Nhìn ra thế giới: Chuyển đổi xanh – Hướng đi mới của kinh tế thế giới
Thực trạng đáng báo động của việc biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đe dọa cuộc sống của hàng tỷ người điều đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Chuyển dịch kinh tế theo hướng tuần hoàn, xanh, và phát thải carbon thấp hiện đang trở thành xu thế tất yếu của thời đại, được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21.
Báo động đỏ về biến đổi khi hậu
Bất chấp những cảnh báo về biến đổi khí hậu do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đưa ra từ năm 1990, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ qua, và đạt mức cao nhất trong lịch sử. Kết quả là: lượng khí thải toàn cầu đang trên đà vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ C được đưa ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 và đạt khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Tổng thư ký Liên hợp Quốc ANTONIO GUTERRES: “Chúng ta đang trên con đường dẫn đến sự nóng lên toàn cầu cao hơn gấp đôi giới hạn 1,5 độ đã đạt được trong thỏa thuận Paris. Một số nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp đang nói một đằng nhưng làm một nẻo. Nói một cách đơn giản, họ đang nói dối. Và kết quả sẽ rất thảm hại. Đây là một trường hợp khẩn cấp về khí hậu. Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo rằng chúng ta đã ở rất gần các điểm tới hạn có thể dẫn đến các tác động khí hậu không thể đảo ngược. Nhưng các chính phủ và tập đoàn phát thải cao không chỉ nhắm mắt làm ngơ; mà họ còn đang đổ thêm dầu vào lửa. Họ đang bóp nghẹt hành tinh của chúng ta, bằng những lợi ích và những khoản đầu tư lịch sử vào nhiên liệu hóa thạch, trong khi đó, các giải pháp tái tạo, lại rẻ hơn mang lại việc làm xanh, đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định giá cả hơn."
Tại thời điểm này, chỉ có việc cắt giảm lượng khí thải trên tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, giao thông đến năng lượng và các tòa nhà, mới có thể xoay chuyển tình thế. Ngay cả khi đó, các chính phủ cũng sẽ cần tăng cường nỗ lực trồng nhiều cây hơn và phát triển các công nghệ loại bỏ khí carbon dioxide đã có trong khí quyển sau hơn một thế kỷ hoạt động công nghiệp.
Giáo SƯ JIM SKEA - đồng Chủ tịch báo cáo của IPCC: “Hiện tại, thực tế là phát thải khí nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu đang ở mức cao nhất trong lịch sử loài người. Lượng phát thải năm 2019 cao hơn khoảng 12% so với năm 2010 và cao hơn 54% so với năm 1990. Vì vậy, chúng ta chắc chắn không đi đúng hướng để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C”.
Theo các nhà khoa học, giữ nhiệt độ nóng lên trong khoảng 1,5 độ C đòi hỏi phải cắt giảm lượng phát thải của tất cả các khí nhà kính gần một nửa vào những năm 2030 và đạt được mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào những năm 2050.
Điều này đòi hỏi sử dụng ít hơn khoảng 95% than, ít hơn 60% dầu và ít hơn 45% khí đốt vào năm 2050. Các lưới điện chạy bằng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ cần phải đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu năng lượng của thế giới. Các thành phố sẽ cần cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua việc xây dựng các chiến lược tốt hơn để giảm lượng khí thải đô thị. Đây chính là thời điểm để chúng ta hành động để cứu hành tinh của mình.
Năng lượng tái tạo – Chìa khóa chuyển đổi xan
Đáp lại lời kêu gọi đó, chính phủ các nước đã và đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang phát triển xanh và bền vững hơn. Đức – nền kinh tế số 1 Châu Âu - vừa công bố một kế hoạch chuyển đổi xanh đầy tham vọng mang tên “Gói Phục sinh”. Đây là lần sửa đổi chính sách quan trọng nhất của Đức trong nhiều năm qua nhằm phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đẩy nhanh các kế hoạch chuyển đổi xanh.
