Nhập nhèm nguồn gốc trái cây ngoại

Nếu như trước kia người tiêu dùng phải đến siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng hoa quả nhập khẩu mới có thể mua được trái cây nhập khẩu từ nước ngoài thì nay đã khác. Trái cây dán nhãn mác có xuất xứ từ nước ngoài đang được bày bán tràn lan ở nhiều nơi với nhiều loại giá, khiến người tiêu dùng hoang mang về nguồn gốc cũng như chất lượng an toàn thực phẩm.

Dãy quầy hàng bán hoa quả ngay cổng chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy).

Dãy quầy hàng bán hoa quả ngay cổng chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy).

Tràn lan trái cây nhập khẩu

Mỗi tuần 2 lần, chị Nguyễn Thanh Nhàn (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) lại đi mua trái cây nhập khẩu tại chợ Long Biên về bán lẻ cho khách. Tại chợ Long Biên, từ 1h sáng, hàng trăm xe ô tô chở hàng đến và đi. Trong đó, khách hàng mua buôn như chị Nhàn khá nhiều. Mỗi quầy hàng đều bán buôn theo đơn vị thùng, càng mua nhiều, giá càng giảm. "Đêm 21-5, tức là ngày 14 âm lịch, tôi phải đi từ 12h đêm để nhập được hàng đẹp bán cho khách cúng rằm. Mỗi mã táo Am, Envy, lê Hàn Quốc, nho Mỹ tôi nhập luôn 10 thùng để được giá rẻ, sau đó về bán lẻ cho khách", chị Nhàn vừa nói chuyện vừa nhanh nhẹn cầm một sấp tem nhập khẩu dán vào từng trái cây.

Rời chợ Long Biên, phóng viên Báo Hànôịmới đến các chợ dân sinh, quầy hoa quả ở một số quận nội thành. Tại chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy), ngay ở cổng chợ có một dãy quầy hàng bán hoa quả nhập khẩu. Táo Envy được người bán rao giá 120.000-130.000 đồng/kg; táo Ambrosia giá 70.000-100.000 đồng/kg; nho Mỹ giá 90.000-120.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá các sản phẩm này ở siêu thị, cửa hàng trái cây nhập khẩu luôn cao hơn khoảng 30%. Theo quan sát của phóng viên, hầu hết người mua hàng đều tin tưởng các loại quả này là hàng nhập khẩu, giá bán rẻ hơn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, cùng một mặt hàng táo nhưng lại được dán tem nhãn của nhiều hãng. Người bán lý giải là táo ở nhiều thùng khác nhau nên tem khác nhau...

Không chỉ mua tại các chợ dân sinh, quầy hoa quả trên phố, người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng mặt hàng này trên mạng xã hội. Chị Lê Thanh Thúy (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) cho biết, chị thường xuyên nhập trái cây nước ngoài của một số cửa hàng trái cây sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội để bán trên mạng xã hội. Có lần bị khách hàng phản hồi là trái cây bị thối, hỏng nhiều, chị buộc phải thu hồi hàng và trả lại tiền cho khách. Tuy nhiên, khi phản ánh lại với đầu mối bán hàng thì chị nhận được câu trả lời vô cảm là hàng nhập khẩu không trả lại được. Chị cũng đã yêu cầu giấy tờ chứng minh là hàng nhập khẩu thì đầu mối này không cung cấp được. Từ đó, chị bỏ việc kinh doanh này vì cho rằng nếu không thẩm định được nguồn gốc hàng hóa thì ảnh hưởng đến uy tín, danh dự...

Tăng cường kiểm tra kết hợp tuyên truyền

Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm Nguyễn Tùng Lâm, quận thường xuyên có kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cửa hàng kinh doanh trái cây nhập khẩu. Năm 2023, các cơ quan chức năng của quận xử phạt 2 cơ sở với số tiền 2,3 triệu đồng; năm 2022, xử phạt 2 cơ sở với số tiền gần 2,8 triệu đồng đều do vi phạm kinh doanh hoa quả không có nguồn gốc xuất xứ.

Cũng theo ông Nguyễn Tùng Lâm, đội ngũ cán bộ tại tuyến phường thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm nói chung, hoa quả nói riêng là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí. Nguồn nhân lực mỏng, trong khi đó nhiều tiểu thương lại kinh doanh trên mạng xã hội nên quận gặp nhiều khó khăn trong việc xác định địa điểm, nguồn hàng, đối tượng mua bán... Trước thực tế này, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát, quận Hoàn Kiếm đã tập trung tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”. Đồng thời, công khai danh sách các cơ sở kinh doanh trái cây an toàn để người dân nhận diện.

Tại quận Nam Từ Liêm, Trưởng phòng Kinh tế quận Nam Từ Liêm Trần Quang Duy cho biết, tháng 11-2023, lực lượng quản lý thị trường quận kiểm tra xử phạt hành chính 800.000 đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa một cơ sở kinh doanh hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, tháng 9-2022, lực lượng chức năng cũng kiểm tra xử phạt hành chính 3 triệu đồng với cơ sở kinh doanh hoa quả nhập lậu, tiêu hủy hàng hóa trị giá 2,8 triệu đồng. Trong năm 2024, các đoàn kiểm tra tiếp tục tổ chức kiểm tra liên ngành về chất lượng, nguồn gốc hoa quả nhập khẩu tại các cửa hàng, chợ trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chủ trương yêu cầu đóng cửa các cửa hàng kinh doanh trái cây không an toàn, chỉ đạo các phường tiếp tục đăng ký, mở rộng tuyến phố văn minh, không kinh doanh hoa quả dưới lòng đường, vỉa hè.

Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND (ngày 7-12-2023) triển khai Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2024. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt triển khai hiệu quả kế hoạch, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể kinh doanh trái cây nhập khẩu; công khai danh sách các cửa hàng bảo đảm an toàn thực phẩm được cấp biển nhận diện, các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, để tránh mua phải trái cây nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ, trái cây kém chất lượng, người tiêu dùng cần tìm tới các địa chỉ uy tín, lựa chọn những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, qua đó bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhap-nhem-nguon-goc-trai-cay-ngoai-667487.html