Nguy cơ tử vong của bệnh bạch hầu cao hơn COVID-19

Đó là khẳng định của BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về căn bệnh bạch hầu đang được dư luận chú ý.

Sau khi các ca bệnh bạch hầu xuất hiện ở Nghệ An và Bắc Giang, đặc biệt là đã có một nữ bệnh nhân tử vong, dư luận đặc biệt quan tâm đến căn bệnh này. Vì thế, chiều nay, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - đã có thông tin chính thức về bệnh này.

- Ông có thể cho biết tình hình của bệnh nhân bệnh hầu được chuyển từ Bắc Giang đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW điều trị?

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp: Sau vụ bùng phát bệnh học vừa qua, có người từ Nghệ An đã ra Bắc Giang và rất nhiều người tiếp xúc gần với bệnh nhân này. Tuy nhiên, may mắn là bệnh nhân 18 tuổi này đã được điều trị kháng sinh sớm nên gần như không có các triệu chứng của bệnh, thể trạng bệnh nhân tốt, nên bệnh nhân được chuyển về Nghệ An để tiếp tục điều trị và theo dõi. Hiện, bệnh nhân đang được điều trị kháng sinh để diệt các vi khuẩn nếu có hoặc ngăn ngừa mầm bệnh phát triển.

- Cách nhận biết bệnh bạch hầu dựa trên những triệu chứng thế nào, thưa bác sĩ?

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp: Phổ bệnh lâm sàng của bệnh bạch hầu đa dạng từ bệnh nhân không triệu chứng, bạch hầu da đến tình trạng viêm họng giả mạc, bạch hầu hô hấp hoặc nhiễm độc toàn thân.

Một trường hợp bệnh bạch hầu điển hình thường qua giai đoạn ủ bệnh từ 2-5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Khám họng bệnh nhân có thể thấy vết loét có giả mạc màu trắng xám dai, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng hoặc thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.

Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: Đau họng (85-90%), Sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to. Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân, khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau (26-40%).

Ngoài ra bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau. Khó thở, thở rít, thở khò khè ở những bệnh nhân có giả mạc thanh quản. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.

 BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

- Ông có thể chia sẻ về những biến chứng của bệnh bạch hầu?

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp: Những diễn biến trầm trọng như viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1-2 tuần, là lúc các triệu chứng ở hầu họng có thể đã lui.

Bệnh bạch hầu có thể gây các biến chứng nặng như giả mạc phát triển nhanh, lan xuống đường hô hấp gây bít tắc đường hô hấp, khiến bệnh nhân không thở được hoặc gây sặc. Bệnh cũng có thể gây viêm cơ tim, gây suy tim cấp, rối loạn nhịp tim; hoặc tổn thương thận, suy thận cấp. Nhiều bệnh nhân có các biến chứng nặng buộc phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ như lọc máu đảm bảo thay thế chức năng thận của bệnh nhân.

- Ông có thể cho biết, người dân cần làm gì để chủ động phòng tránh bệnh bạch hầu?

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp: Trên lý thuyết, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, bao gồm: Trẻ em chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc xin, hoặc người đã được tiêm vắc xin nhưng vắc xin không còn hiệu lực bảo vệ.

Vắc xin là quan trọng nhất, để tránh bị mắc, hoặc có mắc thì bệnh cũng nhẹ. Bệnh bạch hầu có vắc xin phòng bệnh. Vắc xin DTaP đã sẵn có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tác dụng bảo vệ của vắc xin kéo dài ít nhất 10 năm. Sau 10 năm hiệu quả bảo vệ có thể giảm dần, khi hiệu lực bảo vệ giảm thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh, do vậy nên tiêm nhắc lại với vắc xin bạch hầu riêng DT.

Với những người phải phải tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bạch hầu, như nhân viên y tế, người chăm sóc, thì cần phải áp dụng các biện pháp phòng lây truyền qua đường hô hấp: Giữ khoảng cách với bệnh nhân, đeo khẩu trang, dùng dung dịch sát khuẩn, vệ sinh bề mặt, hạn chế tiếp xúc quá gần, rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với bệnh nhân để ngăn ngừa lây nhiễm. Còn người bệnh cần đeo khẩu trang và che miệng khi ho, hắt hơi, vv...

Những người đã tiếp xúc với người mắc bạch hầu mà không có phương tiện phòng hộ cần theo dõi và xét nghiệm vi khuẩn trong vòng 7 ngày, có thể dùng kháng sinh dự phòng như penicillin, erythromycin, azithromycin.

 Nhân viên TTYT huyện Hiệp Hòa lấy mẫu xét nghiệm cho trường hợp có nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu cao (ảnh: Sĩ Quyết)

Nhân viên TTYT huyện Hiệp Hòa lấy mẫu xét nghiệm cho trường hợp có nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu cao (ảnh: Sĩ Quyết)

- Bệnh nhân bạch hầu có bắt buộc phải đến cơ sở y tế hay không, thưa ông?

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp: Người bệnh nghi mắc bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì cần cách ly bệnh nhân trong 14 ngày và điều trị kháng sinh.

Nếu xác định người nào đó bị bạch hầu, thì dù là bệnh nhóm B, vẫn cần phải cách ly, để tránh lây lan cho người khác và cho uống kháng sinh. Tốt nhất là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị các triệu chứng, vì người mắc bạch hầu được điều trị kháng sinh sớm, sẽ có cơ hội giảm được nguy cơ diễn biến nặng. Nếu tự cách ly, không theo dõi giám sát thì khi biến chứng nặng và muộn, sẽ nhiễm độc toàn thân, khi đó, thuốc kháng bạch hầu không có tác dụng nữa.

- Người đã mắc bạch hầu có nguy cơ tái nhiễm hay không, thưa bác sĩ?

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp: Bệnh bạch hầu chủ yếu gây ra do độc tố, còn vi khuẩn xâm nhập cơ thể không nhiều, nên sau khi bị nhiễm thì miễn dịch không đủ mạnh. Ngay cả với việc tiêm vắc xin có miễn dịch đủ mạnh, thì sau 10 năm miễn dịch cũng có thể giảm đi, nên chúng ta không thể chủ quan rằng đã nhiễm bạch hầu thì không bị lại nữa.

Trên lý thuyết, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, bao gồm: Trẻ em chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc xin, hoặc người đã được tiêm vắc xin nhưng vắc xin không còn hiệu lực bảo vệ.

- Ông đánh giá thế nào về tình hình bệnh bạch hầu?

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp: Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là đối với nhóm người chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc vaccine đã mất hiệu lực. Đặc biệt, nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh là 10-20%, cao hơn COVID-19, nhất là những người chưa được tiêm chủng.

Tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm thấp hơn so với COVID-19, vì thế khả năng gây đại dịch thấp. Do vậy, người dân không nên hoang mang.

- Cám ơn ông!

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nguy-co-tu-vong-cua-benh-bach-hau-cao-hon-covid-19-post176327.html