Nhà văn Lê Lựu: Ân tình gửi lại

Trong khuôn viên trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ ở số 160 Lê Quý Đôn, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì có một công trình tưởng niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ nổi tiếng thời chống Mỹ, một người con của Phú Thọ. Hơn 10 năm qua, kể từ khi khánh thành, công trình này đã trở thành một địa chỉ văn hóa cho người yêu văn học nghệ thuật vùng đất Tổ Hùng Vương.

Từ nhà tưởng niệm thi sĩ Phạm Tiến Duật…

Bây giờ sau 10 năm, nhà tưởng niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật đã được bổ sung thêm nhiều tư liệu, tranh ảnh có liên quan đến nhà thơ và bạn đọc yêu thơ Phạm Tiến Duật gửi đến… làm cho gian trưng bày phong phú hơn. Từ ý tưởng ban đầu của nhà văn Lê Lựu, lúc đó là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và cũng là người bạn thân của thi sĩ Phạm Tiến Duật, với sự hưởng ứng tích cực của họa sỹ Đỗ Ngọc Dũng (Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ), hai đơn vị lập kế hoạch trình lên UBND Tỉnh, đã được Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Phú Thọ đồng ý cho xây dựng nhà tưởng niệm. Tại Quyết định số 29229/UBND/VX4 ngày 23-8-2010 của UBND tỉnh Phú Thọ đã giao nhiệm vụ cho hai đơn vị là Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ thực hiện. Địa điểm xây dựng tại khuôn viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ.

Nhà văn Lê Lựu và họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng cùng các bạn trẻ của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân.

Nhà văn Lê Lựu và họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng cùng các bạn trẻ của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân.

Thực tế ban đầu ý tưởng của mọi người khi tìm địa điểm không phải ở Việt Trì, mà là khu vực thị xã Phú Thọ, nơi gần quê anh Duật sinh ra, và là nơi có ngôi trường cấp 3 Hùng Vương nổi tiếng anh Duật từng học tập. Nhưng mọi người nhận ra rằng nếu xây nhà tưởng niệm ở đó thì quá xa, không ai trông nom quản lý sẽ bất tiện. Chính ông Nguyễn Hữu Điền, bạn chiến đấu cùng thời với anh Duật, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, đã đề xuất xây nhà tưởng niệm anh Duật ngay trên tầng hai của trụ sở Hội, nhưng xét thấy ngôi nhà này nền móng yếu, không thể cơi nới thêm nữa, nên hai đơn vị thực hiện đã xin tỉnh quyết định cho xây ngay trên phần đất, cạnh cổng ra vào của cơ quan Hội với diện tích 150m2.

Việc triển khai xây dựng công trình từ khâu thiết kế, đến tổ chức thi công do họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng đảm nhiệm. Trung tâm Văn hóa Doanh nhân phối hợp lo kinh phí. Đây thực sự là những ngày căng thẳng, vì công trình 100% trông chờ vào nguồn kinh phí xã hội hóa. Mặc dù căn bệnh do tai biến mới tạm ổn định, đi lại còn khó khăn, nhưng do công việc đòi hỏi, nhà văn Lê Lựu vẫn cứ đi đi, về về giữa Hà Nội và Phú Thọ như con thoi. Việc quan trọng là đi quan hệ ngoại giao xin kinh phí, để lấy tiền thi công công trình. Bằng uy tín của bản thân nhà văn Lê Lựu và lòng yêu mến thi sĩ Phạm Tiến Duật của độc giả, rất may mắn là ban đầu đã có một số đơn vị tài trợ như Cienco 5, Liên doanh dầu khí Việt Nam, Báo Công an nhân dân, Công ty Sông Hồng Thủ Đô và một vài đơn vị khác, đã ủng hộ được hơn 300 triệu đồng. Rồi có công ty gạch thì cho gạch lát, công ty xi măng ủng hộ xi măng giá rẻ bằng một nửa. Mái tôn lợp cũng không phải mua…

Ủy ban nhân dân tỉnh cảm kích trước sự nhiệt tình của hai cơ quan với công trình tri ân nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đóng góp 50 triệu vào việc hoàn thiện. Hôm hoàn thành việc xây dựng, nhà văn Lê Lựu yếu đến mức bước lên ôtô phải có người dìu. Ông từng tâm sự: về sau nghĩ lại thấy bản thân ông và họa sỹ Đỗ Ngọc Dũng hơi… liều. Liều ở chỗ trong tay khi ấy không có một đồng nào mà vẫn quyết định làm.

