NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Hồi ức và bài học về người thầy Nguyễn Cơ Thạch

Hơn 36 năm công tác ở Bộ Ngoại giao, ông Trịnh Đình Hùng cho rằng ông đã học được rất nhiều từ người thầy Nguyễn Cơ Thạch.

Gắn bó với địa bàn Nga, nhiều năm công tác nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô vàNga, ông Trịnh Đình Hùng là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp có hiểu biết sâu sắc về Liên Xô.

Nhưng đó cũng lại là cơ duyên, theo ông Trịnh Đình Hùng, để ông được Bộ điều động về làm thư ký cho thủ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vào năm 1992. Trong các cán bộ do Vụ Cán bộ giới thiệu, ông Thạch đã nhận ông, có lẽ do ông vẫn nhớ anh cán bộ Vụ Liên Xô đã có lần báo cáo về chính sách kinh tế mới của Lenin.

Ông Hùng kể, khi ông vào Ngành năm 1976, 3 nước lớn là Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô tách ra thành những vụ riêng, do yêu cầu nghiên cứu và công việc với các đối tượng này.

Vụ Liên Xô thì do chủ trương hợp tác toàn diện với Liên Xô để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng lúc đó. Nhưng công việc nhiều và khó khăn, gian khổ nhất trong những năm sau đó là Vụ Trung Quốc và Vụ châu Á 2 (do vấn đề Campuchia).

“Cả một thế hệ cán bộ ngoại giao chúng tôi may mắn được làm việc và trưởng thành với sự bồi dưỡng, dẫn dắt của Lãnh đạo Bộ mà đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch để vượt qua giai đoạn đầy thử thách này của đất nước và của ngoại giao Việt Nam nói riêng”, ông Hùng chia sẻ.

Qua những lần phiên dịch cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đi làm việc ở Liên Xô và báo cáo một số vấn đề về Liên Xô ở Bộ, ông Hùng nhận thấy thủ trưởng Thạch nắm thông tin về Liên Xô còn hơn cả người báo cáo. Mỗi lần nghe báo cáo, ông Thạch luôn đưa ra một loạt câu hỏi.

Nghiên cứu, tranh luận, thảo luận để tìm ra những vấn đề có tính quy luật đồng thời phát hiện vấn đề mới – thông qua đó để tìm ra chân lý đã trở thành phong cách làm việc quen thuộc của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Điều gì theo ông là điểm nổi bật ở nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch?

Tôi không đủ tầm để đánh giá điều đó. Ông Nguyễn Cơ Thạch là một bậc thầy. Nhưng theo tôi, điểm nổi bật ở ông Nguyễn Cơ Thạch thứ nhất là tầm nhìn chiến lược. Cái nhìn của ông về những mục tiêu của đất nước và những hoài bão của ông là rất xa rộng. Nhiều hơn là một bộ trưởng, ông là một nhà cách mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Gromyko tại Moscow năm 1985. Trong ảnh có Đại sứ Đinh Nho Liêm, Trợ lý Bộ trưởng Phan Doãn Nam, Vụ trưởng Vụ Liên Xô Tạ Hữu Canh, ông Trịnh Đình Hùng (thứ hai, bên phải). (Ảnh: NVCC)

Thứ hai là nghệ thuật ngoại giao bậc thầy, thể hiện trong đối phó, xử lý tình huống một cách ứng biến, linh hoạt tạo bước ngoặt trong đấu tranh.

Điểm thứ ba là trong chính trị, ông Thạch luôn biết nhìn cái lớn - đấy là nét nổi bật của con người và chính khách Nguyễn Cơ Thạch. Tầm nhìn, tầm suy nghĩ, sức làm việc và cả những hoài bão và tham vọng của ông đều lớn.

Các phẩm chất đó đã làm nên một Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch có một không hai, khiến cả bạn bè và đối thủ có thể yêu, có thể ghét nhưng đều phải nể phục. Ông là một nhà chiến lược, một nhà thao lược đại tài!

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng là bậc thầy về nghiên cứu chiến lược?

Tất nhiên! Ông Thạch rất chú trọng công tác nghiên cứu, coi nghiên cứu là cơ sở của mọi hoạt động đối ngoại. Dưới thời của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, công tác nghiên cứu chiến lược của Bộ Ngoại giao đã được nâng lên một tầm cao chưa từng có.

