Nhạc sĩ Văn Dung và những bài hát còn mãi

Nhạc sĩ Văn Dung tên đầy đủ là Nguyễn Văn Dung, sinh ngày 15/1/1936, tại Hà Nội, nguyên Trưởng phòng Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông đã qua đời ngày 8/3 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi, nhưng những giai điệu và lời ca nồng nàn của ông chắc sẽ còn mãi với công chúng qua các thế hệ.

Nhạc sĩ Văn Dung thuộc thế hệ nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng con đường đến với âm nhạc của ông lại khá kỳ lạ. Sở dĩ nói như vậy vì Văn Dung vốn được đào tạo chuyên ngành báo chí tại Trường Báo chí Trung ương (Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc). Về công tác tại Ban Công nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam được một thời gian, trước lời đề nghị tha thiết của nhạc sĩ Cầm Phong, ông chuyển công tác sang mảng biên tập âm nhạc và chính thức trở thành cán bộ của Ban Văn nghệ. Với vốn liếng âm nhạc tự học từ trước, Văn Dung tiếp tục đào sâu, tìm tòi, hoàn thiện các kiến thức để phục vụ công việc.

Từ năm 1965 đến 1971, Văn Dung đi thực tế sáng tác tại nhiều nơi ở các chiến trường ác liệt như Khe Sanh, đường Trường Sơn, đường 9 - Nam Lào. Những ca khúc đầu tiên của ông như Giải phóng quân ra đi (1965) và Tiến về Khe Sanh (1968), công bằng mà nói, chưa gây được nhiều sự chú ý. Nhưng chỉ ba năm sau, năm 1971, Văn Dung cùng lúc có hai sáng tác quan trọng là Bài ca đường 9 chiến thắng và đặc biệt là Đường Trường Sơn xe anh qua đã được thính giả cả nước đón nhận nồng nhiệt.

Hai ca khúc viết theo hai phong cách hoàn toàn khác nhau, nhưng đều hết sức thành công. Bài ca đường 9 chiến thắng được viết ở giọng trưởng với nhịp điệu lôi cuốn, nồng nhiệt, hối hả, là tiếng reo vui mừng đại công, đã được nhiều cặp song ca nữ hoặc tốp ca nữ thể hiện: Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn/Em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn/ Nghe sấm dội cả non ngàn/ Nghe bão nổi cả đôi miền/... Trong muôn gian lao mưa bom bão lửa/ Anh bước trên đầu thù cùng xốc tới... Còn bài Đường Trường Sơn xe anh qua lại được viết giọng thứ với nhịp điệu vừa phải, giọng điệu trìu mến, tình tứ với nhiều nốt luyến trải khắp tác phẩm.

Lời bài hát cũng là sự bày tỏ tình cảm đôi lứa thiết tha trong thời chiến giữa người chiến sĩ lái xe và cô gái giao liên mở đường: Đường anh đi mang tình em như tình quê hương nâng bước ta đi/ Đường in trong tim anh, đường in dấu chân em/ Đường Trường Sơn yêu biết mấy khi tình em cháy trong lòng anh.

Năm 1970, khi Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh phát động phong trào sáng tác ca khúc nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Văn Dung lại có thêm một ca khúc nổi tiếng nữa: Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Ngay lập tức, tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt và được dàn dựng, trình bày bởi 500 học sinh, sinh viên trong lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đoàn (26/3/1931-26/3/1971). Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng giai điệu và ca từ của bài hát vẫn tươi tắn, sôi nổi, đầy khí thế tiên phong của một thế hệ trẻ: Đi ta đi lên, Tổ quốc chờ ta đem sức thanh xuân xây dựng quê hương thân yêu/ Trong muôn gian lao, truyền thống vinh quang luôn nhắc nhở Đoàn ta sao xứng danh cháu Bác Hồ Chí Minh.

