thị trường nội địa. Hãng tin RT dẫn nghị định của Chính phủ Nga công bố ngày 21/9 cho biết, biện pháp hạn chế xuất khẩu xăng và diesel thương mại sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Song, trong nghị định, Chính phủ Nga không nêu rõ khung thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế. Giới chức Nga kỳ vọng lệnh cấm sẽ giúp thúc đẩy thị trường nhiên liệu nội địa đồng thời ngăn chặn tình trạng trốn thuế, không báo cáo thuế trong xuất khẩu. Bộ Năng lượng Nga khẳng định, biện pháp mới của Chính phủ Nga sẽ giúp giảm giá nhiên liệu tại thị trường nội địa nhưng nhấn mạnh lệnh cấm chỉ mang tính tạm thời.

Trong lệnh cấm, có một số trường hợp miễn trừ. Theo đó, lệnh hạn chế không áp dụng với: Việc bán nhiên liệu cho các quốc gia thành viên khác thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) là Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan; Hoạt động vận chuyển viện trợ nhân đạo, vật tư quá cảnh; Hoạt động xuất khẩu nhiên liệu tới các đơn vị quân đội Nga tại lãnh thổ nước ngoài, các thực thể Nga hoạt động tại sân bay vũ trụ Baikonur và đảo Spitsbergen…

Nhập khẩu than của Trung Quốc lại tăng vọt

Bloomberg đưa tin, Trung Quốc đang khai thác lượng than kỷ lục, nhưng chất lượng nhiên liệu đốt cho điện và sản xuất thép thấp hơn nhập khẩu, do đó, nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới đang tăng cường nhập khẩu từ Australia và Nga.

Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, nhập khẩu than của Trung Quốc trong tháng 8 đã tăng 12,9% so với tháng 7 lên mức kỷ lục theo dữ liệu từ năm 2015. Nhập khẩu cũng tăng 53% so với tháng 8 năm ngoái.

Với sự sụt giảm đáng kể về sản lượng điện từ ngành thủy điện khổng lồ của Trung Quốc do lượng mưa không đủ và hạn hán, sản lượng than, nhập khẩu than và sản xuất điện đốt than đã tăng vọt trong năm nay.

Đức ban hành các biện pháp tiết kiệm năng lượng mới

Đức đã thông qua một dự luật quy định các biện pháp tiết kiệm năng lượng bắt buộc đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế. Dự luật mới được gọi là Đạo luật Hiệu quả Năng lượng, sẽ điều chỉnh việc tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà công cộng, ngành công nghiệp và trung tâm dữ liệu với hy vọng giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 26,5% vào năm 2030 so với năm 2008.

Đạo luật Hiệu quả Năng lượng sẽ yêu cầu các công ty lập kế hoạch tiết kiệm năng lượng, nhưng các biện pháp ràng buộc không phải là một phần của dự luật. Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp DIHK cho biết không thể đạt được các biện pháp mới mà không "gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế" ở Đức.

Tuy nhiên, nhóm bảo vệ khí hậu Sáng kiến Hiệu quả Năng lượng Đức cho biết vẫn khó có khả năng Đức đạt được mục tiêu cắt giảm 65% lượng khí thải vào năm 2030 so với năm 1990. Giảm tiêu thụ năng lượng chỉ là một phần trong các sáng kiến xanh tích cực của Đức.

Ngành điện châu Âu kêu gọi đầu tư mạnh tay để nâng cấp lưới điện

Ngành điện châu Âu cảnh báo cần đẩy mạnh đầu tư để nâng cấp lưới điện đang “già hóa” của khu vực này, nếu không Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch đã đặt ra.

Hiệp hội ngành điện của Anh Eurelectric ngày 21/9 cho rằng để hỗ trợ các mục tiêu xanh của EU, vốn đầu tư trung bình hàng năm vào lưới điện của châu Âu từ nay đến năm 2050 cần phải tăng ít nhất 84% so với mức của năm 2021.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EU cần đầu tư vào lưới điện 584 tỷ euro (626,3 tỷ USD) mỗi năm đến năm 2030 để có thể đạt được các mục tiêu xanh. Phần lớn trong số vốn đầu tư này được dự đoán sẽ đến từ các nguồn tư nhân, hoặc giá điện. Eurelectric cho rằng cần ưu tiên phân bổ nguồn vốn công vào việc nhanh chóng nâng cấp lưới điện, hơn các cơ sở hạ tầng dài hạn hơn như các dự án hydrogen vốn phải đến những năm 2030 mới khởi động.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2292023-694905.html