Ông ROBERT HABECK - Bộ trưởng Kinh tế Đức : “Gói Phục sinh có thể được coi là câu trả lời cho câu hỏi lợi ích chính sách an ninh của Đức là gì, đó chính là độc lập, trước hết là thoát khỏi nhập khẩu năng lượng hóa thạch của Nga cũng như từ nhập khẩu năng lượng hóa thạch nói chung. Trọng tâm của gói này đó là tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh việc mở rộng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió trên đất liền. Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo chính là lợi ích tối quan trọng đối với dân chúng, phục vụ lợi ích an ninh quốc gia và từ đó đảm bảo chính trị an ninh của Đức.”
Gói lễ Phục sinh đã được Nội các Liên bang Đức thông qua và sẽ được chuyển đến Hạ viện Đức, sau đó được đưa vào quy trình lập pháp của quốc hội trong bước tiếp theo. Gói dự luật bao gồm các luật riêng lẻ sau dài tổng cộng hơn 500 trang: đạo luật Nguồn năng lượng tái tạo, đạo luật Năng lượng gió trên biển, đạo luật Công nghiệp năng lượng, đạo luật Kế hoạch các yêu cầu Liên bang, đạo luật Mở rộng thúc đẩy lưới điện, các luật và quy định khác trong lĩnh vực năng lượng.
Các biện pháp rộng rãi đang được thực hiện để thúc đẩy việc mở rộng năng lượng tái tạo. Các khu vực mới được quy hoạch để mở rộng điện mặt trời, sự tham gia của các thành phố trong phát triển điện gió và điện mặt trời trên bờ được mở rộng, các địa điểm có lưu lượng gió yếu ngày càng được phát triển và những điều kiện khuôn khổ cho việc mở rộng hệ thống điện mặt trời mái nhà được cải thiện.
Trọng tâm của gói là nguyên tắc sử dụng năng lượng tái tạo là vì lợi ích công cộng và phục vụ an toàn công cộng. Mục tiêu của chính phủ Đức là phấn đấu đến năm 2030, ít nhất 80% tổng tiêu thụ điện của nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải là từ các nguồn năng lượng tái tạo, và đến năm 2035, con số này sẽ được nâng lên gần 100%.
Theo gói kế hoạch, đến năm 2030 Đức sẽ tăng gấp đôi công suất điện gió trên đất liền lên đến 115 GW, tăng gấp 3 công suất điện mặt trời lên đến 215 GW và tăng công suất điện gió ngoài khơi lên đến 30 GW vào năm 2030 - tương đương với công suất của 10 nhà máy hạt nhân, và ít nhất 70 GW vào năm 2045.
Theo Báo cáo Đánh giá Điện năng Toàn cầu của tổ chức Ember mới đây, các nguồn năng lượng hóa thạch vẫn chiếm 47% sản lượng điện được tạo ra ở Đức vào năm 2021, trong khi thị phần năng lượng tái tạo là 29%. Dự kiến trong năm nay, sẽ có nhiều thay đổi về luật, đặc biệt liên quan đến hiệu quả sử dụng năng lượng tại các tòa nhà và giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải, hướng tới mục tiêu chung là chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững.
Cùng đi trên con đường đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo là Hy Lạp. Tọa lạc tại thị trấn Kozani, miền bắc Hy Lạp, công viên năng lượng mặt trời 204 megawatt là minh chứng mới nhất cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của chính quyền Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis.
Thủ tướng Hy Lạp KYRIAKOS MITSOTAKIS: "Công viên Mặt trời Kozani phản ánh các mục tiêu quốc gia của Hy Lạp về năng lượng sạch và rẻ từ mặt trời, từ gió, từ nước, từ tài nguyên địa nhiệt của chúng tôi. Tương lai sẽ tạo ra nhiều việc làm mới và sẽ cung cấp cho chúng tôi năng lượng sạch và rẻ cho những ngôi nhà và doanh nghiệp của Hy Lạp. "
Được xây dựng bởi công ty lọc dầu lớn nhất Hy Lạp Hellenic Petroleum, công viên năng lượng mặt trời Kozani có thể cung cấp điện cho 75.000 hộ gia đình và hòa vào mạng lưới điện của Hy Lạp. Theo văn phòng thống kê của Liên minh Châu Âu, Hy Lạp đã đạt được mục tiêu là vào năm 2020, năng lượng tái tạo đáp ứng 21,7% mức tiêu thụ năng lượng của đất nước, đồng thời đặt mục tiêu tăng con số này lên 35% vào năm 2030.
