Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu du lịch quốc gia Mũi Né: Thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch
Thương hiệu Khu du lịch Mũi Né hiện tập trung hơn 70 cơ sở du lịch cao cấp, nhưng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn xả trực tiếp ra biển, gây mất mỹ quan bờ biển xanh, cát trắng này ngang qua các resort. Còn các cơ sở kinh doanh loại hình này nằm phía đồi ven đường Nguyễn Đình Chiểu xử lý nước thải qua hố ga thẩm thấu xuống đất. Cùng đó, gần 100 cơ sở chế biến cá cơm, hải sản trên địa bàn phường Mũi Né cũng xả nước thải bằng hình thức tự thấm này, không đảm bảo vệ sinh môi trường lâu dài…
Nhà máy xử lý nước thải tập trun
Ở phường Hàm Tiến lân cận nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né cũng thế, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn xả trực tiếp ra biển hoặc qua hố ga tự thấm vào đất. Bởi vậy nhiều năm nay, chính quyền 2 phường ở “thủ đô resort” Hàm Tiến - Mũi Né thông qua UBND TP. Phan Thiết đã kiến nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né cho các resort, khu du lịch ven biển đấu nối vào, đồng thời gom nước thải kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt ở 2 địa phương xử lý…
Mới đây, HĐND tỉnh khóa XI tại kỳ họp thứ nhất đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án xử lý nước thải tập trung Khu du lịch quốc gia Mũi Né, TP. Phan Thiết. Điều này sẽ góp phần giải quyết bức xúc của người dân trong khu vực về xử lý nước thải. Theo đó, mục tiêu đầu tư nhằm tiếp nhận, xử lý triệt để lượng nước thải từ hàng ngàn hộ dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn phường Hàm Tiến và phường Mũi Né, đạt tiêu chuẩn xả thải hiện hành. Dự án góp phần bảo vệ môi trường biển, nâng cao sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội TP. Phan Thiết.
Với địa bàn trải dài, đông dân, hàng trăm cơ sở du lịch, quy mô đầu tư dự án thành 2 nhà máy xử lý nước thải tại phường Hàm Tiến và phường Mũi Né, lần lượt với công suất 2.200 m3/ngày đêm và 1.400 m3/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu sở tại. Các hạng mục đồng bộ sẽ được triển khai theo đó như: hố thu gom, sân phơi cát, các bể (tách chất nổi, điều hòa, anoxic, xử lý chính, aerotank, lắng sinh học, khử trùng, lắng), mương đo lưu lượng kênh hở, nén bùn, nhà điều hành, cấp điện, cấp nước, hạng mục phụ trợ, thiết bị xử lý… Cùng đó, hệ thống thu gom nước thải sẽ có tuyến cống chính thu gom nước thải sử dụng ống đường kính từ D300 - D600 - D800 chiều dài 6.500 - 8.300 m; xây dựng các hố ga, cùng tuyến ống D140 dọc theo các tuyến đường để thu gom nước thải về các hố ga. Hệ thống này cũng được bố trí các trạm bơm chuyển bậc, trạm bơm tăng áp, tuyến cống tăng áp sử dụng ống HDPE chuyên dụng cho phù hợp thu dung nước thải một số địa hình khác nhau. Đường dây trung thế, trạm biến áp 3 pha thi công theo đó đủ công suất cấp điện cho 2 nhà máy hoạt động… Việc đầu tư xây dựng quy mô trên có tính đến nâng công suất giai đoạn 2 của nhà máy xử lý nước thải tại phường Hàm Tiến và phường Mũi Né, lần lượt lên công suất 3.600 m3/ngày đêm và 1.700 m3/ngày đêm.
Dự kiến, tổng mức đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải tại 2 phường du lịch này hơn 300 tỷ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn của Trung ương 234 tỷ đồng trong 5 năm tới, phần còn lại ngân sách địa phương, triển khai thực hiện 4 năm 2021- 2025… Dự án xử lý nước thải tập trung trên được xây dựng ở Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đông đảo người dân, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ du lịch cho vùng lõi khu du lịch quốc gia này, theo Quyết định số 1772 trước đó của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tại vùng đất ven biển đầy nắng gió.
Thái Khoa