Nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Sáng 17-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Ảnh: quochoi.vn

Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ, hoạt động được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt gồm: Nghiên cứu chiến lược, chính sách để xây dựng quan điểm, chủ trương, đường lối, định hướng về xây dựng pháp luật tại cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật quốc tế; giải quyết tranh chấp quốc tế và xử lý các vấn đề pháp lý khác phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật...

Ngoài ra, là hoạt động đối thoại, giải quyết phản ánh, kiến nghị khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương; đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành và nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ những vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật...

Nghị quyết cũng quyết nghị xây dựng Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ có mục tiêu hỗ trợ, tài trợ cho dự án, nhiệm vụ, hoạt động không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí nhằm tạo thay đổi đột phá, tích cực, hiệu quả, bền vững về xây dựng pháp luật...

Về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật, người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp).

Nghị quyết cũng nêu rõ, hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật nhằm thu thập, số hóa, tích hợp các nguồn dữ liệu chủ trương, đường lối của Đảng, hồ sơ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các nguồn dữ liệu liên quan khác để hình thành các kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở phục vụ hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển trợ lý ảo trong hoạt động nghiệp vụ hỗ trợ đổi mới quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở khai thác các nguồn cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật...

Nghị quyết cũng quy định về thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp xây dựng pháp luật; bảo đảm và nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật; khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật...

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

Đỗ Chí

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhieu-co-che-chinh-sach-dac-biet-trong-xay-dung-va-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-702563.html