Từng là nguồn cung cấp năng lượng chính của đất nước, than đá hiện chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong quá trình sản xuất điện tại Hy Lạp. Theo kế hoạch, nước này sẽ loại bỏ dần sự phụ thuộc vào than đá đến năm 2028. Công ty sản xuất điện lớn nhất nước này Public Power Corp (PPC) đã lên kế hoạch đóng cửa hầu như tất cả các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2023 và chuyển một tổ máy đốt than mới hiệu quả hơn dự kiến sẽ mở cửa vào cuối năm nay sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn vào năm 2025.
Giao thông xanh – Giải pháp cho nền kinh tế carbon thấp
Trong những năm gần đây, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đã trở mục tiêu chiến lược để Trung Quốc xây dựng nền kinh tế carbon thấp phát triển bền vững. Trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu này, việc sử dụng nguồn năng lượng mới thay thế cho năng lượng hóa thạch trong giao thông vận tải là một trong những biện pháp hữu hiệu và tất yếu. Giờ đây, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ xe năng lượng mới lớn nhất thế giới, người dân nước này ngày càng ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng xe chạy năng lượng sạch.
Vào cuối năm 2020, ngành công nghiệp xe năng lượng mới của Trung Quốc đạt một dấu mốc quan trọng mới, với 4,92 triệu xe đang lăn bánh trên các tuyến đường, chiếm 1,75% tổng lượng xe của cả nước. Điều này có nghĩa là trong một thập kỷ, sản lượng xe năng lượng mới của Trung Quốc tăng trưởng khoảng 250 lần.
Đến năm 2021, sản lượng và doanh số bán xe năng lượng mới của Trung Quốc đã vượt mốc 3,5 triệu chiếc, đứng đầu thế giới trong 7 năm liên tiếp với những cải tiến đáng kể về trình độ công nghệ và hệ thống truyền động dây chuyền công nghiệp. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh xe năng lượng mới tại Trung Quốc đang không ngừng đầu tư cải thiện mức tiêu thụ điện của xe, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh mà còn nâng cao giá trị sạch của sản phẩm.
Ông GU HUINAN - Tổng Giám đốc Công ty Aion New Energy Automobile: "Chúng tôi có công nghệ riêng về pin, động cơ điện và bộ điều khiển điện tử. Giờ đây, chúng tôi đang phát triển công nghệ lái xe hoàn toàn tự động."
Về nghiên cứu và phát triển công nghệ, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia sở hữu nhiều bằng sáng chế công nghệ nhất về sạc nhanh và sạc không dây. Nhiều thành phố của Trung Quốc đã trở thành thị trường xe năng lượng mới hàng đầu thế giới.
Ông XIN GUOBIN - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc: “Năm 2021, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đạt được hơn 30.000 bằng sáng chế liên quan đến phương tiện sử dụng năng lượng mới, chiếm 70% tổng số trên thế giới. Doanh thu cũng ngày càng tăng. Đến cuối năm 2021, lượng tiêu thụ phương tiện năng lượng mới tích lũy là khoảng 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 251,36 tỷ đô la Mỹ), thúc đẩy giá trị sản lượng của các chuỗi công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn lên khoảng 4,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 754,08 tỷ đô la Mỹ) và giảm lượng khí thải carbon dioxide hơn 100 triệu tấn”.
