Nhà văn Châu La Việt: Đứa con của cắt chia và đoàn tụ
Không chỉ viết, Châu La Việt còn kể chuyện. Ông có thể kể về mẹ bất cứ lúc nào, với bất cứ ai.

NSƯT Tân Nhân và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thời trẻ. Ảnh: NVCC
Nếu như công việc của một nhà báo thường hướng tới nhiều đối tượng thì khi làm thơ, viết kịch, hay viết truyện ngắn, tiểu thuyết, Châu La Việt khẳng định chắc nịch: Chỉ viết về đồng đội, viết cho đồng đội. Song có lẽ phải thêm một vế cực kỳ quan trọng, ấy là viết về mẹ, viết về nỗi đau của mẹ - nỗi đau gom đầy hương vị của tình yêu, hạnh phúc và mật đắng. Trong nỗi đau có hình hài đứa con mang tên Hoài buồn như niềm nhớ không bao giờ phai.
Nhà văn Châu La Việt tên khai sinh là Lê Khánh Hoài, quê gốc Quảng Trị, sinh ở Hà Tĩnh, lớn lên ở Hà Nội, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ (mặt trận Hạ Lào). Xuất ngũ, ông theo học Đại học Sư phạm, nhiều năm sau gắn bó với công việc làm báo, viết văn. Ông là con trai duy nhất của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và NSƯT Tân Nhân - giọng ca vàng của dòng nhạc cách mạng. Ông cũng là đứa con của đôi bờ từng bị cắt chia để rồi đoàn tụ.
Không chỉ viết, Châu La Việt còn kể chuyện. Ông có thể kể về mẹ bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Kể với người mới quen hay đã quen từ lâu. Kể ở quán cà phê, nơi hội thảo, trên chuyến xe công tác, hay giữa khung cảnh chiến trường xưa. Những câu chuyện có thể lặp lại nhiều lần, nhưng luôn đầy xúc cảm và sống động, như thể mới diễn ra hôm qua hôm kia, như thể thời gian và khoảng cách địa lý không ràng buộc. Và Châu La Việt, người đàn ông đã ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc trắng, cuộc đời từng trải mọi vui buồn sướng khổ, từng mấy lần thoát chết, từng nhiều lần vi vu trời Âu trời Mỹ, nhưng vẫn là đứa con trai bé bỏng của mẹ - NSƯT Tân Nhân.
Trong dòng hồi ức ấy, có hình ảnh cậu bé Hoài, “thằng Hoài” của mẹ.
Này đây, đứa bé sơ sinh khóc ngằn ngặt trong căn lều tối om chỉ có hai mẹ con khi đêm xuống ở một làng quê Hà Tĩnh. Ôm con trên tay, người mẹ trẻ cô đơn, bất lực.
Này đây, đứa con bé bỏng sớm phải xa vòng tay mẹ, lớn lên trong sự đùm bọc của ông bà ngoại, hay la cà đường phố, thích xem chiếu bóng, thích nghịch đủ trò cùng chúng bạn nơi con phố Lê Phụng Hiểu (Hà Nội).
Này đây, chàng trai 17 tuổi, vừa học hết lớp 10, gõ cửa căn phòng làm việc của bố dượng nơi Báo Nhân dân để nói lời chào từ biệt, ngập ngừng hỏi xin bố mấy hào để mua chiếc mũ cối cho ngày mai lên đường nhập ngũ. Và khi quay về ngôi nhà ông bà ở Lê Phụng Hiểu, nước mắt chàng trai ấy không ngừng rơi.

Nhà văn Châu La Việt.
Này đây, người đàn ông tuổi 40 lần đầu tiên được gặp ba - nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từ Mỹ trở về quê hương sau bao năm xa cách. Đáp lại câu hỏi của ba: “Bây giờ con muốn nhất điều gì ở ba? Ba có thể chăm lo gì cho con?”, người đàn ông ấy đáp: “Con cũng chỉ xin ba một điều, là ba hãy luôn đứng về phía nhân dân ba nhé”.
Điều mong muốn duy nhất ấy khiến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sững sờ, nhưng đã được người đàn ông ấy ngẫm nghĩ từ rất lâu: “Con lớn lên được như hôm nay là nhờ ở ông bà, bố mẹ con. Nhưng trước hết là nhờ ở nhân dân và bạn bè con ba ạ. Ngay để có ngày con gặp được ba như thế này, ít nhất đã có hai người bạn lính của con đã chết thay cho con”.
Và ông đã kể cho ba nghe về người bạn mang tên Hữu Chính. Vào cái đêm bom đạn tơi bời ở cứ điểm Phunokcok, Hữu Chính nằng nặc đòi lên mặt đường trực chiến thay cho ông. Chính bị thương nặng không qua khỏi. Giây phút hấp hối, Chính nói với ông: “Tao đi đây, Mày gắng sống để gặp ba mày. Tao biết đêm nay ác liệt lắm. Thằng nào lên mặt đường cũng chỉ có chết mà thôi… Mà tao suốt từ nhỏ đã sống với cha tao rồi…”.