Bản thân say mê nghiên cứu và là một bậc thầy về chiến lược và cả sách lược ứng phó, ông Thạch đã có những nhận định có tính dự báo chiến lược táo bạo từ lúc còn ít người nghĩ đến nhưng hết sức chính xác (Ông thường nói vui khi “đứa con đã đẻ chình ình ra rồi thì ai chả biết, cần gì phải đoán”!).

Sau tuần trăng mật Mỹ - Trung và suốt những năm 1980, khi cấu kết Mỹ -Trung đang ráo riết trên toàn cầu và khu vực, chính ông Nguyễn Cơ Thạch là người đầu tiên cho rằng quan hệ Mỹ -Trung đã đạt tới giới hạn và bắt đầu đi xuống. Nhiều người trong chính giới Liên Xô và cả Việt Nam không đồng ý với kết luận đó.

Khi sự hợp tác toàn diện với Liên Xô, nhân tố có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng nước ta đang ở cao trào, cũng là lúc ông Nguyễn Cơ Thạch cho rằng sự giúp đỡ của Liên Xô đối với ta đã lên tới đỉnh cao, và Việt Nam cần phải tự lực, tự cường và tìm mọi cách đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Khi sự hợp tác toàn diện với Liên Xô, nhân tố có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng nước ta đang ở cao trào, cũng là lúc Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho rằng sự giúp đỡ của Liên Xô đối với ta đã lên tới đỉnh cao, và Việt Nam cần phải tự lực, tự cường và tìm mọi cách đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Ý này được Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói ra vào đầu năm 1984 trong một cuộc giao ban ở Bộ (tôi không được dự nhưng có nghe phổ biến và ghi lại trong sổ tay công tác của mình).

Để có được nhận định đó, thủ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã theo dõi rất sát tình hình Liên Xô và những chuyển biến trong quan hệ giữa các nước lớn Xô-Mỹ-Trung và có rất nhiều thông tin đa chiều. Sau đó một năm, năm 1985, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.Gorbachov công bố chính sách cải tổ. Năm 1986, Việt Nam thông qua đường lối Đổi mới tại Đại hội lần thứ VI của Đảng. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ.

Làn sóng đổi mới cuối thế kỷ XX đã thúc đẩy những chuyển biến sâu sắc ở tất cả các nước XHCN. Với nhãn quan chiến lược nhạy bén, với ý thức công tác ngoại giao là một nguồn lực quan trọng của công cuộc hiện đại hóa và phát triển đất nước, trong thời điểm lịch sử bước ngoặt ấy, hơn ai hết, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đóng góp say sưa, không mệt mỏi và to lớn cho việc hình thành chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.

Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (tháng 5/1988) do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chủ trì soạn thảo lần đầu tiên nêu tư tưởng “giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế”, “thêm bạn bớt thù”, “độc lập tự chủ, đa dạng hóa quan hệ quốc tế”. Nghị quyết được đánh giá là “một cuộc đổi mới mạnh mẽ tư duy” về những vấn đề then chốt và “chuyển hướng toàn bộ chiến lược đối ngoại của ta” (1).

Trong Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho lập 4 vụ kinh tế để đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ kinh tế. Ông Thạch rất muốn ngoại giao kinh tế trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, kiến thiết đất nước như tinh thần Nghị quyết 13.

Chiến lược đối ngoại đó chỉ trong một nhiệm kỳ Đại hội đã bắt đầu gặt hái thành quả: vấn đề Campuchia sau 10 năm đã được giải quyết, ta đã phá được thế bao vây, cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, gia nhập ASEAN.

"Các cuộc họp báo của ông Thạch thì rất nhiều, mỗi lần một khác, và có nhiều câu chuyện thú vị". (Ông Trịnh Đình Hùng)

Ông có thể chia sẻ một câu chuyện đáng nhớ trong thời gian ông làm việc với ông Nguyễn Cơ Thạch?

Tôi được điều động về làm cho ông Thạch khi ông Thạch bắt đầu thôi giữ các chức vụ chính thức trong Đảng và Chính phủ sau Đại hội VII, nên không có nhiều sự kiện đáng nói. Nhưng tôi nhớ nhất là một cuộc họp báo của ông Thạch về vấn đề Campuchia khi tôi đang làm ở Vụ Liên Xô.

