Nguồn nhân lực là 'nút thắt' trong phát triển kinh tế số tại Bình Dương

Hiện nay, tỷ trọng thương mại điện tử (TMĐT) bình quân tại Bình Dương mới chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế số, mà đặc biệt trong đó là tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực số.

Để phát triển kinh tế số, Bình Dương cần tập trung phát triển thể chế kinh tế số; hạ tầng số và nhân lực số.

Để phát triển kinh tế số, Bình Dương cần tập trung phát triển thể chế kinh tế số; hạ tầng số và nhân lực số.

Theo ông Nguyễn Hữu Yên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương về thực trạng kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tại Hội thảo khoa học với chủ đề: "Phát triển kinh tế số và xã hội số trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương", ông Nguyễn Hữu Yên cho biết, toàn tỉnh Bình Dương có 68.000 doanh nghiệp, trong đó có 7.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin; tỷ trọng TMĐT bình quân 8%; các lĩnh vực có đột phá chuyển đổi số như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; dệt may; logistics; nông nghiệp; du lịch. Hiện tại, Bình Dương đứng thứ 14 của cả nước và đứng thứ 2 trong vùng Đông Nam bộ về phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, Bình Dương đã hình thành được 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 3 cảng cạn và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa; hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS (điểm gom hàng lẻ) đang hoạt động phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu.

Về xã hội số, Bình Dương hiện có 1,76 triệu dân đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 và 92% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 83,6% hộ gia đình phủ mạng Internet băng rộng; có 4.500 thành viên tham gia các Tổ công nghệ số cộng đồng…

Ông Nguyễn Hữu Yên cũng cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong các khu, cụm công nghiệp và nhà máy. Đồng thời ưu tiên phát triển một số ngành Công nghiệp như: Chế biến gỗ; tự động hóa cảng biển; logistics; kho vận… để giảm ít nhất 50% chi phí các loại và nâng cao chất lượng hoạt động logistics. Ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư các lĩnh vực như: Điện tử, chip bán dẫn; trí tuệ nhân tạo; an toàn, an ninh mạng…

Sau những thành công về chuyển đổi số thì Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, tỷ trọng phát triển kinh tế số của Bình Dương chỉ đạt khoảng trên 8% là thấp. Bình Dương chưa có khu công nghiệp chuyên biệt, chưa có chuỗi liên kết sản phẩm, cụm liên kết ngành. Các công trình hạ tầng kết nối Vùng vẫn còn đang trong giai đoạn chờ hoàn thiện. Dịch vụ phát triển không tương xứng với công nghiệp và đô thị. Mục tiêu phát triển kinh tế số của tỉnh đang ở mức rất thách thức.

Để phát triển hơn nữa, Bình Dương không chỉ đơn giản là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà đòi hỏi tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên nền tảng tiến bộ khoa học - công nghệ, dựa vào kinh tế "số" và "xanh" để vượt bẫy thu nhập trung bình.

Đại tá, GS.TS Bùi Minh Thanh - Viện An ninh phi truyền thống lại chỉ ra “mấu chốt” của phát triển kinh tế số tại Bình Dương là thiếu hụt nguồn nhân lực số, nhất là nhân lực về năng lượng tái tạo, TMĐT, du lịch, công nghiệp số, nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn. Tỉnh Bình Dương cần có chính sách ưu tiên, tạo sự hấp dẫn nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế số. Đặc biệt, Bình Dương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung đảm bảo an ninh 3 trụ cột: Thể chế kinh tế số; hạ tầng số và nhân lực số.

Cũng theo các chuyên gia, để phát triển hạ tầng số, Bình Dương cần đầu tư xây dựng các khu công nghiệp điện tử, lắp ráp điện tử, Trung tâm dữ liệu; chuyển đổi số toàn diện các khu, cụm công nghiệp và nhà máy để đem lại doanh thu tăng trưởng từ 5-25%.

Bên cạnh đó, cần thành lập Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp; quan tâm đầu tư vào nền tảng số thay vì đầu tư vào các ứng dụng công nghệ thông tin.

Về xã hội số, Bình Dương cần thí điểm 100% dịch vụ công trực tuyến; 100% học bạ điện tử, sổ sức khỏe điện tử sử dụng chữ ký số; phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thí điểm nền tảng Hợp đồng lao động điện tử để 100% hợp đồng lao động được ký số.

Công Danh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nguo-n-nhan-lu-c-la-nu-t-tha-t-trong-pha-t-trie-n-kinh-te-so-ta-i-bi-nh-duong-375599.html