Nhà Dế Mèn

Tôi nghĩ về ngôi nhà của mình đã từ rất lâu, khi tôi còn là cậu bé thiếu niên, hằng ngày chăn đàn bò đi qua những cánh đồng, len lỏi vào lũy tre làng mạc, thôn xóm... Ngôi nhà ấy lúc thì như tổ chim trên cây, lúc thì chỉ cần mái tranh vách đất, hoặc một ngôi nhà cũ kỹ nằm cạnh bờ suối giữa rừng…

“Ở đây, con tôi có thể ra sân vườn nghịch nắng, trồng rau hay leo lên mái nhà nằm ngửa mặt lên trời ngắm trăng sao, mơ mộng điều gì mà nó thích...”.

Và bây giờ, từ miếng đất 5x21m có tường rào cũ bao quanh, tôi tự làm ngôi nhà của mình Nhà Dế Mèn - tên con trai tôi - bằng những thứ vật liệu gỗ, sắt, gạch… đã qua sử dụng.
Tôi thích tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, nên đặt tên con trai là Dế Mèn với hy vọng con tôi có thể tự lập, đi khắp nơi.

Nhà Dế Mèn là nơi tôi dành tặng vợ và con trai, những không gian trải nghiệm, ở đây, con tôi có thể thích ở trong nhà hoặc ra ngoài sân nghịch nắng, trồng rau, hay leo lên mái nhà nằm trên bãi cỏ, ngửa mặt lên trời ngắm trăng sao, mơ mộng điều gì mà nó thích… Một không gian mở hoàn toàn.

Nhà Dế Mèn không có quá nhiều vách ngăn ngăn nhằm để kết nối được càng nhiều không gian với nhau, thông thoáng khí trời bên ngoài. Và với chúng tôi không nhất thiết phải là bê tông kiên cố, những thứ cũ kỹ như gỗ xác nhà cũ, gạch đá, gỗ thông palet đã qua sử dụng… vẫn có thể làm được căn nhà 2-3 tầng với tổng diện tích sàn sử dụng 200m2.

Ngôi nhà được xây dựng từ những thứ cũ kỹ như gỗ từ xác nhà cũ, gạch đá, gỗ thông palet đã qua sử dụng.

Ngôi nhà được thiết kế có vị trí xưa kia là ruộng muối, được san lấp và quy hoạch thành khu dân cư mới tại thành phố Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận.

Khu vực này nền đất khá yếu, nơi đây muốn xây dựng một ngôi nhà phố khoảng 2-3 tầng thì phải ép cọc sâu khoảng 10-15m. Giải pháp đưa ra là: làm sao thiết kế ngôi nhà một trệt hai lầu (3 tầng), mà không phải ép cọc đồng thời sử dụng lại hệ móng cũ của tường rào có sẵn, bổ sung thêm các hệ móng đơn mới, tính toán kết cấu dầm, sàn các tầng và mái sao cho nhẹ tải nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu lực, dùng những vật liệu đã qua sử dụng, kết hợp với cây xanh, thảm cỏ… vẫn có thể tạo ra một ngôi nhà bền vững, xanh mát và thân thiện với môi trường.

Vì ngôi nhà có diện tích 1 trệt 2 lầu, lại xây trên một vùng đất yếu, nên kiến trúc sư đã phải tính toán một giải pháp phù hợp đảm bảo về mặt kỹ thuật, mỹ quan và cả công năng sử dụng rất chi ly.

Việc tận dụng phế liệu, phế thải làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững trong xây dựng.

Ngôi nhà sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường kết hợp với thảm cỏ, vườn cây đã tạo nên một không gian mà những thành viên ở đó có thể sống trọn vẹn cùng thiên nhiên.

Đơn vị thiết kế: Country House

Kiến trúc sư: Ngô Lê Nguyễn

Bài: CTV - Ảnh: Quang Trần

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nha-de-men-39920.html