Anh em cán bộ nghiên cứu của các vụ hôm ấy được báo đi dự một cuộc họp báo quan trọng để thông báo về vấn đề Campuchia, địa điểm ngay gần Bộ Ngoại giao - tại ở Câu lạc bộ quốc tế trên phố Lê Hồng Phong (nay đã trở thành Nhà khách Chính phủ).

Ông Thạch ngồi một mình trên khán đài đối diện với cử tọa trên một chiếc ghế giản dị mà dáng người cao lớn che lấp hết cả lưng ghế trông càng đường bệ. Ngồi trên chiếc “ghế nóng” ấy, ông trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Một phóng viên chất vấn ông Thạch về chính sách công khai của Việt Nam, ông Thạch đáp ngay: “Những chính sách lừa bịp thì không bao giờ công khai được. Chính sách đối ngoại của Việt Nam là trung thực: vì hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác với các nước”.

Chất vấn chán về “sự có mặt của Việt Nam ở Campuchia”, một nữ phóng viên phương Tây quay sang hỏi ông Thạch một vấn đề gì đó về Lào. Ông Thạch cung cấp thông tin để trả lời câu hỏi của nữ phóng viên, rồi thủng thẳng nói thêm: “Tôi sợ rằng rồi sẽ lại có vấn đề sự có mặt của Việt Nam ở Lào nữa đây!” , nhưng cả hội trường cười ồ, còn nữ phóng viên thì bẽn lẽn cám ơn.

Ông Hùng (bên trái) tham dự một cuộc họp báo do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chủ trì. (Ảnh: NVCC)

Trong thời gian công tác ở Bộ, tôi có may mắn được dự một số cuộc họp giao ban Bộ. Những cuộc có ông Thạch chủ trì hoặc dự và cho ý kiến chỉ đạo bao giờ cũng là thời gian vô cùng hứng khởi và thú vị, không bao giờ quên. Những người tham dự đều học tập được rất nhiều và lớn lên rất nhiều!

* * *

Trong câu chuyện với phóng viên, ông Hùng luôn bày tỏ niềm trăn trở: làm thế nào để có thể lưu trữ tư liệu và có những công trình nghiên cứu dài hơi hơn về sự nghiệp và các đóng góp của ông Thạch đối với nền ngoại giao và công cuộc đổi mới của Việt Nam, tổng kết những bài học phương pháp luận nghiên cứu và tác chiến của ông cho các thế hệ cán bộ ngoại giao sau học tập và tiếp nối.

Sinh thời, ông Thạch đi công tác đâu cũng chú ý mang sách nghiên cứu về, bản thân ông đọc hoặc giao cho các đơn vị trong Bộ nghiên cứu, khai thác.

Cuốn “Economics” của nhà kinh tế học người Mỹ P.Samuelson đã được ông Thạch mang về giới thiệu cho Học viện Quan hệ quốc tế dịch. Đây là cuốn sách đầu tiên của phương Tây về kinh tế thị trường được xuất bản ở Việt Nam lúc đó, đã giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy kinh tế và doanh nhân vào thời kỳ bắt đầu mở cửa, đổi mới.

Cuốn “Economics” của nhà kinh tế học người Mỹ P.Samuelson đã được ông Thạch mang về giới thiệu cho Học viện Quan hệ quốc tế dịch. Đây là cuốn sách đầu tiên của phương Tây về kinh tế thị trường được xuất bản ở Việt Nam lúc đó, đã giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy kinh tế và doanh nhân vào thời kỳ bắt đầu mở cửa, đổi mới.

Cách đây 13 năm, thời điểm Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao) được thành lập, gia đình cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã trao tặng cho Viện 2.238 cuốn sách - những cuốn sách ông Thạch đã mua hay được tặng.

Đây không chỉ là vinh dự của Viện Nghiên cứu Chiến lược mà gia đình và những cán bộ từng giúp việc cho ông Thạch cũng thấy rất vui và cảm động. Những trăn trở của ông Hùng có thể cũng được an ủi vì ngọn lửa đam mê nghiên cứu của người thầy Nguyễn Cơ Thạch cho các thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ phần nào đã được thắp sáng từ những quyển sách này.

(1) Tạp chí Quan hệ Quốc tế, số 1, tháng 1/1990, tr.7, 9 và tạp chí Nghiên cứu lý luận tháng 5 2015.

(2) Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, NXB Chính trị quốc gia, 2003, tr.89.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-ngoai-giao-ke-chuyen-hoi-uc-va-bai-hoc-ve-nguoi-thay-nguyen-co-thach-135997.html