Nhà Trắng có thể phải đóng cửa vào ngày 1/10 - thông lệ hay một rủi ro không đáng có?

Ngày 1/10, chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa nếu Lưỡng viện quốc hội Mỹ không thể thỏa hiệp nhằm thông qua 12 dự luật phân bổ ngân sách hằng năm để có kinh phí cho chính phủ hoạt động trong tài khóa mới.

Nhà Trắng có thể phải đóng cửa vào ngày 1/10. (Nguồn: Tripadvisor)

Nhà Trắng có thể phải đóng cửa vào ngày 1/10. (Nguồn: Tripadvisor)

Mâu thuẫn chính trị quá lớn tại Quốc hội Mỹ đang cản trở các bên đạt được thỏa thuận. Trong đó, Những bất đồng về việc cắt giảm ngân sách chi tiêu, viện trợ cho Ukraine và tình trạng người nhập cư tại biên giới với Mexico đang là rào cản rất lớn.

Tính đến nay, Hạ viện đã thông qua tổng cộng 4 trong 12 dự luật ngân sách, gồm một dự luật cho việc xây dựng quân sự và các vấn đề cựu binh hồi tháng 7. Trong khi đó, Thượng viện chưa thông qua bất kỳ dự luật nào. Tình thế này cho thấy hai bên còn quá nhiều việc phải làm trong khi thời gian đang cạn dần.

Hơn nữa, những dự luật mà Hạ viện thông qua bao gồm nhiều chính sách ưu tiên của cánh hữu và có mức chi tiêu thấp hơn nhiều so với mức mà Thượng viện đề xuất, cũng như mức được lưỡng đảng đồng ý trong thỏa thuận nâng trần nợ đạt được hồi giữa năm. Do đó, những dự luật này được dự báo sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện và khó được thông qua.

Tuy nhiên, tại Mỹ, việc chính phủ liên bang phải đóng cửa đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Trong 3 thập kỷ qua, đã có 7 lần chính phủ Mỹ phải đóng cửa:

1990 - dưới thời Tổng thống George HW Bush; kéo dài 4 ngày.

1995 - dưới thời Tổng thống Bill Clinton; kéo dài 5 ngày.

1996 - dưới thời Tổng thống Bill Clinton; kéo dài 21 ngày.

2013 - dưới thời Tổng thống Barack Obama; kéo dài 17 ngày.

2018 (2 lần) - dưới thời Tổng thống Donald Trump; kéo dài 3 ngày

và trong vài giờ.

2019 - dưới thời Tổng thống Donald Trump; kéo dài 35 ngày.

Phố Wall và các nhà kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tính toán rằng, việc đóng cửa chính phủ trong thời gian ngắn sẽ khó có thể làm nền kinh tế Mỹ chậm lại, hoặc đẩy nó vào suy thoái.

Tuy nhiên, thời gian đóng cửa kéo dài thì lại khác, nhà kinh tế trưởng Gregory Daco tại EY-Parthenon đánh giá, việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ không phải là “người thay đổi cuộc chơi về mặt động lực của nền kinh tế”. Tuy nhiên, “đáng lo ngại là nếu điều này kết hợp với những ‘“cơn gió ngược” khác, nó có thể trở thành lực cản đáng kể đối với hoạt động kinh tế”.

Ngày 29/9, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Lael Brainard nhận định khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa vào cuối tuần này là một “rủi ro không đáng có” đối với một nền kinh tế có sức chống chịu, khi lạm phát ở mức vừa phải.

Phát biểu với kênh CNBC, bà Brainard nhấn mạnh, việc tránh thiếu hụt ngân sách của chính phủ "hoàn toàn nằm trong tay của Hạ viện, đặc biệt là các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện" và những rủi ro đối với nền kinh tế bao gồm các quân nhân đang tại ngũ không được trả lương, sự chậm trễ trong giao thông hàng không và người dân nghèo tại Mỹ không thể tiếp cận các hỗ trợ của chính phủ.

Bà Brainard trích dẫn dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy vào tháng 8, lạm phát cơ bản hàng năm, không bao gồm lương thực và năng lượng, đã giảm xuống dưới 4% lần đầu tiên sau hơn 2 năm.

Bà khẳng định đây là “tin tốt lành” đối với nền kinh tế. Bà phân tích thêm: “Chúng tôi nhận thấy việc làm tiếp tục được tạo ra và lạm phát cơ bản đã giảm xuống mức mà chúng tôi thấy trước đại dịch”.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng nhấn mạnh việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ gây thiệt hại cho nhóm lao động cung cấp “các dịch vụ thiết yếu cho người dân Mỹ mà không được trả lương”. Bà lưu ý: “Đó là một rủi ro hoàn toàn không cần thiết đối với một nền kinh tế vốn đã được chứng minh là rất kiên cường”.

(theo Reuters, WSJ)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-trang-co-the-phai-dong-cua-vao-ngay-110-thong-le-hay-mot-rui-ro-khong-dang-co-244238.html