Nguy cơ mắc bệnh dại từ chó nhà nuôi

Nhiều người thường có suy nghĩ cho rằng bị chó hoang cắn mới có thể phát bệnh dại còn nếu bị chó nhà nuôi trong môi trường sạch sẽ thì không gây bệnh. Trên thực tế, không ít trường hợp mắc bệnh dại ngay cả khi bị chó nhà nuôi cắn mà chủ quan không đi tiêm phòng dại.

Không nên chủ quan khi bị chó nhà cắn.

Không nên chủ quan khi bị chó nhà cắn.

Không chủ quan khi bị chó cắn

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại... Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Ở Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo: 3 - 4%, động vật khác như thỏ, chuột, sóc... chưa phát hiện được.

Mỗi năm, đặc biệt trong giai đoạn mùa hè, Bệnh viện Nhi Trung ương thường tiếp nhận một số trường hợp trẻ mắc bệnh dại đến khám và điều trị. Đa số các trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh dại, có tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn, chó vẫn bình thường, tâm lý e ngại với vắc xin phòng dại, một số trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình...

TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, mới đây, đơn vị này đã tiếp nhận một bé trai 2 tuổi khởi phát bệnh dại, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, trước khi nhập viện 1 tháng, trẻ bị chó của gia đình nuôi (chưa tiêm phòng dại) cắn vào vùng cổ và cằm. Ngay sau khi bị cắn, trẻ chỉ được rửa vết thương bằng xà phòng và không được tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại do tâm lý người nhà chủ quan cho rằng chó nhà nuôi không thể bị mắc bệnh dại. Khoảng 8 ngày trước khi vào viện trẻ lên cơn sốt, biểu hiện bất thường nên được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Tuy nhiên, tình trạng trẻ ngày càng nặng và chuyển biến nhanh nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngày 31-5-2024 tại khoa Điều trị tích cực - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, trẻ có biểu hiện sợ gió, xuất tiết đờm dãi, kích thích, vật vã, hoảng loạn. Trẻ được làm các xét nghiệm nước bọt, dịch não tủy, sinh thiết da gáy, kết quả chẩn đoán xác định mắc bệnh dại. Dù được điều trị tích cực song hiện tại trẻ vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Đề phòng bệnh dại ngay cả với chó nuôi

Nhiều người cho rằng chó nuôi nhốt trong nhà sẽ khó mắc bệnh dại hơn những con chó hoang thả rông ngoài đường, song đây là quan niệm sai lầm. Do đó, kể cả khi bị chó nhà nuôi cắn, người dân cần chú ý cách xử trí để ngừa bệnh.

Thời gian ủ bệnh dại ở người tương đối dài, thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Tuy nhiên, do thời gian ủ bệnh dài nên nhiều người thường chủ quan với bệnh, thậm chí sau khi bị chó cắn đến vài tháng sau vết cắn đã liền sẹo cũng quên mất việc tiêm phòng.

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh dại thường không đặc hiệu như sốt và đau đầu nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Khi bệnh nhân đã lên cơn dại với những biểu hiện rõ rệt là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt... thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Chính vì vậy, khi bị chó nhà cắn, bệnh nhân và người thân cần xử trí vết thương đúng cách, rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong vòng 10 - 15 phút, rồi sát trùng bằng cồn 70 độ, cồn i ốt... Sau đó, gia đình đưa người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế khám, tiêm dự phòng bệnh dại.

Đối với những người nuôi chó hoặc làm nghề chăm sóc, điều trị bệnh cho chó, mèo dù thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo cảnh thì vẫn có nguy cơ bị cắn, cào, nên tiêm phòng chủ động. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nguy-co-mac-benh-dai-tu-cho-nha-nuoi-669345.html