Nhà báo Trần Mai Anh: Bố tôi không trở về như đã hẹn…

Nhà báo Trần Mai Hạnh - tác giả cuốn 'Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75' từng được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 và giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Trong chuyến thăm lại chiến trường xưa, ông qua đời chiều 2/4 tại TPHCM.

Nhà báo Trần Mai Hạnh và con gái Trần Mai Anh. Ảnh: NVCC.

Nhà báo Trần Mai Hạnh và con gái Trần Mai Anh. Ảnh: NVCC.

Sự ra đi đột ngột của nhà báo Trần Mai Hạnh đã để lại nhiều tiếc nuối trong người thân, đồng nghiệp và bạn bè ông. Cuối tháng 4 vừa qua, gia đình ông đã tổ chức ra mắt cuốn “Sống đến bình minh” của cố nhà báo Trần Mai Hạnh. Dịp này, Tinh hoa Việt có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Mai Anh - con gái đầu của nhà báo Trần Mai Hạnh.

PV: Những ký ức tuổi thơ của chị với gia đình, bên bố - nhà báo Trần Mai Hạnh và mẹ - nhà thơ Bùi Kim Anh vẫn luôn hiện hữu trong chị?

Nhà báo TRẦN MAI ANH: 4 giờ sáng là thời gian nhiều năng lượng nhất trong một ngày và cũng là lúc tâm trí sạch sẽ nhất. Mở toang cửa sổ, trời vẫn tối om nhưng 4 giờ sáng luôn là lúc những cơn gió đêm tíu tít chở theo mùi của một ngày mới.

Bao giờ bình minh cũng đến trước trong gió, luồn lách trong từng khe não để thắp sáng lên từng vùng, từng vùng não bộ. Và khi cái đầu đón trọn bình minh thì phía xa xa kia từng vệt màu hồng mới bắt đầu nhú lên và lan tỏa thành một quầng sáng từ le lói đến chan hòa.

Bố mẹ tôi đã khởi đầu ngày mới của con gái mình bằng cách như vậy. Cuộc sống không dễ dàng nhưng tuổi thơ của cô con gái đầu được mang cả tên bố, tên mẹ cứ lớn dần lên trong cả hai thế giới, thế giới của bình minh trong gió và thế giới đang hiện hữu ngoài kia.

Tôi biết đón bình minh trong cơn gió giữa mịt mù trời tối lạnh và đang mưa rất to kia là nhờ bố mẹ dạy, biết yêu thương lũ cá, lũ mèo, đàn chuồn chuồn kim là nhờ mẹ dạy, biết chịu đựng và sống theo cách tôi đang sống đến ngày hôm nay là vì tôi có bố.

Hiện hữu thì bố tôi là một nhà báo. Hình ảnh một nhà báo đẹp nhất trong trí nhớ của đứa con gái. Đơn giản là vì cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc đã gắn bó và định hình nên sự nghiệp, con người của bố tôi - nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.

Tấm hình tôi bé xíu được bố ôm trước lúc lên đường làm phóng viên chiến trường theo bước tiến của những đoàn quân đã luôn ở bên cạnh an ủi, chở che cho tôi suốt cả tuổi thơ, và tới bây giờ vẫn vậy.

Hiện hữu là tuổi thơ tôi trong căn phòng 14 m2 của khu tập thể Thông tấn xã Việt Nam, co ro dưới cái chăn bông đè nặng trình trịch tới khó thở, hé mắt nhìn xuyên qua tấm màn bằng vải xô đục ngầu bởi năm tháng, nhìn dáng bố ngồi nghiêng nghiêng, cắm cúi bên những trang viết. Dáng ngồi đó của ông hằng đêm in bóng lên bức tường nhà, qua bao năm tháng vẫn cần mẫn vậy, tĩnh lặng giữa muôn trùng xáo trộn, cả nguy hiểm, bất an.

Nhà báo Trần Mai Hạnh (bên trái) và em trai - nhà báo Trần Mai Hưởng trong hành trình xuyên Việt thăm lại chiến trường cũ, người xưa - Ảnh: Facebook Trần Mai Hưởng.

Nhà báo Trần Mai Hạnh (bên trái) và em trai - nhà báo Trần Mai Hưởng trong hành trình xuyên Việt thăm lại chiến trường cũ, người xưa - Ảnh: Facebook Trần Mai Hưởng.

