Nhiều câu hỏi về xuất xứ ở các shop bán hàng 'xách tay'

Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, nhiều cá nhân, tổ chức đã lựa chọn kinh doanh mặt hàng được gọi là 'xách tay'. Tuy nhiên, giữa vô vàn sản phẩm, khó có thể biết đâu là hàng thật, hàng giả hay nhập lậu.

Nói một cách nôm na, hàng xách tay là nguồn hàng được đưa từ nước ngoài về Việt Nam theo đường hành lý cá nhân. Đây là mặt hàng số lượng nhỏ, chủng loại hạn chế được người đi du lịch mua về hoặc tiếp viên hàng không đem về bán lại. Những mặt hàng xách tay được ưa chuộng phải kể đến như mỹ phẩm, thời trang, đồ công nghệ, thực phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ ăn... Các mặt hàng này đa số là sản phẩm nội địa cao cấp, chủ yếu cung cấp cho người dân tại thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ…

Việc có nhiều cửa hàng bán hàng xách tay đã giúp người tiêu dùng (NTD) không phải lo lắng khi tìm mua sản phẩm nhưng mặt trái của nó lại là rất khó để biết được đâu mới là địa chỉ uy tín, đảm bảo. Theo tìm hiểu, có không ít các cửa hàng bán hàng xách tay chỉ nhập lượng nhỏ hàng hóa xuất xứ rõ ràng, cùng với đó là trộn lẫn hàng lậu, hàng nhái để câu khách.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, từ ngày 15/12/2023 -25/4/2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 17.584 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 200 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 80 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 67 vụ có dấu hiệu tội phạm.

Những tháng còn lại của năm 2024, dự báo tình hình kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, do đó, để bảo vệ môi trường kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, tập trung vào các mặt hàng trọng tâm, trọng điểm, có nhu cầu tiêu dùng cao.

Thời gian qua các cơ quan chức năng liên tục công bố các vụ kiểm tra, xử lý vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không tem, nhãn phụ, tuy nhiên tại nhiều siêu thị mini, cửa hàng mỹ phẩm, tạp hóa… vẫn bày bán tràn lan và có tình trạng “ngó lơ” pháp luật.

Đơn cử tại địa bàn TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), theo ghi nhận thực tế của phóng viên (PV), tại các cửa hàng của hệ thống Gấu Đôi, Mẹ và bé Hato có các địa chỉ sau: ngõ 158 - đường Phan Đình Phùng; 307-309A Lương Ngọc Quyến (Hato). Nhận thấy tại đây đều có nhiều mặt hàng tiêu dùng đa dạng như: Thực phẩm chức năng cho mẹ bầu, trẻ em; đồ dùng sơ sinh, quần áo cho bé…. nhưng đa phần không có tem nhãn phụ theo quy định của pháp luật nhưng vẫn ngang nhiên bày bán.

Người tiêu dùng cũng không thể nào biết được những nhân viên ở đây có trình độ ngoại ngữ ra sao, nhưng chỉ cần nhìn sản phẩm, họ có thể nói vanh vách

Người tiêu dùng cũng không thể nào biết được những nhân viên ở đây có trình độ ngoại ngữ ra sao, nhưng chỉ cần nhìn sản phẩm, họ có thể nói vanh vách

Rất nhiều mặt hàng may mặc nhưng về nguồn gốc, xuất xứ là câu hỏi lớn

Rất nhiều mặt hàng may mặc nhưng về nguồn gốc, xuất xứ là câu hỏi lớn

Thậm chí, trên nhiều sản phẩm “chi chít” những dòng chữ tiếng nước ngoài... Mọi thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng sản phẩm hay cảnh báo đều không có trên sản phẩm. Tất cả thông tin người tiêu dùng (NTD) muốn biết phải hỏi nhân viên tư vấn, ngay cả cách sử dụng sản phẩm cũng phải nhờ đến nhân viên tại cửa hàng này thì người mua mới có thể biết được.

Sản phẩm dùng để uống trực tiếp nhưng lại thiếu thông tin thành phần; Số lô sản xuất; Thông tin, cảnh báo về thành phần

Sản phẩm dùng để uống trực tiếp nhưng lại thiếu thông tin thành phần; Số lô sản xuất; Thông tin, cảnh báo về thành phần

Cầm hộp viên uống chống nắng trên tay tại cửa hàng Gấu đôi, sản phẩm này 100% chữ nước ngoài, chị H. thắc mắc với nhân viên về cách dùng. Nhân viên này liền đáp: “Đợi em 1 chút”, sau một hồi đi hỏi thông tin thì có quay lại tư vấn rằng, ngày uống 1 viên đủ 2 lít nước. Còn với những thông tin khác thì chị H. phải tự tìm hiểu.

Thắc mắc với PV, chị H. lo lắng, không có thông tin bằng tiếng Việt dựa vào đâu để nhân viên này tư vấn? Nhân viên ở đây có chuyên môn gì để tư vấn cho khách hàng hay không? Liệu đây có phải hàng xách tay hay là gì?

Được biết, các hệ thống cửa hàng trên đều kinh doanh sản phẩm chức năng dành cho bà bầu và bổ sung dinh dưỡng, đồ dùng cho trẻ em. Nhưng điều đáng nói, đa phần các sản phẩm trên đều có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng lại không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt để thể hiện thông tin hàng hóa. Đó là ngày sản xuất, hạn sử dụng, công ty nhập khẩu, công ty phân phối, thành phần, cách bảo quản và cách sử dụng sản phẩm... Điều này thể hiện sự xem nhẹ các quy định pháp luật, đồng thời gây khó khăn, nhầm lẫn, nguy hiểm cho NTD khi lựa chọn sản phẩm(!?)

Từ đó, các mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái sẽ có cơ hội "tuồn vào” các cửa hàng gây ảnh hưởng tới NTD, đặc biệt là sức khỏe của trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Ngoài ra, điều này cũng sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý thị trường.

Theo lực lượng Quản lý thị trường, trong hoạt động kinh doanh hàng hóa hoàn toàn không có kinh doanh hàng xách tay mà chỉ có mã ngành nghề. Việc trưng biển hàng xách tay chỉ là cách để chủ cửa hàng quảng cáo, gây ấn tượng và đánh vào tâm lý của người tiêu dùng ưa dùng hàng ngoại.

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì, hàng hóa xách tay nhưng không nộp thuế; không làm thủ tục hải quan; không có hóa đơn, chứng từ hoặc hóa đơn, chứng từ không đúng quy định; không dán tem nhập khẩu hoặc dán tem giả… là hàng hóa nhập lậu.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/nhieu-cau-hoi-ve-xuat-xu-o-cac-shop-ban-hang-xach-tay-430559.html