Cùng với một số ca khúc khác dành cho đoàn viên thanh niên cũng được sáng tác trong giai đoạn chống Mỹ như Đi tới những chân trời (Nhạc và lời Xuân Giao), Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ (Nhạc và lời Triều Dâng), Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xứng đáng được coi là một trong những bài hát truyền thống hay nhất của lịch sử hoạt động Đoàn.

Đất nước bước sang thời kỳ hòa bình, nhạc sĩ Văn Dung vẫn không ngừng sáng tác. Bên cạnh các ca khúc trữ tình dành cho người lớn như Tình ca đất mỏ, Hương lúa chiêm xuân, Em với rừng Hoàng Liên, Chiều xa thành phố cảng, Văn Dung còn quan tâm viết nhạc cho thiếu nhi.

Ông có những bài hát thiếu nhi được phổ biến rộng rãi, trong đó tiêu biểu nhất có thể kể tới Chim chích bông (phổ thơ Nguyễn Viết Bính), ca khúc dành cho lứa tuổi mẫu giáo: Chim chích bông/ Bé tị teo/ Rất hay trèo/ Từ cành na/ Ra cành bưởi/ Sang bụi chuối/ Em vẫy gọi/ Chích bông ơi/ Luống rau xanh sâu đang phá/ Chim xuống nhé có thích không/ Chú chích bông liền sà xuống/ Bắt sâu cùng và luôn miệng/ Thích thích thích à thích thích thích.

Nhưng nổi tiếng nhất trong những tác phẩm viết sau năm 1975 của Văn Dung, phải kể đến ca khúc về Bác Hồ kính yêu Những bông hoa trong vườn Bác được sáng tác vào mùa xuân năm 1977. Với điệu thức trưởng trong sáng, lời ca mượt mà, đầy xúc động ân tình, bài hát có thể nói đã chinh phục trái tim hàng triệu thính giả trong cả nước. Ca khúc vừa bày tỏ lòng kính yêu, biết ơn với vị lãnh tụ vĩ đại, vừa thể hiện được nhịp sống tươi mới của hòa bình đang lan tràn khắp Tổ quốc yêu thương.

Đó cũng là tình yêu đắm say với cuộc sống mỗi ngày mà nhạc sĩ muốn gửi tới bao người: Những bông hoa trong vườn Bác/ Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người/ Mỗi mùa hoa một mùa quê hương/ Mỗi màu hoa một màu yêu thương/ Gợi nhớ về bao nhiêu kỷ niệm/ Em ơi nghe chăng mùa xuân đến/ Trong muôn tươi xanh hay trong cánh chim/ Trong muôn tiếng ca ngọt ngào tình quê hương/ Say muôn sắc hoa dịu dàng trong nắng xuân...

Với những đóng góp xuất sắc cho âm nhạc Việt Nam, năm 2001, nhạc sĩ Văn Dung đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật (đợt I).

Nhạc sĩ Văn Dung đã chọn đúng một ngày đầu xuân để tạm biệt chúng ta. Ông qua đời tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào hồi 20 giờ 23 phút ngày 8/3, sau một thời gian dưỡng bệnh, hưởng thọ 87 tuổi. Bây giờ, có lẽ ông đang phiêu du cùng những cánh chim, cùng muôn sắc hoa trên khắp mặt đất và bầu trời xứ sở. Nhưng những giai điệu và lời ca nồng nàn của ông thì vẫn ở đây, còn mãi trong lòng những người ở lại, những người yêu nhạc Việt. Với nhiều người, cứ mỗi khi đón một mùa xuân mới về với ngàn hoa khoe sắc, những câu hát của Văn Dung chắc chắn sẽ còn tiếp tục ngân lên...

Lễ viếng nhạc sĩ Văn Dung sẽ diễn ra từ 10 giờ ngày 12/3, tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354 (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 11 giờ cùng ngày; hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội.

ĐỖ ANH VŨ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-chay/nhac-si-van-dung-va-nhung-bai-hat-con-mai-688758/