Bên trong nhà tưởng niệm thi sĩ Phạm Tiến Duật.

Bên trong nhà tưởng niệm thi sĩ Phạm Tiến Duật.

Càng ngày càng chứng tỏ việc chọn vị trí xây dựng nhà tưởng niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật ở cơ quan Hội là hợp lý, bởi hàng ngày luôn có người trông coi, ra vào. Hằng năm có hàng trăm đoàn văn nghệ sỹ trong cả nước về thăm Đền Hùng, giao lưu với Hội Văn học – Nghệ thuật Phú Thọ đều vào thăm nhà tưởng niệm. Rồi các đoàn học sinh đến đây ngoại khóa tìm hiểu thân thế sự nghiệp và tác phẩm của nhà thơ.

Tuy nhiên, theo họa sỹ Đỗ Ngọc Dũng, vì công trình tương đối chắp vá, hơn 10 năm qua đã có phần xuống cấp, nên tới đây phải xin thêm kinh phí để cải tạo lại. Chỉ có điều nhà văn Lê Lựu, người nêu ý tưởng và đồng hành việc xây dựng nhà tưởng niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng vừa về thế giới bên kia, gửi lại một món quà ân tình trên quê hương đất Tổ.

Đến ngôi đình làng mãn hòa

Khi nhà văn Lê Lựu mất được 3 tuần, tôi mới có dịp về quê Tân Châu thắp nén nhang tưởng nhớ ông. Ngôi nhà của ông vẫn đấy, nhưng đường vào cổng đã bê tông hóa, sân gạch, vườn hoa khang trang. Người nhà bảo nhờ phong trào nông thôn mới nên được như vậy. Người chăm sóc hương khói cho ông bây giờ là bà Mỹ - người vợ ngày xưa của ông và đưa cháu gái. Vợ chồng con gái ông nhà ở trên thị trấn thỉnh thoảng mới lui về. Nhớ khoảng năm 2000, khi khánh thành Đình Trung Hòa, thôn Mãn Hòa (ngôi đình xây từ ý tưởng và sự đóng góp lớn của ông) ông rủ chúng tôi về quê. Vì sống ở Hà Nội, nên ngôi nhà bỏ không. Nhà không có cổng, chỉ có hàng tre gai làm hàng rào. Ông kéo ngọn gai tre rào cổng bước vào hớn hở giới thiệu: “Tác phẩm “Hai nhà” tôi viết tại ngôi nhà này đấy”. Bà em họ kể: “Ngày ấy bác Lê Lựu về quê bí mật, không cho ai biết. Rồi bác bảo tôi lấy thêm gai tre rào cổng lại. Sau hơn 3 tháng cấm cung tại chỗ để viết thì bác ấy hoàn thành tác phẩm “Hai nhà”. Bây giờ ông đi xa người làng càng nhớ ông nhiều hơn, nhớ hình ảnh ông một thời tất tả đi đi, về về, trăn trở cùng người dân trong thôn tìm cách xây dựng lại ngôi đình làng – Di sản của các cụ xưa. Trong khi kinh phí cũng hầu như từ hai bàn tay trắng.

Đình Trung Hòa của làng Mãn Hòa đã được xây dựng lại khang trang.

Đình Trung Hòa của làng Mãn Hòa đã được xây dựng lại khang trang.