Trong bài trả lời phỏng vấn đầu tiên sau những biến cố sự nghiệp, năm 2013, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, bố tôi đã trích dẫn một câu nói của nhà thơ Argentina, Jose Hernandez: “Ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại bóng râm của mình trên mặt đất”.

Đó dường như là phương châm sống của ông, từ khi còn là một phóng viên chiến trường giữa mưa bom bão đạn, đến khi giữ những trọng trách của nghề báo, hay khi chỉ là nhà văn, một mình giữa các trang viết. Ông đã luôn cố để lại những dấu ấn tốt đẹp cho cuộc đời, cả trong những ngày bình yên hay giông bão.

Hiện hữu thì mẹ là một cô giáo. Hình ảnh cô giáo đẹp nhất trong trí nhớ của đứa con gái. Đơn giản là vì từ khi còn bé xíu, mẹ vừa đi làm vừa phải trông con nên tôi luôn theo mẹ tới trường, tha thẩn chơi ngoài sân ngoan để mẹ dạy học.

Tôi nhặt từng viên phấn vụn, vẽ lại ở khắp sân trường tất cả những gì chứa trong cái đầu nhỏ xíu, vẽ hồ nước nhỏ với mỏng manh chuồn chuồn kim, vẽ đàn cá con đêm qua vừa chào đời trong cái hũ sành góc nhà, và cả mèo mẹ và lũ mèo con âu yếm nhau phơi nắng, vẽ những xô những chậu rải khắp căn phòng nhỏ để hứng dột mỗi khi mưa xuống...

Trong con mắt cô con gái hình ảnh mẹ mình đứng cao cao ở kia trên bục giảng, phía dưới kia thật nhiều anh chị lớn đang nhìn hết lên, lắng nghe mẹ là hình ảnh mẫu về nghề giáo cao quý nhất. Tôi nép dưới cửa sổ, ghé mắt qua khe cửa ngắm mẹ mình say sưa và lắng nghe mẹ giảng bài. Những câu thơ, nét văn, sự cảm thụ, cả thế giới văn học này... tôi đã học vào đầu bằng cách như thế.

Trong con người mẹ là tất bật đi làm kiếm tiền, rồi cả tất bật lo toan chồng con nhưng mẹ còn một thế giới khác nữa mà con gái bà cũng rất thích đó là thế giới thơ riêng của mẹ, của những vần thơ đẹp, những vần thơ dù có buồn vui, yên bình hay tuyệt vọng dữ dội cũng vẫn lấp lánh tình yêu.

Mẹ tôi ngóng tin tức về chồng mình qua những dòng tin chiến trận, náo nức tin là ông vẫn đang an toàn qua những dòng tin chiến thắng. Trong niềm vui của ngày chiến thắng, niềm hân hoan của cả dân tộc, cảm xúc dâng trào, bố tôi - nhà báo Trần Mai Hạnh là phóng viên đầu tiên có bài tường thuật về những giây phút lịch sử của dân tộc vào trưa ngày 30/4/1975 với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” gửi về Thông tấn xã Việt Nam ngay trong buổi chiều tối hôm đó.

Sáng ngày 1/5/1975, bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tới khắp mọi miền của đất nước và ngay tại Sài Gòn vừa được giải phóng. “Từ nay chấm dứt 117 năm sống trong nô lệ. Từ nay vĩnh viễn sống trong độc lập, tự do”, bố tôi đã viết trong bài tường thuật đầu tiên như thế.

Tôi biết chị đã rất buồn khi nghe tin nhà báo Trần Mai Hạnh đột ngột qua đời trong khi ông trở về thăm lại chiến trường xưa...