Không chỉ thành công trong việc sản xuất và đưa ra thị trường một số lượng ngày càng tăng xe năng lượng mới, Trung Quốc còn phát triển một chuỗi cung ứng sản xuất pin xe trong nước tương đối hoàn chỉnh. Công ty Điện lực China Southern Power Grid (CSG) hiện đang tăng cường đầu tư vào việc xây dựng mạng lưới sạc xe điện (EV), nhằm mục đích mở rộng phạm vi phủ sóng tới tất cả 6.000 thị trấn ở miền Nam Trung Quốc vào năm 2023.
Công ty cho biết, hiện có khoảng 4.000 thị trấn ở 5 khu vực cấp tỉnh phía Nam là Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và Hải Nam đã được trang bị các thiết bị sạc điện EV, còn khoảng 2.000 thị trấn chưa được trang bị. Với khoản đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ, công ty này có kế hoạch lắp đặt thêm 50.000 trạm sạc, chủ yếu ở các thị trấn, quảng trường tòa thị chính và trung tâm thương mại.
Ông ZHENG YI - Công ty Điện lực China Southern Power Grid: "Đến năm 2023, khi chúng tôi bao phủ tất cả các thị trấn bằng các trạm sạc, mọi người dân có thể tìm thấy một trạm sạc sau 10 - 20 phút khi họ lái xe trở về nhà. Ngay cả ở những ngôi làng hẻo lánh ở Vân Nam và Quý Châu, người dân chắc chắn cũng có thể tìm thấy một trạm sạc sau nửa giờ lái xe”.
Ngoài xe điện, xu hướng đa dạng hóa công nghệ, như việc sử dụng năng lượng hydro, cũng được đang được nhiều nhà sản xuất đẩy mạnh. Minh chứng là hơn 500 xe buýt chạy bằng pin nhiên liệu hydro đã được đưa vào sử dụng trong Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh và Thế vận hội Paralympic được tổ chức vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua. Hiện Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng nguồn năng lượng sạch này ở các thành phố trọng điểm.
Ông OUYANG MINGGAO - Học viện Khoa học Trung Quốc: "Trung Quốc đã bắt đầu trợ cấp cho các thành phố thí điểm sử dụng pin nhiên liệu hydro, và nhóm thành phố đầu tiên bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trịnh Châu và Trương Gia Khẩu."
Để thúc đẩy lĩnh vực xe năng lượng mới phát triển, không thể không nhắc tới hệ thống hỗ trợ chính sách phương tiện năng lượng mới hoàn chỉnh nhất thế giới mà Trung Quốc ban hành.
Theo đó, Bắc Kinh đã liên tiếp tung ra hơn 60 chính sách hỗ trợ phát triển xe năng lượng mới, với hơn 150 quy chuẩn, và hơn 500 chính sách hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế do chính quyền địa phương ban hành, đồng thời tăng cường kết hợp công nghệ năng lượng mới vào hoạt động của thành phố. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng thúc đẩy đầu tư, đồng thời phạt nặng các dự án xe năng lượng mới vi phạm quy định, và chuẩn hóa việc sáp nhập và tổ chức lại các doanh nghiệp nhằm buộc các doanh nghiệp lạc hậu và không có năng lực rút lui khỏi thị trường.
Ông GUO SHOUGANG - Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc:"Chúng tôi sẽ khởi động các dự án thí điểm đô thị để điện khí hóa hoàn toàn các phương tiện trong khu vực công và thúc đẩy sự gia tăng tỷ lệ các phương tiện năng lượng mới trong giao thông công cộng đô thị, taxi, hậu cần và phân phối".
Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, cứ mỗi 100 triệu xe năng lượng mới được đưa vào sử dụng sẽ giúp làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu tương ứng1,2 triệu thùng mỗi ngày. Sau năm 2025, mức tiêu thụ dầu trên toàn thế giới của xe con sẽ đạt đỉnh, khoảng 23 triệu thùng/ngày. Vào năm 2040, ngay cả khi sản lượng ô-tô toàn cầu tăng 80%, lượng tiêu thụ dầu sẽ giảm trở lại mức hiện tại. Mặc dù số lượng xe năng lượng mới hiện tại còn hạn chế, nhưng hiệu quả tiết kiệm năng lượng ngày càng rõ rệt.
Thực hiện : Đinh Giang