Nhìn thẳng - Nói thật: Đừng cản trở 'mềm' báo chí
Lâu nay, khi nhắc đến hành vi cản trở báo chí tác nghiệp, dư luận thường nghĩ đến việc hành hung, đe dọa các nhà báo.
Những hành vi cản trở “cứng” này rất dễ xử lý vì thường có bằng chứng hiển lộ. Theo Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, có gần 30 vụ việc hành hung, đe dọa các nhà báo. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng cản trở, xúc phạm nhà báo, hội viên đã bị xử lý thích đáng.
Tuy nhiên, cản trở tác nghiệp báo chí có nhiều hình dạng phức tạp hơn. Khảo sát của Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho thấy, hành vi cản trở báo chí đang dịch chuyển từ “cứng” sang “mềm”, như: Né tránh cung cấp thông tin; gây khó dễ; gián tiếp ngăn chặn các hoạt động tác nghiệp; thu giữ phương tiện tác nghiệp...
Một ví dụ đơn giản của cản trở “mềm” liên quan đến thẻ nhà báo và giấy giới thiệu. Khoản 2, Điều 25 Luật Báo chí nêu rõ: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Tuy vậy, khi nhà báo xuất trình thẻ nhà báo, nhiều cơ quan và người có thẩm quyền lại đòi hỏi phải có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí nêu rõ đến làm việc về nội dung gì.
Khoản 12, Điều 9 Luật Báo chí quy định hành vi bị nghiêm cấm đó là: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Như vậy, quy định pháp luật đã nghiêm cấm bất cứ hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp dù “cứng” hay “mềm”.
Trên thực tế, có một số vấn đề, sự vụ vì chưa “chín”, chưa được làm rõ hay một số văn bản chính sách đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, nên các tổ chức, cá nhân né tránh báo chí vì không muốn cung cấp thông tin chưa rõ ràng, không đến nơi đến chốn, có thể tạo ra “khủng hoảng truyền thông” không đáng có. Điều này giới báo chí phần nào có thể thông cảm.
Những trường hợp kể trên chỉ là thiểu số, hầu hết việc cản trở “mềm” xảy ra là do cá nhân, tổ chức muốn che giấu sự thật, không muốn báo chí đưa sự vụ ra ánh sáng. Với những trường hợp này, giới báo chí cần thật sự quan tâm, chuẩn bị tốt các sở cứ để trình các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Nhiều trường hợp phản ánh bị đối tượng cản trở tác nghiệp nhưng khó xử lý hoặc không xử lý được do nhà báo chưa chủ động chuẩn bị ứng phó với tình huống, thiếu tài liệu, chứng cứ để minh chứng cho hành vi cản trở.
Điều đáng lo ngại là một số cơ quan công quyền đang luật hóa cản trở “mềm”. Không chỉ báo giới, mà các nhóm dư luận trong xã hội, đặc biệt là tiếng nói của đại biểu Quốc hội đã lên tiếng mạnh mẽ, kịp thời về Điều 141 Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) liên quan đến quyền ghi âm, ghi hình trong phiên tòa. Cuối cùng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) vào chiều 24-6-2024.
Luật vừa thông qua quy định theo hướng cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc ghi hình chỉ thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. So với dự thảo ban đầu (hạn chế cả ghi âm và ghi hình) thì dự thảo chỉnh lý trước khi thông qua mở hơn. Có thể thấy những ý kiến đóng góp đã được tiếp thu, qua đó tiếp tục tạo điều kiện để báo chí phản ánh một cách chân thực, chính xác, góp phần vào việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của xã hội.
Bản chất của nền báo chí cách mạng Việt Nam là phục vụ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Suy cho cùng, việc tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp cũng không ngoài mục đích góp phần thực hiện tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tự do tiếp cận thông tin của công dân. Ngược lại, mọi hành vi cản trở báo chí tác nghiệp (nhất là những biểu hiện tinh vi của cản trở "mềm") là trái tinh thần thượng tôn pháp luật, không có lợi cho việc thúc đẩy đời sống xã hội dân chủ, văn minh, tiến bộ.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202408/nhin-thang-noi-that-dung-can-tro-mem-bao-chi-1019807/