Nhật Bản được IAEA chấp thuận việc xả nước thải nhiễm xạ ra biển

Ngày 4-7, Nhật Bản đã nhận được sự chấp thuận từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đối với kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ ngư dân địa phương và nhiều nước trong khu vực.

Người biểu tình tập trung tại Seoul hôm 12-6 phản đối kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ. Ảnh: Kyodo

Người biểu tình tập trung tại Seoul hôm 12-6 phản đối kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ. Ảnh: Kyodo

Chiến thắng của Nhật Bản

Theo Reuters, sau hai năm xem xét, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng, kế hoạch của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và chúng có "tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường". "Đây là một đêm rất đặc biệt", người đứng đầu IAEA Rafael Grossi nói với Thủ tướng Fumio Kishida trước khi trao cho ông một tập tài liệu chứa báo cáo cuối cùng của cơ quan này. Phát biểu với báo giới và một nhóm nhỏ người biểu tình sau đó, ông Grossi cho biết ông sẽ tìm cách xoa dịu những lo ngại còn lại và sẽ bố trí nhân viên IAEA tại nhà máy Fukushima để giám sát việc xả nước thải.

Trước đó, theo báo Asahi, do đã đạt đến 96% sức chứa, Nhật Bản thông báo cần xả 1,3 triệu tấn nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra đại dương. Mặc dù Nhật Bản cho hay đã xử lý đảm bảo, lượng nước nhiễm xạ nhẹ này sẽ được pha loãng về mức an toàn hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, một số nhà khoa học cho rằng tác động của việc tiếp xúc lâu với liều lượng thấp phóng xạ hạt nhân vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và kêu gọi Nhật tạm dừng thải nguồn nước này ra đại dương. .

Kêu gọi hủy kế hoạch

Các nghiệp đoàn đánh cá Nhật Bản từ lâu đã phản đối kế hoạch này, cho rằng nó sẽ hủy hoại danh tiếng của hải sản trong khu vực. Một bản kiến nghị từ các ngư dân khu vực xung quanh nhà máy Fukushima đã thu được hơn 250.000 chữ ký kể từ khi kế hoạch xả thải được công bố lần đầu tiên.

Vụ việc đã gây sóng gió ngoại giao với các quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc. Các thành viên của Đảng Dân chủ tự do (DP) thuộc Ủy ban Nông lâm, công nghiệp chăn nuôi, lương thực, hải dương và thủy sản của Quốc hội Hàn Quốc ngày 27-6 đã đơn phương bỏ phiếu qua một nghị quyết phản đối kế hoạch của Nhật Bản. Dự thảo do DP thông qua kêu gọi Nhật Bản hủy bỏ kế hoạch xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, đồng thời đề xuất đưa vụ việc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, mở rộng kiểm tra mức độ phóng xạ trong thủy sản, lập đối sách bảo vệ ngư dân và đảm bảo tính an toàn cho lĩnh vực thủy sản. DP thậm chí vào tuần trước đã gửi thư tới các thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương để lôi kéo sự ủng hộ trong nỗ lực nhằm ngăn chặn Nhật Bản xả nước đã qua xử lý ra biển. Ngày 12-6, hàng nghìn ngư dân Hàn Quốc đã tập trung gần tòa nhà Quốc hội ở Seoul để biểu tình phản đối kế hoạch xả nước thải phóng xạ ra Thái Bình Dương của Nhật Bản. Các nhà bảo vệ môi trường ở Hàn Quốc đã tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul để phản đối kế hoạch này. Hôm 3-7, Hàn Quốc tuyên bố sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ tỉnh Fukushima cho đến khi người dân hết lo ngại. Hàn Quốc khẳng định sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm trừ khi hải sản từ khu vực này được chứng minh là an toàn,

Trong khi đó, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc Nhật Bản hành động liều lĩnh, coi thường sức khỏe và sự an toàn của công dân Trung Quốc cũng như lợi ích của cộng đồng toàn cầu. Ông Triệu cho rằng, trước khi thực hiện bất kỳ hành động đơn phương nào có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác, Nhật Bản phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế và xin phép các cơ quan quốc tế có liên quan. Ông Tse Chin-wan, quan chức Hồng Kông (Trung Quốc) về môi trường và sinh thái, cho rằng quyết định xả nước thải mà không xin phép hoặc đồng ý của các quốc gia khác đã vi phạm cả Công ước London về ngăn ngừa ô nhiễm biển và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhat-ban-duoc-iaea-chap-thuan-viec-xa-nuoc-thai-nhiem-xa-ra-bien-post280014.html