Nhiều góp ý thiết thực cho đề án xây dựng TP Thủ Đức

Theo các chuyên gia, thành lập TP mới mà không xác lập được một chính quyền đô thị mới, độc lập thì khó thực hiện được sự phát triển mới, mất nhiều cơ hội.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện bộ, ngành đã có những góp ý cho đề án thành lập TP phía Đông của TP.HCM tại buổi tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa TP Thủ Đức – TP sáng tạo" do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, sáng 4-9.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, Bộ Xây dựng, cho rằng TP mới cần có một thị trưởng, một ê kíp điều hành, quản lý TP và đặc biệt phải có quyền quyết định thì mới bắt kịp cơ hội. Ngoài ra, ông Hải cũng cho rằng TP.HCM phải đề xuất với Quốc hội thành lập một khu kinh tế đặc biệt nằm trong TP.HCM, hoặc xác lập một TP chính quyền đô thị độc lập.

Nhiều ý kiến góp ý về thể chế pháp lý, quy hoạch hạ tầng cho việc phát triển TP Thủ Đức trong tương lai.

Nhiều ý kiến góp ý về thể chế pháp lý, quy hoạch hạ tầng cho việc phát triển TP Thủ Đức trong tương lai.

Giáo sư Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng muốn thành lập TP Thủ Đức thì cần có một môi trường pháp lý mới, cần chính sách pháp lý độc lập; hoặc có thể phát triển một khu kinh tế đặc biệt, quản lý làm sao để dòng vốn ngoại có thể chuyển vào dễ dàng, chế độ visa lao động thuận lợi, được đánh thuế riêng, quản lý bảo mật thông tin…

GS Thơ rất tán đồng ý kiến của TP.HCM với việc đưa đề án thành lập TP phía Đông với tên gọi tạm đặt là TP Thủ Đức này vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ TP sắp tới. Điều đó thể hiện ý chí, quyết tâm của cả nước và TP.HCM sẽ là tọa độ địa lý để thực hiện ý chí đó, tham vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2030.

Để hiện thực hóa những kỳ vọng phát triển TP sáng tạo Thủ Đức, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Khang, cho biết TP.HCM nên quy hoạch TP Thủ Đức nhìn trên quan hệ liên vùng, liên tỉnh, không chỉ đơn giản là gom ba quận thành một theo cơ sở địa giới hành chính. TP Thủ Đức muốn trở thành động lực phát triển kinh tế, có chất lượng tri thức và đời sống cao, thì cần có quy hoạch cấu trúc chiến lược cho toàn vùng bao gồm cả TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đô thị lân cận.

Thứ hai, theo bà Mẫu, hạ tầng là yếu tố quan trọng cốt lõi cần ưu tiên hàng đầu. Phát triển một TP phải bắt đầu từ hạ tầng, tránh những bài học mà TP.HCM hiện đang phải đối mặt như ngập lụt, kẹt xe, quá tải và xuống cấp hạ tầng nghiêm trọng.

“TP sáng tạo và TP công nghệ không thể là TP suốt ngày sống trong kẹt xe và ngập lụt. Nếu chỉ loanh quanh giải quyết các bài toán về hạ tầng và cơm áo đời sống sẽ rất khó bật lên để trở thành TP sáng tạo, có sức cạnh tranh trong khu vực và tầm quốc tế” - bà Mẫu góp ý.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tập thể lãnh đạo TP rất cầu thị, luôn luôn lắng nghe để tiếp nhận các ý kiến một cách đầy đủ nhất nhằm xây dựng đề án một cách tốt nhất. Trong thời gian tới, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, TP mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp… cho đề án này.

“Hiện nay TP mong muốn bảo vệ với trung ương để thành lập TP trong TP nhưng với cá nhân tôi được hay không được thì cuối cùng chúng ta vẫn phải đặt mục tiêu phát triển khu vực này một cách bền vững, đáng sống dù với tên gọi như thế nào” - ông Đức chia sẻ.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/nhieu-gop-y-thiet-thuc-cho-de-an-xay-dung-tp-thu-duc-936396.html