Nhìn về phía bình minh

Kinh tế khủng hoảng, vật giá leo thang khiến nhiều gia đình lao đao vì tiền kiếm vào thì ít mà tiền ra thì bao nhiêu cũng không đủ chi. Thêm vào đó là tình trạng thất nghiệp tăng cao. Các công ty, xí nghiệp cắt giảm nhân sự, cắt giảm giờ làm, chỉ hoạt động cầm chừng.

Chị T trước đây làm kế toán của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội thất cho biết đã thất nghiệp gần cả năm nay chưa kiếm được việc làm do công ty cũ bị phá sản. Chị có tìm việc nhưng chưa tìm được công việc mới. Chồng chị làm thợ hồ, mấy năm trước công trình nhiều việc phải tăng ca cả chủ nhật, có khi phải tăng ca đêm. Nhưng năm nay công trình ít hẳn, tuần chỉ làm ba bốn bữa, có khi cả tháng chỉ làm được hơn tuần. Hai vợ chồng, một đứa con đang học tiểu học chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của anh. Thương vợ thương con chịu thiếu thốn, anh xin thêm làm bảo vệ ca đêm cho một quán ăn. Vậy là ngày nào anh cũng về đến nhà lúc 23 giờ. Có hôm vì quá mệt mỏi, anh bị trượt bánh xe té trầy khắp người. Chị T xót chồng khuyên anh nghỉ đừng làm bảo vệ nữa nhưng anh vẫn nhất quyết làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Ảnh minh họa.

Đồng cảnh ngộ với chị là gia đình của Tèo. Học lớp 6 rồi mà Tèo trông chỉ bằng học sinh lớp 4. Hằng ngày một buổi em đi học còn một buổi em lấy vé số về bán. Hai ngày cuối tuần được nghỉ học thì em đi bán cả ngày. Rong ruổi khắp mọi con đường, ghé những quán ăn, quán cà phê mời chào khách. Một ngày đi từ trưa tới tám chín giờ tối, em bán được hơn trăm tờ vé số. Số tiền này em phụ mẹ trả tiền nhà trọ. Em tâm sự: Đi bán thì cực nhưng không đi thì mẹ không có tiền trả tiền nhà trọ. Hỏi quê ở đâu mà phải lên thành phố ở trọ, em cười cười lắc đầu trả lời hổng biết. Trò chuyện được dăm câu là em vội vàng tạm biệt tôi để tiếp tục đi bán. Nhìn theo cái dáng bé nhỏ, bước đi lệt phệt đôi dép tổ ong cũ mèm mà thấy thương quá đỗi. Mới tí tuổi đầu đã bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc mưu sinh rồi. Cách nói chuyện của em già dặn lắm, không ngây thơ như các bạn đồng trang lứa. Dẫu khó nhọc là vậy mà khi hỏi có nghĩ tới chuyện bỏ học không em lắc đầu nguầy nguậy: Sao bỏ học được cô, con phải đi học để mốt kiếm công chuyện làm kiếm tiền nuôi cha mẹ nữa chớ. Cái ước mơ của em mới đáng yêu làm sao. Nghe mà phải kiềm chế để không rơi nước mắt.

Ở cái thành phố nhỏ xíu này, chịu khó quan sát, chịu khó bắt chuyện sẽ thấy rất nhiều những mảnh đời đáng thương nhưng họ chẳng bao giờ khuất phục trước số phận mà luôn vươn lên, lạc quan sống, làm việc kiếm tiền từ chính sức lao động của mình. Như một người anh tật nguyền bán vé số tôi hay gặp nơi ngã tư Ma Lâm chẳng hạn. Vào mỗi buổi xế trưa, khi đi làm về, tôi hay thấy anh đứng chờ ngay cột đèn xanh đèn đỏ, chìa xấp vé số ra mời khách. Mỗi lần lãnh lương tôi ghé lại mua giúp anh 10 tờ vé số, trả tiền đủ 10 tờ nhưng chỉ lấy 5 tờ thôi, còn lại cho anh mua sữa. Tôi bảo lấy về cũng trật, thôi để anh bán kiếm thêm. Anh cười. Nụ cười méo mó, ngọng nghịu nói cảm ơn. Có lần tôi hỏi có vợ con không, anh lắc đầu lắp bắp trả lời: Ai mà lấy cô ơi. Tôi lại hỏi sao không ở nhà mà đi bán chi cho nắng nôi cực vậy. Anh bảo đi bán kiếm tiền lo thuốc thang cho mẹ, mẹ già rồi không làm được nữa. Bán một ngày được nhiều không anh? – tôi hỏi. Anh trả lời người ta thương mua giúp nên cũng đủ lo cho hai mẹ con. Nhìn đôi chân khoèo khoèo mà thấy thương anh quá đỗi. Cũng may hai tay anh còn vận động được để lắc xe đi bán vé số.

Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về thân phận con người trong xã hội này. Nhìn lên thì thấy mình không bằng ai nhưng nhìn xuống thì rất nhiều người kém may mắn hơn mình. Được sinh ra lành lặn đã là một đặc ân. Được ăn học, kiếm được một công việc là một may mắn. Có được một mái nhà, một gia đình nho nhỏ là hạnh phúc. Rất nhiều số phận chịu thiệt thòi nhưng họ vẫn lạc quan sống, vẫn tích cực lao động để nuôi sống bản thân, lo cho gia đình. Cuộc sống là vậy luôn có ngày và đêm, tích cực và tiêu cực. Hãy chờ đợi bình minh đừng bao giờ chỉ nhìn thấy bóng tối…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhin-ve-phia-binh-minh-115085.html