Nhiều tỉnh thành đang gồng mình chống bão số 9

Bão số 9 đang đổ bộ vào Nam Trung bộ và các tỉnh thành Đông Nam bộ, Nam bộ với cường độ di chuyển nhanh và diễn biến bất thường. Các tỉnh ven biển gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bến Tre, TP.Hồ Chí Minh …hiện đang khẩn trương công tác chống bão.

Bão số 9 đỗ bộ trực tiếp vào Nam Trung bộ, Đông Nam bộ

Bão số 9 diễn biến bất thường

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4h sáng 24/11, vị trí tâm bão cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 110km, cách TP. Phan Thiết khoảng 210km, cách Vũng Tàu khoảng 300km, cách Ba Tri (Bến Tre) 340km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 16h chiều 24/11, vị trí tâm bão ngay trên vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h sáng 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm bão. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.

Từ trưa và chiều nay (ngày 24/11), trên đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều nay ngày 24/11.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến ngày 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).

Từ ngày 24 đến 27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức báo động 1 - 2 và trên 2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Các tàu cá của tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh đã neo đậu an toàn tại huyện Đảo Phú Quý

Bình Thuận- mọi công tác phòng chống bão đã sẵn sàng

Bảy giờ sáng ngày 24/11, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN) tỉnh Bình Thuận có công điện gửi đến Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương và đơn vị liên quan về công tác đối phó bão số 9.

Trong 6 giờ vừa qua, bão số 9 có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam. Tại huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận đã có gió giật mạnh cấp 7. Hồi 4 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 110km, cách Phan Thiết khoảng 210km, cách Vũng Tàu khoảng 300km, cách Ba Tri 340km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

Tỉnh Bình Thuận nằm ở phía Bắc của cơn bão số 9, các huyện ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp của nước dâng, triều cường, sóng cao, mưa to và sạt lở. Để ứng phó khẩn cấp với bão số 9, chính quyền tỉnh Bình Thuận yêu các địa phương ven biển kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình nước dâng, triều cường và sóng mạnh. Tập trung huy động các phương tiện, lực lượng triển khai ngay việc di dời dân ở những vùng xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp của bão, nước dâng, sạt lở đến nơi an toàn; thời gian hoàn thành trước 12 giờ ngày 24/11.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Thuận, tính đến 17 giờ ngày 23/11, công tác triển khai chỉ đạo, phòng tránh, ứng phó với cơn bão số 9 gần bờ đã được địa phương triển khai quyết liệt, với phương châm “4 tại chỗ”. Chính quyền tỉnh đã bố trí lực lượng vũ trang ( cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, công an các địa phương…) phối hợp với các đơn vị quân đội, các đơn vị tại địa phương sẵn sàng hỗ trợ phương án di dời dân trong vùng nguy hiểm.

Tỉnh Bình Thuận hiện có 7.184 phương tiện tàu thuyền với 38.822 ngư dân. Tính đến cuối ngày 23/11, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 6 chiếc với 35 ngư dân, hiện đang trên đường vào bờ tránh bão và 7.101 tàu thuyện đã được neo đậu tại bến. Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, mọi công tác đảm bảo cho các tàu thuyền vào bờ hoặc neo đậu tại các khu vực trú tránh an toàn, đã được địa phương hoàn thành vào chiều tối ngày 23/11.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến kiểm tra công tác neu đậu tàu thuyền tránh bão

Bà Rịa- Vũng Tàu: dự kiến sơ tán 42.423 hộ dân

UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, tính đến sáng 24/11, mọi phương án phòng chống bão tại địa phương đã được chủ động, khẩn trương triển khai. Tất cả các phương án ứng phó với bão phải bảo đảm đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu. Chiều ngày 23/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó cơn bão số 9 với các sở ngành và yêu cầu các địa phương gấp rút hoàn thành công tác di dời dân tại các khu vực xung yếu, tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản đến nơi an toàn, chậm nhất trước 12 giờ ngày 24/11. Đồng thời bố trí lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa an toàn; liên tục thông tin diễn biến của bão đến người dân bằng các phương tiện truyền thông đại chúng; cấm các dịch vụ ăn uống, nhà hàng bè nổi hoạt động từ trưa 24/11.

Theo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, tính đến trưa ngày 23/11, đã 3.847 tàu thuyền với 17.572 ngư dân vào bờ, trong đó 3.722 tàu đã vào bến cảng và 125 tàu thuyền với 846 ngư dân đang neo đậu ở các tỉnh khác. Riêng 2.030 tàu với 11.506 ngư dân đang hoạt động trên biển, hiện đã ở các khu vực ngoài vùng nguy hiểm. Tổng số người dự kiến phải sơ tán, di dời trước khi bão đổ bộ là 42.423 hộ dân với 158.534 người.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu cho biết, đến thời điểm này, tất cả các địa phương đã chuẩn bị đủ số lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết theo các phương án sơ tán của địa phương đã ban hành và sẳn sàng để phục vụ người dân khi bão đến.

Tàu thuyền neo đậu ở bờ biển Cần Giờ để tránh bão

TP. Hồ Chí Minh: học sinh nghỉ học để tránh bão

Sáng nay 24/11, Sở Giáo dục và đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã gửi thông báo đề nghị tất cả trường học các cấp ngưng tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập và các hoạt động khác, bắt đầu từ 12h ngày 24/11/2018 để tránh bão số 9.

Tại TP. Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ là nơi xung yếu ảnh hưởng mạnh nhất của bảo số 9. Sáng ngày 24/11, tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ trời bắt đầu mưa lớn. UBND xã Thạnh An đã chia ra 3 tổ vận động và di dời người dân ở gần biển tránh bão. Đã có hàng trăm người già, phụ nữ và trẻ em ven biển được di dời vào các trường học và những nơi an toàn ở trung tâm huyện Cần Giờ. Dự kiến hơn 4.000 người dân tại huyện Cần Giờ sẽ được UBND huyện tổ chức di dời vào nơi an toàn từ sáng 24/11 để tránh ảnh hưởng của bão. Theo đó, 4.151 người dân tại xã đảo Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa, xã An Thới Đông, xã Lý Nhơn, xã Tam Thôn Hiệp, xã Bình Khánh sẽ được tổ chức, hướng dẫn di dời đến các điểm an toàn, riêng xã đảo Thạnh An người dân được tổ chức sơ tán tại chỗ.

Sau lệnh cấm biển, hiện tại đã có 1.254 tàu bè của ngư dân địa phương và ngoài tỉnh đã được neo đậu an toàn tại các bến tàu thuộc huyện Cần Giờ và 413 căn nhà không kiên cố cũng đã được các lực lượng chức năng chằng chống để đối phó bão.

Cũng vào sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cùng lực lượng bộ đội biên phòng đã trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng chống bão tại các bến phà và những hộ dân ven biển Cần Giờ. Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu huyện Cần Giờ phối hợp cùng lực lượng biên phòng triển khai nhanh, khẩn trương công tác phòng chống cơn bão và tổ chức công tác chăm lo cuộc sống cho các hộ dân di dời một cách tốt nhất.

Thế Vĩnh-Trúc Ly - Huỳnh Ban

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-tinh-thanh-dang-gong-minh-chong-bao-so-9-112278.html