'Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia chậm, Ủy ban Dân tộc xin nhận trách nhiệm'
'Việc triển khai Chương trình bị chậm về mặt thủ tục với nhiều lý do, trong đó có lý do chủ quan Ủy ban xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ', Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận.
Lần đầu tiên “đăng đàn” trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chiều 6/6 giải đáp các vấn đề về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chưa hài lòng với một số nguyên nhân dẫn đến triển khai chậm Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số là do thời tiết, dịch Covid-19 cũng như biến động quốc tế, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH Hà Nội đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm nguyên nhân, cũng như và trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về vấn đề này.
Tiếp thu chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhận trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc trong chậm triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2022. Tuy nhiên, từ tháng 6/2021, sau khi Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư và phân công các Bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn, đến hết năm 2022 đã cơ bản triển khai xong.
“Việc triển khai Chương trình bị chậm về mặt thủ tục với nhiều lý do, trong đó có lý do chủ quan Ủy ban xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ. Tại phiên họp Quốc hội tháng 10/2022, Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội và từ đó đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt những vấn đề cần tháo gỡ nên đến nay cơ bản đã hoàn thành”, ông Lềnh lý giải và cho biết trong giai đoạn tới, Ủy ban Dân tộc sẽ làm tốt hơn trong vai trò kiểm tra, đôn đốc, giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trao đổi lại với Bộ trưởng Hầu A Lềnh về phần trả lời, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn Báo cáo số 100 ngày 1/4/2023 của Chính phủ cho thấy một số văn bản quy định hướng dẫn nội dung các Chương trình trái quy định của pháp luật, cụ thể là trái quy định của Luật Đầu tư công, chưa có sự thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, nên đề nghị Bộ trưởng cần sâu sát hơn để đưa ra những thông tin cho cử tri cũng như đại biểu được biết.
Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2030, Quốc hội giao Chính phủ rà soát, cân đối bố trí ngân sách Trung ương bổ sung cho chương trình, tăng chi cho đầu tư phát triển, có giải pháp huy động vốn ODA và các nguồn vốn. Quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh về quá trình tham mưu Chính phủ thực hiện nhiệm vụ.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh đến nay Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn 104.000 tỷ đồng cho giai đoạn từ nay đến 2025 từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ngoài ra còn một số nguồn vốn khác như vốn tín dụng 19.700 tỷ, vốn địa phương đối ứng trên 10.000 tỷ; huy động vốn ngoài ngân sách khoảng hơn 2.000 tỷ từ nguồn ODA và khuyến khích một số nguồn vốn xã hội khác.
“Việc bố trí nguồn vốn ngân sách đã đủ để triển khai theo Nghị quyết Quốc hội phê duyệt. Về việc huy động nguồn vốn khác, Ủy ban đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng kế hoạch huy động nguồn vốn khác ngoài ngân sách, như vốn của các DN, Tổng công ty,… nhưng trong giai đoạn 2020-2021 việc huy động rất khó khăn do đại dịch Covid-19. Đối với nguồn vốn ODA, Ủy ban đã có dự án phối hợp với các Bộ, ngành huy động gần 9.000 tỷ đồng, khảo sát để đầu tư 75 tuyến đường cho các xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do việc đàm phán gặp nhiều vướng nên tới đây Ủy ban sẽ nghiên cứu, đàm phán lại và cố gắng thực hiện dự án này từ nay đến 2025", Bộ trường Hầu A Lềnh thông tin.
Bày tỏ cơ sở hạ tầng giao thông tại nhiều địa phương hiện đang gặp khó khăn, Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ trưởng Hầu A Lềnh đưa ra giải pháp để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc. Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, đến nay số địa phương có bố trí nguồn vốn đối ứng còn thấp. Do đó các địa phương cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đặc biệt chính sách tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng để hỗ trợ, thu hút DN. Đồng thời Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các địa phương để nghiên cứu, tăng thêm nguồn lực.
Giải đáp chất vấn của Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam về tình trạng giao đất sản xuất cho đồng bào dân tộc nhưng thiếu hạ tầng, nước tưới cũng như hiện tượng lấn chiếm, bán, sang nhượng đất, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, hiện nay Ủy ban đang tập trung cấp đất đai cho các hộ dân chưa được cấp đất lần nào. Ngoài ra, một số trường hợp hộ đồng bào đã được cấp đất nhưng lại chuyển nhượng, mua bán, cho tặng... theo pháp luật, nhưng cũng có trường hợp cho tặng tự do, không theo luật.
Do đó, trách nhiệm của địa phương là phải rà soát để đảm bảo công bằng trong chính sách. Trường hợp vi phạm pháp luật trách nhiệm thuộc cấp ủy, chính quyền địa phương. Trung ương và địa phương cần sự phối hợp thống nhất.
“Ủy ban Dân tộc đã 2 lần tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai vào điều luật cấp đất cho đồng bào dân tộc. Ủy ban đề nghị về chính sách đất ở, đất sinh hoạt cho đồng bào dân tộc phù hợp phong tục tập quán từng vùng; đồng thời có chính sách cho đồng bào dân tộc được có đất để sản xuất, sinh hoạt”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định./.