Nhà văn đua nhau 'làm nghiên cứu khoa học'

Xu hướng viết văn về sự kiện có thật với cách tiếp cận nghiên cứu khoa học đang thịnh hành ở châu Âu. Việt Nam cũng có những cây bút theo đuổi lối viết này.

 Cuốn sách của nhà văn Ivan Jablonka có sự kết hợp giữa văn chương và nghiên cứu lịch sử, xã hội. Ảnh: M.H.

Cuốn sách của nhà văn Ivan Jablonka có sự kết hợp giữa văn chương và nghiên cứu lịch sử, xã hội. Ảnh: M.H.

Dòng văn học viết dựa trên dữ kiện có thật đang được cả nhà văn lẫn độc giả hiện đại ưa chuộng. Nhiều tác phẩm thách thức giới hạn của văn chương đã nhận được sự công nhận của giới phê bình.

Trong buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách của sử gia người Pháp Ivan Jablonka - Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi - diễn ra tối 17/5 tại viện Goethe, Hà Nội, dịch giả Trần Lê Bảo Chân và PGS.TS Phạm Xuân Thạch đã bàn về lối viết kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương và các ngành khoa học xã hội như sử học, xã hội học và nhân loại học trong tác phẩm này.

Theo hai vị diễn giả, xu hướng viết văn về vi lịch sử, với lối tiếp cận của nghiên cứu khoa học đang rất thịnh hành ở châu Âu và ở Việt Nam cũng đang có một số đại diện như Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Vĩnh Nguyên…

Văn chương phi hư cấu

Theo dịch giả Bảo Chân, cây viết Ivan Jablonka từng có những bài luận phân tích về văn chương của Annie Ernaux. Và mặc dù chưa từng trực tiếp nói về ảnh hưởng của Ernaux lên các sáng tác của mình, độc giả vẫn có thể thấy những điểm tương đồng trong cách tiếp cận viết văn của Jablonka.

Trong clip chia sẻ với độc giả Việt, nhà văn này nói rằng ông viết sách, nghiên cứu lịch sử để hiểu về ông bà của ông, những người đã bị lưu đày sang trại tập trung Auschwitz.

Qua tác phẩm này, Ivan Jablonka muốn viết một vi lịch sử phản ánh một lịch sử quần chúng, chứng minh rằng hai đối tượng vô danh này có một hành trình chung, liên quan đến cả cộng đồng, chứng minh rằng không có sự khác biệt giữa lịch sử cá nhân và lịch sử nói chung. Ông nói: “Cái mà chúng ta gọi là lịch sử được hình thành từ mỗi cá nhân, từ những lịch sử gia đình, từ những cuộc đời của cha ông ta”.

Để viết nên Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi, Jablonka đã phải tìm đến các tư liệu ở các trung tâm lưu trữ tại Pháp và khoảng 20 trung tâm lưu trữ ở Ba Lan, tìm gặp các nhân chứng - những người từng quen biết ông bà ông hoặc là con cháu của những người sống cùng thời với họ.

Ông cho biết ông đã gần như xuyên hết đất nước Ba Lan và nhiều tỉnh thành ở Pháp, đã tới Argentina, Israel, Brazil, Mỹ để gặp gỡ nhân vật. Ông chia sẻ: “Bằng cách đó, tôi muốn tiến gần đến ông bà nhất có thể”.

Cuốn sách được viết ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi”, lấy tư cách là một người nghiên cứu sử, đồng thời cũng là một người cháu tìm hiểu về ông bà mình. Ông cho biết mình muốn viết từ điểm nhìn này để chứng minh rằng sự can dự của một cái tôi cá nhân không hề đi ngược nguyên tắc lịch sử. Là một sử gia, ông khẳng định mình có lợi thế về độ khách quan, trung thực và minh bạch trong phương pháp tiếp cận.

Ông cho rằng người Việt Nam cũng sẽ dễ đồng cảm với câu chuyện này, hiểu được sự dữ dội của lịch sử, của sự thảm khốc đổ ập xuống những thân phận đơn lẻ.

