Nhiều mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em

Thực hiện Kế hoạch của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, năm 2025, Đoàn, Đội các cấp trong tỉnh Long An đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Giáo viên tư vấn các vấn đề liên quan trẻ em cho học sinh Trường Tiểu học Phước Lý (huyện Cần Giuộc)

Giáo viên tư vấn các vấn đề liên quan trẻ em cho học sinh Trường Tiểu học Phước Lý (huyện Cần Giuộc)

Cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em, Hội đồng Đội huyện Cần Giuộc xây dựng, thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Nổi bật có mô hình Câu lạc bộ tư vấn, giúp đỡ trẻ em của Trường Tiểu học Phước Lý (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc).

Tại đây, các em được thảo luận, phản ánh những vấn đề đang diễn ra trong trường học, gia đình và xã hội, từ tình trạng bạo lực học đường đến môi trường học tập. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các em được tiếp cận kiến thức về quyền trẻ em, kỹ năng sống cũng như cách ứng xử trong các tình huống khó khăn.

Em Nguyễn Ngọc Trâm (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phước Lý) chia sẻ: “Sau vài lần sinh hoạt câu lạc bộ, em dần quen và không còn rụt rè như trước. Tham gia câu lạc bộ, em có thể nói lên ý kiến của mình, cảm thấy mình được lắng nghe và quan tâm hơn”.

Huyện Bến Lức có 33 liên đội các trường. Mô hình Hộp thư "Điều em muốn nói" đang được nhân rộng trên địa bàn huyện. Triển khai từ năm học 2024-2025, mô hình giúp học sinh mạnh dạn chia sẻ tâm tư, khó khăn trong học tập, cuộc sống, các ý kiến, đề xuất về bảo vệ quyền lợi của các em, góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh.

Tại Trường THCS Gò Đen (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức), mô hình Hộp thư "Điều em muốn nói" được triển khai thông qua buổi sinh hoạt dưới cờ để các em hiểu rõ cách thức thực hiện. Hàng tháng, giáo viên sẽ kiểm tra hộp thư, những vấn đề thuộc phạm vi nhà trường sẽ được giáo viên giải quyết, phạm vi gia đình chuyển lại cho phụ huynh. Những ý kiến, đề xuất liên quan nhiều đến luật, chính sách về trẻ em, một phần sẽ được nhà trường giải đáp tại các buổi tuyên truyền về Luật Trẻ em, phần còn lại sẽ tổng hợp, báo cáo về sở, ngành liên quan.

Tổng Phụ trách Đội Trường THCS Gò Đen - Lê Đặng Trung Quân cho biết: “Qua thời gian triển khai, mô hình mang lại hiệu quả. Qua hộp thư, một số trường hợp học sinh gặp khó khăn trong gia đình, bị bạo lực học đường hoặc trầm cảm được phát hiện kịp thời để có hướng giúp đỡ".

Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Bến Lức - Mai Thu Diễm thông tin: “Hiện 100% liên đội triển khai, thực hiện mô hình Hộp thư “Điều em muốn nói”. Đến nay, toàn huyện tiếp nhận hơn 200 lá thư của các em. Mô hình giúp học sinh phát huy quyền trẻ em, mạnh dạn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với thầy cô, bè bạn”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, mỗi liên đội đều xây dựng ít nhất một mô hình bảo đảm quyền tham gia của trẻ em. Để triển khai, thực hiện hiệu quả việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, thời gian tới, ngoài phát huy hiệu quả các mô hình đang thực hiện, các cấp bộ Đoàn, Hội đồng Đội tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả hơn khảo sát thăm dò ý kiến trẻ em; các diễn đàn trẻ em; chương trình đối thoại trực tiếp nhằm kết nối tiếng nói trẻ em với các cơ quan chức năng, sở, ngành liên quan, bảo đảm ý kiến, đề xuất của các em được lắng nghe và phản hồi./.

Ngọc Huyền

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhieu-mo-hinh-thuc-day-quyen-tham-gia-cua-tre-em-a195973.html