Nhiều thông tin về Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại được công bố

Các thông tin của Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại được công bố chi tiết qua quyển sách 'Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại'.

Sách “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại” của hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy được Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam phát hành vào ngày 15-5-2024.

“Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” là một tài liệu viết về cuộc đời của Vua Bảo Đại (1913 - 1997) và Hoàng hậu Nam Phương (1913 - 1963). Cuốn sách được tổ chức theo thời gian và chia thành năm phần: Thiếu nữ Nam Kỳ và hoàng thái tử triều Nguyễn, Hoàng hậu và hoàng đế Đại Nam, Những ngày bất an, Từ lâu đài Thorenc đến gia trang Chabrignac và Những năm buồn tẻ của cựu hoàng.

 Sách "Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ảnh: FBNV

Sách "Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ảnh: FBNV

Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại là hai nhân vật quen thuộc đối với nhiều người. Các tư liệu lịch sử, trang sách, báo đã có rất nhiều bài viết đưa thông tin về hai nhân vật được xem là vị vua và hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, triều Nguyễn.

Quyển sách “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” lần này ra mắt đã được nhiều giới chuyên môn đánh giá là một thước tư liệu quý báu khi có rất nhiều thông tin ẩn khuất về cuộc đời của Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại được làm sáng tỏ thêm.

 Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy và TS.Vĩnh Đào chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Ảnh: HT

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy và TS.Vĩnh Đào chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Ảnh: HT

Trong đó, có một chi tiết khá quan trọng từ quyển sách chính là thông tin đính chính về ngày sinh chính thức của Hoàng hậu Nam Phương không phải là ngày 4-12-1914 và quê quán của bà không phải ở Gò Công (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) như nhiều tư liệu, sách sử đã ghi chép.

Ngoài ra, sách cũng đề cập đến hoạt động xã hội và thiện nguyện của Hoàng hậu, quan hệ với giới thượng lưu và quý tộc Pháp, cũng như công việc triều chính của Vua Bảo Đại. Một phần đặc biệt khác trong cuốn sách là câu chuyện tình cảm giữa hai người và thời gian 16 năm ở Pháp của gia đình Hoàng hậu Nam Phương.

Kể về hành trình 3 năm "mò kim đáy bể" bằng nhiều chuyến đi thực tế ở Việt Nam và Pháp để góp nhặt từng tư liệu, kiểm chứng qua nhiều nhân chứng và hậu duệ nhân vật trong và ngoài nước, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ Nguyễn Thị Thanh Thúy và TS. Vĩnh Đào không khỏi xúc động khi chia sẻ với độc giả.

 Hành trình đi tìm tư liệu cho quyển sách của hai tác giả qua buổi gặp gỡ nhân vật Lê Hữu Nghĩa -cháu của công tử Bạc Liêu. Ảnh: FBNV

Hành trình đi tìm tư liệu cho quyển sách của hai tác giả qua buổi gặp gỡ nhân vật Lê Hữu Nghĩa -cháu của công tử Bạc Liêu. Ảnh: FBNV

Nói về cơ duyên chọn và viết sách về hai nhân vật đặc biệt nhưng cũng đầy thách thức, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ cho biết cuộc đời của chị có rất nhiều cái duyên liên quan đến Hoàng hậu Nam Phương, sau khi xâu chuỗi lại nhiều chương trình chị từng thực hiện liên quan đến Hoàng hậu, chị Thúy nhận thấy có rất nhiều thông tin về bà chưa được đồng nhất hay không đúng như năm sinh, quê quán, hoạt động của bà sau khi sang Pháp... đó là lí do đến năm 2020, chị đã trình bày với TS.Vĩnh Đào về ý tưởng viết sách về Nam Phương Hoàng hậu và Vua Bảo Đại.

 Nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ về nhân vật Hoàng hậu Nam Phương. Ảnh: HT

Nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ về nhân vật Hoàng hậu Nam Phương. Ảnh: HT

Nói về nhân vật Hoàng hậu Nam Phương, nhà văn Nhật Chiêu có chia sẻ: "Nhắc đến sự yêu mến dành cho Hoàng hậu Nam Phương, chúng ta phải nhắc đến nhà thơ Bùi Giáng, người xem Hoàng hậu như một người yêu tối thượng".

Theo nhà văn Nhật Chiêu, theo dấu Hoàng hậu Nam Phương chính là theo dấu bản chất của cái đẹp, của người phụ nữ không chỉ đẹp ở nhan sắc, mà còn là cái đẹp của lòng nhân từ, trí tuệ.

"Hoàng hậu Nam Phương làm ta liên tưởng đến nhân vật được nhiều người kính phục trong thời xưa là bà Lý Chiêu Hoàng. Hai "bà Hoàng" ở hai thời đại giúp chúng ta củng cố niềm tin vào cái đẹp của dân tộc, của người phụ nữ Việt Nam điển hình qua nhiều thời kỳ" - nhà văn Nhật Chiêu nói.

Tác giả TS. Vĩnh Đào, tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Đào, sinh năm 1942, là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn. Ông và Vua Bảo Đại đều là cháu của hai anh em ruột Miên Định - Miên Tông. TS. Vĩnh Đào tốt nghiệp từ trường JJR – Lê Quý Đôn tại Sài Gòn vào năm 1961; sau đó, ông tiếp tục học cao học về Văn chương Pháp tại trường Đại học Văn khoa.

Trước khi rời Việt Nam, ông làm việc tại Ngân hàng quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn từ năm 1966 đến 1975. Sau này, ông tiếp tục nghiên cứu Văn học Pháp tại Đại học Sorbonne IV và bảo vệ luận án tiến sĩ vào năm 1989.

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy sinh ra và lớn lên tại Dran, Lâm Đồng. Chị tốt nghiệp cử nhân Xã hội học, là Hội trưởng Hội Quán Các Bà Mẹ. Chị đã thực hiện nhiều chương trình trao đổi văn hóa, tham luận, thuyết trình, giới thiệu sách… quanh chủ đề: “Hoàng hậu Nam Phương – Lụa là muôn thuở” từ năm 2018 đến nay.

Ngoài ra, chị Thúy còn được nhiều người biết đến là một nhà hoạt động xã hội khi có nhiều năm hoạt động quảng bá áo dài, đưa các làng nghề truyền thống của Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế.

HỒNG THẮM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-thong-tin-ve-hoang-hau-nam-phuong-va-vua-bao-dai-duoc-cong-bo-post791255.html