Hai thôn Tiến Châu và Mãn Hòa (xã Tân Châu) xưa kia đều có đình làng khang trang. Đình làng Mãn Hòa quê ông thờ Tứ Vị Đại vương. Nhưng không hiểu lý do gì, cách đây khoảng 60 năm người ta phá bỏ đình làng, còn đào cả móng, không để lại dấu vết gì. Thời gian trôi đi nhiều chục năm, ngỡ như dân làng quên ngôi đình, bằng lòng với đời sống thiếu đình, thiếu nơi hoạt động tín ngưỡng. Đang yên đang lành, thì bất ngờ thôn Tiến Châu bên cạnh khởi công xây lại đình làng. Tin lan truyền xuống thôn Mãn Hòa, khiến dân làng cũng sục sôi, cũng muốn làm sao xây dựng lại được đình Trung Hòa của làng mình.

Nhưng lúc dó không có thực lực kinh tế, nên mong muốn của dân làng cũng chỉ là mong muốn vậy thôi. Đang lúc mọi người nhạt ý, nản lòng, thì năm 1996 ông Lê Lựu về nêu ý tưởng xây lại đình với các cụ trong thôn. Dù nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng đạt được thống nhất cao. Với tinh thần cứ làm dần, có đến đâu làm đến đó. Lúc đầu bằng tiền đóng góp khiêm tốn của người dân trong thôn và 14 triệu đồng của ông Lê Lựu để khởi công làm móng trước. Đình làng không có bản vẽ thiết kế mà do thợ có kinh nghiệm tự phác thảo ra, rồi bàn bạc với ban quản lý thống nhất, làm thế nào để ra cái đình. Vì vừa làm, vừa đi lo tiền, nên tình trạng nợ tiền công thợ xảy ra, cứ phải trả dần.

Ông Lê Tuệ, em họ của ông Lê Lựu, cũng là người tham gia vào việc xây dựng đình kể lại: Trong việc này, bác Lựu quyết liệt lắm, tinh thần cứ sôi sùng sục, khiến mọi người hăng hái mà làm theo. Bác cứ đi đi, về về. Có gì vướng mắc (chủ yếu là thiếu tiền) là bác quyết luôn, tinh thần là cứ làm cho được việc đã, tính sau. Bác Lê Lựu biết dân làng nghèo, đóng góp có hạn, nên bằng uy tín của mình, bác đi kêu gọi khắp nơi: anh em, bạn bè, doanh nghiệp… ai có điều kiện giúp thì giúp cho. Trong danh sách quyên góp có tên vài vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch thành phố, các doanh nghiệp lớn nhỏ, các cơ quan… Trong đó có người cung tiến cả quả chuông lớn.

Năm 2000 xây xong nhà chính thì hết tiền, còn nhà thờ mẫu, các cụ tính chỉ xây tạm ngôi nhà cấp 4. Nhưng ông Lê Lựu không đồng ý, mà bảo làm nhà mẫu cũng phải xây đàng hoàng. Ông lại ủng hộ 10.000 viên gạch và vài chục triệu nữa để làm nhà mẫu. Theo tinh thần của ông Lê Lựu, người dân thôn Mãn Hòa đều tích cực góp công, góp của vào công trình ý nghĩa này. Các ban thờ, hoành phi câu đối và nhiều thứ khác bài trí bên trong nhờ thế mà nhanh chóng đầy đủ. Để bây giờ thôn Mãn Hòa có được ngôi đình khang trang, làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng. Cứ đến ngày 21 tháng Chạp hàng năm đình Trung Hòa lại mở hội tưởng nhớ Tứ vị Đại vương trong niềm thành kính biết ơn của mọi người.

Sau này ốm đau, lúc còn tỉnh táo ông vẫn thường bảo các cụ trong làng: Đình làng ta chưa có cổng, các cụ bảo con cháu cố gắng xây cổng cho nó trọn vẹn nhé…

Hà Văn Thể

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nha-van-le-luu-an-tinh-gui-lai-i679756/