Những người bạn đã chết cho mình được sống là lý do mãnh liệt để những năm gần đây, khi không còn bận rộn với công việc với mưu sinh thường nhật, nhà văn Châu La Việt dồn sức viết - viết về những trải nghiệm ở chiến trường, viết về đồng đội.
Ông viết nhiều, viết khỏe. Những đầu sách nối nhau ra đời. Có những lúc ông đóng Facebook để tập trung hoàn thiện bản thảo tiểu thuyết. Có lúc ông ẩn đi đâu thật xa, bạn bè gọi điện nhắn tin đều không liên lạc được. Song cũng có lúc ông xuất hiện ồ ạt, đi gặp gỡ bạn bè, đi thăm đồng đội, về lại chiến trường xưa, rổn rảng kể về những lần gùi gạo trên đường trơn trượt, những bữa đói mờ mắt, những lần ra trọng điểm cầm chắc cái chết. Trong những rổn rảng ấy, không thể thiếu hình bóng mẹ. Mẹ có mặt ở khắp nơi: Giữa Trường Sơn, trên bước đường hành quân, trong bữa ăn cùng đồng đội, trong giấc ngủ chập chờn nỗi nhớ Hà Nội.

Một số tác phẩm của nhà văn Châu La Việt. Ảnh: NVCC.
Câu chuyện về mẹ cũng không thể thiếu ông - đứa con trai, kết quả mối tình của đôi trai tài gái sắc. Họ cùng quê Quảng Trị, cùng gặp nhau ở chiến khu và yêu nhau say đắm.
Một thời gian sau người trai trở về quê nhà, hứa đinh ninh sẽ trở lại nhanh nhất có thể. Rồi bằn bặt tin nhạn. Rồi bờ Bắc - bờ Nam chia cắt theo Hiệp định Genève. Người trai không biết mình đã để lại một giọt máu bên bờ Bắc. Anh không quay lại miền Bắc mà từ quê nhà hành phương Nam, vào Sài Gòn lập nghiệp, lập gia đình, rồi sau định cư ở Mỹ. Vệt cắt chia mỗi ngày một nhấn sâu. Để đến khi có thể gặp mặt, thì vết thương đã thành sẹo. Một vết sẹo lớn trong tâm hồn người đàn ông Lê Khánh Hoài.
***
Về tên khai sinh Lê Khánh Hoài, Châu La Việt từng bộc bạch: “Với bố tôi Lê Khánh Căn, tôi đã từng ngàn lần cảm ơn bố. Tôi vẫn luôn giữ tên gọi của mình là Lê Khánh Hoài do bố mang họ của bố để đặt cho tôi, làm khai sinh cho tôi, và tôi nghĩ đó chính là lời cảm ơn bố thiêng liêng nhất của tôi”.
Ông cũng chia sẻ về mối tình của ba mẹ: “Là một mối tình nghệ sĩ tiêu biểu của một đất nước những năm 50 thế kỷ trước, đã bị chia cắt đôi miền. Một mối tình gắn bó với số phận đất nước, một mối tình trong đó có đủ hỷ - nộ - ái - ố, chia ly và nước mắt, nhớ thương và khắc khoải, gặp gỡ và khổ đau. Nhưng nghĩ cho cùng, nó cũng chỉ đóng khung trong một mối tình đầu, một chặng đời tuổi trẻ của ba mẹ tôi. Bởi sau đó, khi đã buộc phải chia tay nhau, mẹ tôi có tình yêu mới với bố tôi Lê Khánh Căn, có một gia đình đúng nghĩa theo tập tục của người Việt Nam với mái nhà ấm, bếp lửa hồng, và các em tôi nối nhau ra đời. Ba tôi cũng có tình yêu mới với một người nghệ sĩ tài hoa của đất Sài Gòn tên là Thúy Nga…”.

Nhà văn Châu La Việt (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng đội trong chuyến về thăm lại chiến trường Lào. Ảnh: NVCC.
Thời gian, những trải nghiệm trong cuộc đời đã giúp nhà văn Châu La Việt nhìn về quá khứ thoải mái hơn, bao dung hơn. Ông tha thứ cho ba, thấu hiểu những dằn vặt của ba khi không thể chăm sóc cho mẹ con ông. Bi kịch của họ gắn với hoàn cảnh chiến tranh, đất nước cắt chia. Trên hết, họ vẫn dành cho nhau sự tôn trọng và yêu thương đứa con chung.