- Vâng. Đúng 49 năm sau những ngày tháng 4/1975 đó, bố tôi thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ đồng đội, đồng nghiệp cũ, trò chuyện với các nhân chứng của cuộc chiến tranh 49 năm về trước, hào hứng cập nhật cho tôi những dự định cho cuốn sách tiếp theo mà ông đã chắp bút và đã đặt tên: “Ngày ấy hôm nay”. Chính vì vậy, tự truyện “Sống đến bình minh” mà ông đã giao bản thảo tới nhà xuất bản trước chuyến đi và hẹn sẽ về ra mắt sách trong những ngày cuối tháng 4 chưa phải là cuốn sách cuối cùng của ông. Lý giải cho tên cuốn tự truyện ông đã viết:

“Đối diện với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh trong đời thường, tôi luôn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Tên sách "Sống đến bình minh" được đặt cho cuốn tự truyện cũng vì lẽ đó. Và tôi hiểu, bình minh là khoảnh khắc mong manh nhưng mạnh mẽ nhất bởi nó luôn là sự khởi đầu với bộ nhớ mênh mông, bởi bình minh thế nào cũng sẽ tới, mênh mang trong gió, cho dù nắng đẹp hay bão dông.

Cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (bản tiếng Việt và bản tiếng Anh).

Cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (bản tiếng Việt và bản tiếng Anh).

Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều nổi tiếng, chị có những áp lực gì không và bố mẹ đã dạy dỗ chị ra sao?

- Trong cuốn tự truyện “Sống đến bình minh”, bố tôi đã tự bạch, cuộc đời làm báo của ông “không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng; không chỉ có những phút giây thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có cả tai nạn nghề nghiệp và hệ lụy kinh hoàng; không chỉ có chiến thắng - thành đạt mà còn có cả thất bại - mất mát; không chỉ có nặng sâu ân nghĩa mà còn có sự đổi thay chóng mặt của nhân tình thế thái; không chỉ đương đầu với thử thách mà còn phải ngậm ngùi trước trò đùa của số phận”.

Là con gái đầu lòng, sinh nhật 2 tuổi là lúc bố ôm tôi chia tay trước lúc ông lên đường làm phóng viên chiến trường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh nên có thể nói tôi được cùng gia đình mình trải qua tất cả những vinh quang và cả cay đắng.

Tất nhiên, ai cũng đều mong muốn những điều tốt đẹp nhưng tôi luôn thấy tự hào vì tôi có được tất cả những thăng trầm và trong những hoàn cảnh xấu nhất, cùng cực nhất, tôi luôn tự tin và tự hào khoe ra tôi là con gái của bố Trần Mai Hạnh, mẹ Bùi Kim Anh. Tôi hay nhìn bố mẹ mình ở sức chịu đựng khủng khiếp, ở bản lĩnh bình tĩnh đương đầu trước mọi nghịch cảnh, ở sự tôn trọng sự thật, tôn trọng chính mình, ở niềm tin yêu cuộc đời và luôn mong muốn tạo ra những điều tốt đẹp.

Nếu không có được những điều đó, bố mẹ tôi và cả gia đình không thể theo nổi nghề báo, nghề văn, thậm chí khó có thể tồn tại.

Vì sao đi qua nhiều vinh quang và cay đắng như thế, chị vẫn chọn theo nghiệp của bố?

- Không phải chỉ tới sau này, khi lớn lên tôi mới theo nghiệp viết lách của bố mà là từ khi còn bé tôi đã hóng theo nghề báo mỗi ngày. Điều đó thấm vào từng hơi thở của tôi khi hồi hộp hóng theo những trăn trở, những cuộc bàn luận của ông cùng các anh em đồng nghiệp. Tôi được nghe về cách tiếp cận, theo đuổi một đề tài báo chí, được nghe phân tích lý do chọn từng chuyên mục để lên hình hài một tờ báo, được xem măng séc tên từng tờ tin, tờ báo do ông cùng các đồng nghiệp gửi gắm thông điệp qua những nét vẽ, cân nhắc chọn lựa hình hài…

Đặc biệt tôi thực sự hào hứng, như thăng hoa cùng ông và các đồng nghiệp của ông khi chứng kiến tờ thông tin về Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 12 với tên "Bóng đá Espana 82", rồi “Bóng đá Mexico 86” bán trực tiếp tới bạn đọc, gây ùn tắc giao thông vào giờ phát hành mỗi ngày, đến mức phải nhờ cảnh sát giao thông chi viện. Hàng trăm ngàn bản tin mỗi ngày vẫn không đủ bán.

