Nhận diện rủi ro để có quyết sách đúng

Theo chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 là dịp nhận diện các rủi ro để từ đó, Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách đúng, đưa kinh tế phục hồi và phát triển. Nói một cách ví von thì quyết sách của Quốc hội đưa ra phải xác định như 'chuyến xe cấp cứu' kịp thời, 'có đèn chạy ưu tiên', nhưng 'tài xế' lại cứ chạy từ từ, nên quyết sách chậm đi vào cuộc sống.

Tăng trưởng kinh tế có khả năng vượt mục tiêu 6 - 6,5% "Lội ngược dòng", tăng trưởng kinh tế có thể đạt 7%

PV: Tham gia Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 và có những ý kiến đóng góp trực tiếp tại phiên thảo luận chuyên đề, ông có nhận xét gì về gói hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế?

TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch: Phiên thảo luận chuyên đề 2 của diễn đàn gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Phải khẳng định rằng, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã thể hiện rất rõ tinh thần “ứng vạn biến” của Quốc hội. Nghị quyết này đã được ban hành rất nhanh, rất sớm. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP để triển khai thực hiện. Trong đó, đã đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược, quan trọng cho giai đoạn tiếp theo. Có thể nói, sự kỳ vọng vào 2 nghị quyết này là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai nghị quyết vẫn còn một số bất cập.

PV: Trên thực tế, Chính phủ và các bộ, ngành đã nhanh chóng vào cuộc, tuy nhiên thực tế triển khai vẫn còn gặp khó khăn, nhất là trong một số chính sách cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Với những bất cập như ông vừa chia sẻ, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

TS. Trần Du Lịch: Nếu nói một cách ví von thì quyết sách của Quốc hội đưa ra phải xác định như "chuyến xe cấp cứu" kịp thời, "có đèn chạy ưu tiên", nhưng "tài xế" lại cứ chạy từ từ, nên quyết sách chậm đi vào cuộc sống. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp, người dân vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Tại TP. Hồ Chí Minh, một thành phần bị ảnh hưởng rất nặng nề là 350.000 hộ kinh doanh cá thể thương mại, dịch vụ, họ có đóng góp rất lớn cho GDP nhưng gặp khó khăn trong vay vốn và khả năng phục hồi rất chậm. Bên cạnh đó, do tắc nghẽn thủ tục nên một số lĩnh vực như xây dựng không phục hồi được.

Xây nhà ở xã hội là một trong những chính sách đảm bảo an sinh, phát triển bển vững.

PV: Vậy theo ông, thời gian tới cần phải làm gì để chương trình được triển khai nhanh chóng, hiệu quả?

TS. Trần Du Lịch: Tôi cho rằng, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Việc hấp thụ vốn đang gặp khó khăn, nhất là ở khu vực tư nhân, do đó phải tập trung gỡ khó khăn trong hấp thụ vốn thì mới đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, qua đó phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ngoài ra, thực hiện đúng thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến” của tình hình kinh tế quốc tế. Giữ ổn định kinh tế vĩ mô trên tất cả các chỉ tiêu, đó là lạm phát, giá cả, dự trữ ngoại hối, dòng tiền. Từ nay đến cuối năm, dư địa tín dụng còn 4% phải "bơm" vào được những nơi cần "bơm", như Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã nêu.

Một giải pháp nữa đó là thực hiện các giải pháp phối hợp tài chính - tiền tệ, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam gồm thị trường tiền tệ, chủ yếu hoạt động qua hệ thống ngân hàng thương mại và huy động vốn trung hạn, dài hạn qua chứng khoán. Một thời gian rất dài, nguồn vốn của thị trường tài chính nước ta chủ yếu dựa vào các ngân hàng thương mại (cả về vốn trung, dài hạn). Vừa qua, chúng ta đã phát triển được thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Tuy đã xảy ra một số sự cố đối với thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhưng vẫn phải có giải pháp để trái phiếu doanh nghiệp giảm "gánh nặng" cho các ngân hàng thương mại. Nếu để ngân hàng thương mại "gánh" cả vốn trung và dài hạn sẽ gây nguy cơ bất ổn cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, tôi cho rằng, cần phải đặc biệt quan tâm đến chính sách an sinh xã hội. Các chính sách an sinh xã hội phải chú trọng xây nhà cho công nhân, xây nhà xã hội cho người lao động. Đây là giải pháp căn cơ để phát triển bền vững, chứ không phải chỉ hỗ trợ tiền thuê nhà tạm thời như giai đoạn vừa qua.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thành công của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022?

TS. Trần Du Lịch: Diễn đàn được tổ chức với quy mô lớn, chuẩn bị rất công phu, quy tụ trí tuệ của hơn 400 đại biểu, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Diễn ra ngay trước thềm Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, diễn đàn năm nay đã đánh giá toàn diện thực trạng nền kinh tế, nhận diện sâu sắc, chính xác các nguy cơ, rủi ro đối với nền kinh tế, nhất là các rủi ro vĩ mô và các lĩnh vực an sinh xã hội; rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian vừa qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15, qua đó đưa ra các khuyến nghị chính sách, pháp luật, phục vụ hữu ích cho công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tôi mong rằng, sau diễn đàn, những quyết sách của Quốc hội và Chính phủ đi vào cuộc sống. Với những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự diễn đàn, cùng quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhan-dien-rui-ro-de-co-quyet-sach-dung-113106.html