Những chia sẻ của cây viết này lập tức khiến PGS.TS Phạm Xuân Thạch liên tưởng đến nhà văn Eugen Ruge và cách ông nghiên cứu lịch sử gia đình mình để viết nên Thời nắng lịmMetropol, trong đó, thông qua những tập hồ sơ có thật, những tài liệu thật, nhà văn kể câu chuyện của riêng gia đình mình, phản ánh bao quát hiện thực xã hội.

Nhiều nhà văn đương đại châu Âu cũng đã chọn viết văn theo phương pháp tương tự - viết từ sự kiện có thật, viết sau khi đã nghiên cứu, tra cứu thông tin chính thống, thậm chí tìm và phỏng vấn người thật, viết để tìm kiếm sự thật.

Lối viết khoa học như vậy tưởng sẽ khiến tác phẩm trở nên khô cứng, thiếu cảm xúc. Nhưng sự thật thì ngược lại - những câu chuyện có thật này khơi gợi cảm xúc một cách tự nhiên. Các diễn giả trong buổi giao lưu cho rằng các tác phẩm của Ivan Jablonka hay Eugen Ruge và Annie Ernaux đều rất xúc động và khơi gợi nhiều suy nghĩ, nhiều phản tư về chính cuộc đời mình.

 Dịch giả Bảo Chân và PGS.TS Phạm Xuân Thạch tại buổi giao lưu. Ảnh: MH.

Dịch giả Bảo Chân và PGS.TS Phạm Xuân Thạch tại buổi giao lưu. Ảnh: MH.

Những “thí nghiệm” ở Việt Nam

PGS.TS Phạm Xuân Thạch cho rằng trong khoảng 20 năm đổ lại đây, văn học phương Tây nói chung và cụ thể là văn học châu Âu được dịch và giới thiệu rất tốt ở Việt Nam. Ông nghĩ khi ta tiếp xúc với tư duy phản tư của phương Tây, tư duy của các tác giả Việt cũng đã thay đổi nhiều.

Ông nhận thấy nhiều nhà văn Việt Nam đã bắt đầu có lối viết theo kiểu phi hư cấu thành công.

Ông kể: “Cách đây mấy năm, có hai cuốn sách khiến tôi rất xúc động là Nhất Linh cha tôiNgôi nhà An Đông của mẹ tôi của Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn Nhất Linh. Cũng như Ivan Jablonka, ông Tường Thiết dù sống ở Đà Lạt với bố nhưng giữa hai người có một khoảng cách nhất định. Trong cuốn sách Nhất Linh cha tôi, Nguyễn Tường Thiết đi tìm lại câu chuyện của bố mình, kể cả những câu chuyện giải thiêng hóa người bố”.

Một trong những tác giả nổi trội khác được ông Thạch nhắc đến là Nguyễn Vĩnh Nguyên. Nhà văn này đã viết 6 cuốn sách về Đà Lạt và đã có những thể nghiệm pha trộn ảnh tư liệu, sử liệu, hồi ức, gặp gỡ nhân chứng… khiến ông không định tên thể loại sách.

Ngoài ra, PGS.TS Phạm Xuân Thạch cũng nhắc đến nhà văn Nguyễn Trương Quý với Một thời Hà Nội hát Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc, trong đó, nhà văn này viết khảo cứu về văn hóa qua lăng kính giàu xúc cảm của nhà văn.

Ông cho rằng thời hiện đại đã khai mở suy nghĩ của người viết, để họ mạnh dạn sáng tạo, thoát ra khỏi những kiểu viết tiểu thuyết lịch sử truyền thống mà kể câu chuyện một cách khoa học, chặt chẽ, tiếp cận “một lối viết trí tuệ hơn”.

Theo ông Thạch, lối viết này cũng đáp ứng nhu cầu của độc giả hiện đại, thế hệ độc giả khắt khe hơn, sắc sảo hơn khi tiếp nhận thông tin.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-van-dua-nhau-lam-nghien-cuu-khoa-hoc-post1432360.html