Tôi nhớ mãi những đêm tôi căng thẳng không thể nào ngủ được, nằm nín thít nghe những bàn luận, phân tích qua những chuỗi bài đấu tranh chống tiêu cực của tờ Tuần Tin tức, Nhà báo và Công luận. “Cướp cạn giữa ban ngày” - tên chuỗi điều tra phê phán những tiêu cực ngay từ những ngày đầu phong trào báo chí chống tiêu cực từ năm 1986 đã tác động tới tôi, thôi thúc tôi mơ ước trở thành hiệp sĩ bảo vệ những người yếu thế và phải hiểu biết, bản lĩnh, nhất là cẩn trọng để đấu tranh và thắng được những thế lực xấu.

Thế giới báo chí đã đi vào tuổi thơ của tôi tuyệt đẹp và hùng tráng như thế.

Cuốn sách “Sống đến bình minh”.

Cuốn sách “Sống đến bình minh”.

Cuốn sách “Sống đến bình minh” của nhà báo Trần Mai Hạnh đã được chuẩn bị ra sao ngay trong thời gian ông đang trong chuyến đi định mệnh?

- Khi bắt đầu viết phần cuối thì mẹ và em gái tôi cùng lúc phải cấp cứu trong tình trạng sự sống rất mong manh. Cả gia đình tôi lại một lần nữa cùng nhau vật lộn giữa sự sống và cái chết. Như nhiều tai nạn khác, cả gia đình dành toàn bộ thời gian và tâm sức gồng gánh nhau. Em gái tôi mất là nỗi đau tột cùng của ông, dường như cuộc đời ông đã có quá nhiều tai nạn, quá nhiều đau khổ nên thêm một cú sốc này dường như cộng dồn lại đổ sập thành cú sốc quá lớn với ông.

Em gái tôi trong những phút cuối cùng của sự sống, khi đã không nói được vì phải mở khí quản để thở máy đã viết nguệch ngoạc ra giấy "Sách bố viết xong chưa? Con thích tên sách của bố: Sống đến bình minh".

Bố tôi đã viết trong lời cuối cùng của cuốn tự truyện của mình: “Cháu cố giành giật từng giây cuối cùng của sự sống, và ra đi khi máy thở và các thiết bị cấp cứu vẫn hoạt động nhưng cơ thể không còn thiếp thu được nữa. Cháu như một vì sao hiện diện trong cuộc sống gia đình tôi suốt 47 năm qua. Vì sao đó đã tắt, nhưng ánh sáng nó gửi lại vẫn thao thức trong tâm trí tôi, nhắc nhở tôi sự sống trong từng phút giây quý giá tới nhường nào. Tận dụng thời gian sống hữu ích nhất đối với tôi lúc này, đó là phải hoàn thành bằng được cuốn tự truyện”.

Và bản thảo cuốn sách với hơn 225 nghìn chữ đã hoàn thành và được bố tôi giao tới Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ngay trước chuyến đi ông thăm lại chiến trường xưa với lời hẹn đầu tháng 4 ông về. Với bố tôi, đây thực sự là một công trình tâm huyết, là cuốn phim bằng chữ tái hiện toàn bộ cuộc đời ông gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.

Ông đã được sống, được gắn kết cuộc đời, lý tưởng, hoài bão, ước mơ, khát vọng, cống hiến của mình cho đất nước. Chính vì vậy, khi tin tưởng giao phó "đứa con tinh thần" của mình cho đội ngũ biên tập viên của Nhà xuất bản, bố tôi đã bày tỏ mong muốn cuốn sách được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bố tôi đã không thể về như đã hẹn để hoàn tất những khâu cuối cùng cho cuốn sách. Nhưng chỉ gần 3 tuần sau ngày ông đi, cuốn sách chất chứa bao suy tư của ông đã ra mắt trong tháng 4 lịch sử, đúng theo nguyện vọng của ông.

Đây là nỗ lực của nhà xuất bản với tất cả tình cảm và sự trân trọng đã dành cho ông. “Trong cuộc đời làm sách, chưa bao giờ chúng tôi dành ra một đêm để đọc xong bản thảo như lần này. Có thể gọi đây là cuốn phim tư liệu bằng chữ về cuộc đời nhà báo Trần Mai Hạnh”, bà Phạm Thị Thinh - Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xúc động chia sẻ trong buổi lễ ra mắt sách của ông. Hôm đó cũng rất nhiều các bạn bè, đồng nghiệp, người thân yêu của bố tới đã tới dự, đã cùng nhắc tới ông. Bố tôi đã thực sự ở giữa những vòng tròn yêu tin, quý trọng.

