Nhịp đập năng lượng ngày 16/10/2023

Dự trữ khí đốt ở châu Âu đạt mức cao kỷ lục; Iraq ký kết thỏa thuận khai thác dầu khí với UAE; Xuất khẩu sản phẩm dầu bằng đường biển trong tháng 9 của Nga tụt giảm mạnh… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 16/10/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Dự trữ khí đốt ở châu Âu đạt mức cao kỷ lục

Cơ sở Hạ tầng Khí đốt châu Âu cho biết tổng dự trữ khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mức cao kỷ lục. Hiện tại, các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu đã được lấp đầy 97,89% (cao hơn 8,54 % so với mức trung bình vào thời điểm này trong 5 năm qua), chứa 107,75 tỷ m3 khí đốt.

Giữa tháng 8 vừa qua, các nước châu Âu đã đạt mục tiêu lấp đầy 90% các kho chứa khí đốt dưới lòng đất để đáp ứng giai đoạn nhu cầu sưởi ấm tăng cao. Trước đó, Ủy ban châu Âu lên kế hoạch đạt được chỉ số này vào tháng 11.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trước đây cho rằng châu Âu có thể lấp đầy gần 100% các cơ sở dự trữ khí đốt. Tuy nhiên, theo IEA ngay cả với mức dự trữ cao như vậy, trong trường hợp mùa đông giá rét và nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị ngừng hoàn toàn có thể dẫn đến bất ổn thị trường. Vào cuối mùa đông tới, dự trữ tại các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của EU có thể giảm xuống dưới mức tới hạn 20%. Đồng thời, căng thẳng trên thị trường khí đốt châu Âu có thể lặp lại do thời tiết giá rét và nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng giảm.

Iraq ký kết thỏa thuận khai thác dầu khí với UAE

Ngày 15/10, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, ông Hayan Abdul Ghani cho biết, Iraq đã ký 3 hợp đồng với công ty Crescent Petroleum của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) để phát triển 3 mỏ dầu và khí đốt tại các khu vực phía Đông và phía Nam Iraq.

Trong một tuyên bố, ông Hayan Abdul Ghani cho biết, các thỏa thuận sẽ giúp Iraq khai thác gần 400 triệu triệu m3 khí đốt tự nhiên/ngày trong vòng 18 tháng tại các lô Kilabat-Gumar và Khashim al-Hmer-Injana ở tỉnh Diyala (miền Đông) và lô Khudhr al-Maa ở tỉnh Basra, miền Nam nước này. Bộ trưởng Ghani cho biết, Chính phủ Iraq muốn tăng cường các dự án đầu tư vào lĩnh vực khí đốt để giảm việc đốt khí trong quá trình khai thác dầu, đồng thời sử dụng khí đốt để sản xuất điện.

Iraq, thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có trữ lượng hơn 145 tỷ thùng dầu và 132 nghìn tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, nước này vẫn sử dụng phần lớn nguồn khí đốt của mình và dựa vào nhập khẩu khí đốt từ Iran để cung cấp cho các nhà máy điện.

Xuất khẩu sản phẩm dầu bằng đường biển trong tháng 9 của Nga tụt giảm mạnh

Xuất khẩu sản phẩm dầu bằng đường biển của Nga đã giảm 2,5% trong tháng 9 so với tháng 8, xuống còn 9,456 triệu tấn do bảo trì theo mùa của các nhà máy lọc dầu và lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu vào cuối tháng, theo dữ liệu từ các nguồn trong ngành và tính toán của Reuters.

Trong tháng 9, tổng lượng nhiên liệu xuất khẩu qua các cảng Primorsk, Vysotsk, St. Petersburg và Ust-Luga đã giảm 5,1% so với tháng trước, xuống còn 5,035 triệu tấn, theo dữ liệu từ các nguồn thị trường. Primorsk là cảng xuất khẩu ULSD lớn nhất của Nga. Xuất khẩu sản phẩm dầu qua các cảng Biển Đen và Biển Azov của Nga tăng nhẹ trong tháng trước - tăng 0,4% so với tháng 8, lên 3,676 triệu tấn.

Nguồn cung xuất khẩu nhiên liệu từ các cảng Murmansk và Arkhangelsk ở Bắc Cực của Nga trong tháng 9 tăng 64,3% so với tháng trước, lên 96.500 tấn. Lượng xuất khẩu sản phẩm dầu tại các cảng Viễn Đông của Nga trong tháng 9 đã giảm 2,9% so với tháng 8, xuống còn 649.100 tấn.

Lebanon không phát hiện khí đốt sau nhiều đợt khoan tại Lô 9

Lô 9 là một trong những lô nằm dọc biên giới trên biển mới được phân định giữa Lebanon và Israel. Ranh giới này đã được vạch ra vào năm ngoái sau các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian.

Không tìm thấy hydrocarbon nào sau các hoạt động khoan thăm dò tại Lô 9 ngoài khơi Lebanon, hai nguồn tin hiểu biết trực tiếp về vấn đề này nói với Reuters cuối tuần trước. Một trong những nguồn tin nói với Reuters rằng họ đã "chạm nước" trong khi khoan, nghĩa là không tìm thấy dầu hoặc khí đốt.

Bộ trưởng Năng lượng Lebanon nói với Reuters vào tuần trước, hoạt động khoan tại giếng thăm dò này vẫn chưa dừng lại bất chấp nhiều ngày xảy ra đụng độ dọc biên giới đất liền với Israel. Lebanon hy vọng những phát hiện về khí đốt và dầu mỏ sẽ giúp nước này đảo ngược cuộc khủng hoảng kinh tế đang khiến đồng nội tệ mất giá hơn 98% giá trị, ảnh hưởng xấu dự trữ ngoại hối của đất nước và gây ra tình trạng mất điện luân phiên trên khắp các thị trấn và thành phố.

Leo thang xung đột Trung Đông có thể giúp Nga tăng doanh thu bán dầu

Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Navigator có trụ sở tại Mỹ, Kyle Shostak, nói với TASS rằng sự leo thang hơn nữa trong cuộc xung đột giữa Palestine và Israel và khả năng hạn chế nguồn cung năng lượng của các quốc gia Trung Đông có thể giúp Nga tăng đáng kể doanh thu từ việc bán dầu.

Nếu Mỹ quyết định tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Palestine-Israel, chỉ có Nga và Ả Rập Xê-út mới có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu hydrocarbon toàn cầu, nhưng "tình hình địa chính trị có thể làm giảm đáng kể khả năng cung cấp dầu cho phương Tây của Ả Rập Xê-út”, ông Shostak nói.

"Nếu tại một thời điểm nhất định, các nhà lãnh đạo của Ả Rập Xê-út phải đối mặt với những lợi ích của phương Tây trong khu vực, đặc biệt là họ đã thừa nhận chấm dứt quan hệ hợp tác với Israel, nước này có thể hạn chế nguồn cung dầu sang châu Âu hoặc Mỹ", Giám đốc điều hành Navigator cho biết.

“Đồng thời, Nga không bị gánh nặng từ những vấn đề chính trị như vậy, có thể thu được lợi ích kinh tế đáng kể, cung cấp thêm số lượng sản phẩm dầu mỏ cho những người mua chính và xác định giá cũng như khối lượng cung cấp theo những điều kiện có lợi cho mình”, ông nhấn mạnh. Nhà đầu tư này cho biết thêm: “Kịch bản phát triển như vậy có vẻ khá thực tế, ngay cả khi giá dầu của Nga hiện có ở mức trần”.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-16102023-696733.html