Nhiều doanh nghiệp thủy sản 'đói' đơn hàng

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chỉ còn ít ngày nữa là hết tháng 3, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng cho tháng 4. Những doanh nghiệp có đơn hàng thì lại thiếu nguyên liệu và lao động.

“Tình hình rất căng thẳng”

Theo số liệu của VASEP, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 29%, chỉ đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó, tôm giảm mạnh nhất 40%, tương ứng trị giá 335 triệu USD; cá tra giảm 38%, tương ứng 240 triệu USD; cá ngừ giảm 30% tương ứng 109 triệu USD và cua ghẹ và giáp xác khác giảm 46%...

Đến hết quý I.2023, xuất khẩu thủy sản tiếp tục sụt giảm mạnh

Đến hết quý I.2023, xuất khẩu thủy sản tiếp tục sụt giảm mạnh

Các thị trường chính - chiếm 58,18% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành - cũng sụt giảm mạnh. Giảm sâu nhất là thị trường Mỹ với 55%, Nhật Bản và Trung Quốc cùng giảm 11%; Hàn Quốc giảm 14% và Thái Lan giảm 15%.

Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe, sản xuất, xuất khẩu thủy sản sẽ trầm lắng đến hết quý I.2023 do lạm phát làm sụt giảm nhu cầu nhập khẩu và chi phí đầu vào tăng cao. “Vài ngày nữa là hết tháng 3, nhưng qua trao đổi với các doanh nghiệp thủy sản, nhiều đơn vị vẫn chưa nhận được đơn hàng nào cho tháng 4. Những doanh nghiệp có đơn hàng thì cũng trong tình trạng thiếu nguyên liệu, lao động. Tình hình đang rất căng thẳng”, ông Hòe thông tin.

Xác nhận tình trạng này, Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước cho biết, thời điểm này hàng năm doanh nghiệp đã ký được đơn hàng cho đến quý IV, nhưng đến nay vẫn chưa có hợp đồng nào cho tháng 4 sắp tới. Cả doanh nghiệp và người bán đang trong tình trạng căng thẳng, "đói" đơn hàng.

Nhiều yếu tố tác động

Bên cạnh nhu cầu của thị trường xuất khẩu sụt giảm vì lạm phát, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, giai đoạn này có 2 vấn đề tác động đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản.

Thứ nhất là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Ví dụ, giá nguyên liệu tôm của Việt Nam hiện cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn Độ và Ecuador. Khô đậu tương là nguyên liệu chính, chiếm 80 - 90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản và thức ăn chăn nuôi. Mặt hàng này giá nhập khẩu đang cao và không được hưởng cơ chế giảm thuế nhập khẩu như lúa mì và ngô, theo Nghị định 101/NĐ-CP của Chính phủ.

Tiếp đến, Việt Nam hiện là nguồn cung cấp tôm số 1 cho Hàn Quốc khi mỗi năm cung cấp hơn 50% trong số 100.000 tấn tôm nhập khẩu của thị trường này. Hai nước đã có Hiệp định thương mại được thực thi từ năm 2015 đến nay, với những thuận lợi về thương mại và thuế quan nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua hạn ngạch thương mại (Quota) nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14-16% giá trị nhập khẩu; nếu ngoài quota thì mức thuế là 20%. Trong khi tôm nhập từ Peru không có quota và được hưởng mức thuế 0%.

Bên cạnh đó, VASEP cũng cho biết một số doanh nghiệp đang thực hiện tốt các quy định về chống khai thác IUU nhưng gặp vướng khi lô hàng không xin được giấy xác nhận nguyên liệu (S/C). Cụ thể, doanh nghiệp mua cá ngừ vây vàng nhưng không xin được giấy S/C vì Ban quản cảng cá cho rằng cá kích thước (size) nhỏ mới đúng là cá ngừ vây vàng, cá size lớn không phải là cá ngừ vây vàng nên không cấp S/C. Doanh nghiệp cho rằng điều này không hợp lý vì không tìm thấy quy định phân loại cá ngừ vây vàng theo kích cỡ.

Doanh nghiệp cũng không xin được giấy chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) cho một số lô hải sản khai thác xuất khẩu EU khi có nguyên liệu từ tàu khai thác dài ngày. Điều này xuất phát từ nghi ngại của cơ quan quản lý rằng thời gian từ lúc bắt đầu khai thác đến bốc dỡ nguyên liệu khi cập cảng của tàu cá kéo dài mà không có hoạt động chuyển tải sẽ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo VASEP, việc tàu cá ra khơi dài ngày không đồng nghĩa với các lô hải sản cũng có thời gian lưu trữ tương ứng vì ngư dân có nhiều chuyến quăng lưới suốt thời gian ra ngư trường.

Hiện tại, VASEP đã có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản. Cụ thể, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị giảm thuế suất nhập khẩu khô đậu tương từ 2% về 0%; Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao rà soát và kiến nghị với Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam; Tổng cục Thủy sản và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản xem xét, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp để khơi thông cho chuỗi khai thác, chế biến và xuất khẩu hải sản sang EU.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nhieu-doanh-nghiep-thuy-san-doi-don-hang-i320456/