Chị có thể chia sẻ cảm xúc khi đọc cuốn sách tinh thần bố để lại?

- Tôi gần như không đọc cuốn tự truyện của bố mình mà cùng ông sống lại 7 chương cuộc đời của ông qua từng trang sách. Không có quá nhiều điều bất ngờ với tôi bởi bố tôi vẫn vậy, cuộc đời ông vẫn vậy, vẫn là tất cả những gì thăng trầm chúng tôi đã cùng nhau chứng kiến, cùng nhau chịu đựng, cùng nhau vượt qua, cùng nhau tin tưởng.

Tôi tin chắc chắn ngày cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” được ra mắt ông đã rất vui bởi ông và gia đình tôi là vậy, giữa tất cả những lúc đau khổ nhất, cả tăm tối nhất, giữa những mất mát tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần chúng tôi đều hướng về phía trước, về phía bình minh của cuộc đời mình.

Và bố tôi đã tới được bình minh của mình như ông đã viết: “Nhưng, cuộc đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng; không chỉ có những phút giây thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có cả tai nạn nghề nghiệp và hệ lụy kinh hoàng; không chỉ có chiến thắng - thành đạt mà còn có cả thất bại - mất mát; không chỉ có nặng sâu ân nghĩa mà còn có sự đổi thay chóng mặt của nhân tình thế thái; không chỉ đương đầu với thử thách mà còn phải ngậm ngùi trước trò đùa của số phận.

Những cung bậc ấy đã làm nên diện mạo cuốn tự truyện "Sống đến bình minh" với tiêu chí tôn trọng sự thật, trung thực, trách nhiệm với những gì đã diễn ra; không thanh minh, không nói lại bất cứ điều gì cho mình; không đề cập tới bất cứ chuyện gì không hay của người khác; không phân tích, không bình luận, cứ để những sự việc được kiểm chứng cất lên tiếng nói”.

Trang bản thảo của nhà báo Trần Mai Hạnh. Ảnh do nhà báo Trần Mai Anh cung cấp.

Trang bản thảo của nhà báo Trần Mai Hạnh. Ảnh do nhà báo Trần Mai Anh cung cấp.

Từ trải nghiệm sống của bố mẹ, chị dạy dỗ con những gì và mong muốn các cháu sẽ trưởng thành ra sao, và thấu hiểu điều gì quan trọng nhất trong cuộc đời?

- Tôi vẫn dạy con mình, không được làm tổn hại tới ai và tuyệt đối không được để ai giết mình. Còn sống là còn giải pháp, là còn hy vọng, những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Chúng ta khó có thể kiểm soát được những bất hạnh, tại họa đến với mình, nhưng lại hoàn toàn làm chủ được cách ứng xử của bản thân để quyết định số phận.

Tháng 3/1969, tại chiến trường Quảng Đà, bố tôi - nhà báo Trần Mai Hạnh đã ghi lại một bài thơ, của người bạn cùng khoa Văn - Bùi Minh Quốc sáng tác dưới hầm, chưa từng được phổ biến lúc đó. Nó mở đầu bằng bốn câu thơ:

“Cuộc đời vẫn đẹp sao

Tình yêu vẫn đẹp sao

Dù đạn bom vẫn đang thét gào,

Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích”.

Những câu thơ ấy giờ đã đi vào huyền thoại như tinh thần của đất nước, con người Việt Nam. Nó được trích lại nhiều lần trong bản thảo cuốn tự truyện “Sống đến bình minh”.

Và nó dường như là lời nhắn gửi mà bố tôi để lại cho con cháu, thông qua chính cách ông đã sống cuộc đời mình.

Xin cảm ơn chị!

Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp (nay là khoa Văn học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) rồi làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam.
Năm 1996 ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII và IX. Ông cũng được bầu là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X.
Nhà báo Trần Mai Hạnh có một số tác phẩm như: “Nắng Thu Bồn”, “Tình yêu và án tử hình”, “Sụp đổ và tự thú” (1985), “Ngày tận thế”, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (2017), “Lời tựa một tình yêu”, “Thời tôi sống” (2018)…
Ông được nhận giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1970 - 1971. Tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 hạng mục văn xuôi, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nha-bao-tran-mai-anh-bo-toi-khong-tro-ve-nhu-da-hen-10280797.html