Đứa con ấy cũng nhận được tình yêu từ ông bà, cha dượng, các em ruột, những sẻ chia giúp đỡ từ bạn bè của bố mẹ, sự đùm bọc của đồng chí đồng đội trong những năm tháng khó khăn. Song dù không có dòng nào ghi trong lý lịch, tự thân chàng trai Lê Khánh Hoài mang nỗi tự ti là con của một nhạc sĩ sống dưới chính quyền Ngụy. Anh viết đơn xin đi bộ đội, vào thẳng chiến trường với khao khát lập công để có thể xóa bớt mặc cảm ấy.
Anh giằng xé, tự mổ xẻ phân tích nội tâm bằng lưỡi dao sắc lịm. Anh hăng hái làm mọi việc mà đơn vị phân công, mong được nhìn nhận đánh giá tốt hơn, không phải vì là con của một ca sĩ nổi tiếng, mà với tư cách cá nhân độc lập. Trong sâu thẳm, người lính Lê Khánh Hoài, nhà báo, nhà văn Châu La Việt hiểu nỗi đau chỉ nguôi chứ chưa bao giờ hết, như cái tên Hoài mẹ đã đặt cho ngay giây phút chào đời.
Đây cũng chính là nét yếu đuối, là gót chân Asin ở người đàn ông có vẻ ngoài phong trần, cách nói năng sôi nổi mạnh mẽ, vừa thẳng thắn vừa tinh quái ngây thơ, đôi khi vô tình làm tổn thương người đối diện. Châu La Việt nóng ấm đấy rồi có thể lạnh ngay, cười hào sảng đấy rồi có thể bật thành nức nở. Chỉ bởi kỉ niệm ấy, hình ảnh ấy chạy qua, cứa vào tâm trí, làm sống lại những nghẹn ngào.
Hiếm có ai luôn thể hiện lòng yêu kính mẹ đến nồng nhiệt, luôn đặt mẹ ở trung tâm của mọi suy nghĩ như nhà văn Châu La Việt. Trong ông có tình thương của một người con sớm hiểu chuyện, sự ngưỡng mộ dành cho người nghệ sĩ tài hoa và nhan sắc, lòng mong mỏi được bù đắp cho tuổi xuân nhiều thiệt thòi vất vả của mẹ… Có lẽ những điều ấy và nhiều hơn thế nữa đã dệt nên tình yêu bền vững, ấm áp và lớn lao của ông với mẹ. Cả những tình cảm mà ông dành cho người thân, bạn bè… cũng đều hướng về mẹ. Để mẹ được vui được hạnh phúc là một phần quan trọng, như lẽ sống cuộc đời ông.
Những suy tư sâu sắc và thấu đáo của con trai khiến NSƯT Tân Nhân và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đều cảm thấy ấm lòng. Nỗi đau tuổi trẻ của họ gắn với lịch sử, thời đại, với số phận dân tộc. Đứa con chung là cầu nối để hai bên được xoa dịu, hàn gắn, bao dung cho nhau, bao dung với chính mình. Có lẽ vì vậy nên trước khi đi xa thế giới này, NSƯT Tân Nhân đã gửi thư tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, yêu cầu được xem xét phổ biến các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: “Với tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm với tình cảm này. Đặc biệt trên cương vị là một ca sĩ, luôn trân trọng các tác phẩm âm nhạc hay, đẹp, ngợi ca quê hương đất nước, trong đó có một số tác phẩm của anh Hoàng Thi Thơ…
Với tình cảm và trách nhiệm của một người nghệ sĩ, một đảng viên cộng sản, tôi kính mong các đồng chí xem xét lại các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cho phép các tác phẩm tốt, các tác phẩm ngợi ca đất nước quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được phổ biến rộng rãi trong công chúng, như trường hợp với các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy”.
Không ai được quyền chọn nơi mình sinh ra. Nhưng có lẽ, với nhà văn Châu La Việt, dẫu từng khổ cực đắng cay, từng nhiều lần rơi nước mắt vì tủi thân tủi phận, thì ông vẫn chọn được là con của ba mẹ mình. Và dù mẹ ông đã đi xa nhiều năm, ông vẫn kể về mẹ đầy sống động, như thể sớm Xuân nay vừa nghe mẹ gọi “Hoài ơi”, nghe mẹ hát “Xa khơi”: “Biển ơi nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay/ Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay”.
Bút danh Châu La Việt được ghép từ địa danh Châu Phong (Đức Thọ - Hà Tĩnh), nơi có con sông La chảy qua trước nhà, cũng là nơi NSƯT Tân Nhân hạ sinh bé Hoài và Cửa Việt (Quảng Trị) quê mẹ. Yêu văn chương từ nhỏ, song có lẽ ông không lấy văn chương để lập thân lập nghiệp. Một số tập truyện ngắn và tiểu thuyết đã xuất bản của nhà văn Châu La Việt như: “Những tầng cây săng lẻ”, “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”, “Binh trạm phía Tây”, “Huyền ảo trăng”...