Nguồn nhân lực cho nguyên khí quốc gia

Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực ở một số chỉ số về giáo dục, trong đó điển hình là tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN.

Sự hợp nhất kỹ thuật số, sinh học và vật lý trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) có ảnh hưởng to lớn không chỉ đến sức sống tinh thần và thể chất của cá nhân con người thông qua các tiến bộ về công nghệ gen, tế bào gốc…, mà còn ảnh hưởng đến kỹ năng và đạo đức của con người trong việc kết nối của cá nhân với các đối tác. Chính vì vậy, phẩm chất và kỹ năng của con người đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển, tạo nên sức sống và nguyên khí mới của một quốc gia.

Một quốc gia - dân tộc có được bản sắc và duy trì sự phát triển thông qua sức sống của nó dựa trên sức mạnh và sự nổi bật của ngành GD-ĐT. Ngoài ra, sự đổi mới hệ thống giáo dục hướng tới việc học tập nhằm chuẩn bị cho cá nhân những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để trở thành lực lượng lao động chất lượng, đối mặt với thách thức của thế giới việc làm có ý nghĩa rất quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ.

Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực ở một số chỉ số về giáo dục, trong đó điển hình là tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN. Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cũng cho thấy chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng tốp đầu các nước ASEAN. Hiện nay, Chính phủ cũng đã có quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030 và xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030 nhằm cung cấp một lực lượng lao động chất lượng, tạo nên nguyên khí quốc gia hướng tới tầm nhìn đến năm 2050.

Sự hình thành các mô hình kinh tế như: kinh tế ứng dụng (app-economy), kinh tế tự động hóa (bot-economy) và đặc biệt là kinh tế nền tảng (platform-economy)… có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, nền tảng song sinh kỹ thuật số (digital twin platform) được tạo ra trong nền kinh tế nền tảng đã trở thành một nguồn lực sản phẩm quan trọng và làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiến hành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là GD-ĐT. Những tiến bộ công nghệ như internet vạn vật, cảm biến và tự động hóa đã cung cấp các dịch vụ mới một cách khác biệt, bao gồm các khóa học trực tuyến mở quy mô lớn, lớp học ảo, thư viện ảo, phòng thí nghiệm ảo và nhà giáo dục ảo... Giáo dục 4.0 cũng đang thúc đẩy sự cạnh tranh của các trường học, cao đẳng và đại học tự nâng cấp. Do đó, để duy trì tính cạnh tranh, các tổ chức giáo dục đang trang bị cho sinh viên một thế giới kiến thức sát với thực tế, trong đó các hệ thống vật lý không gian mạng thâm nhập vào hầu hết mọi ngành công nghiệp.

Lịch sử đã chứng minh, muốn cho nguyên khí thịnh vượng, đất nước phát triển vững bền thì không thể không phát hiện, chăm chút, bồi dưỡng nhân tài. Nhân tài trong kỷ nguyên công nghệ là lực lượng trí thức tinh hoa có khả năng phát minh, sáng tạo và có tầm nhìn để định vị xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội. Bên cạnh lực lượng trí thức tinh hoa có tầm nhìn sáng tạo và đổi mới, quan trọng hơn là chúng ta cần phải có nguồn nhân lực có kỹ năng quản trị kinh doanh trong việc tạo ra và thương mại hóa sự đổi mới, giúp đầu tư và người lao động làm việc hiệu quả hơn. Lịch sử cũng đã minh chứng quá trình gian nan của sự đổi mới sáng tạo trước khi nó trở nên có giá trị xã hội. Chính vì vậy, một nền giáo dục hiệu quả là nền giáo dục không chỉ đào tạo ra những người hiền tài thành công có danh tiếng, bằng cấp và địa vị, mà còn đào tạo ra những người có khả năng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị thực lan tỏa phục vụ cộng đồng.

Nhằm tạo ra nguyên khí mạnh mẽ cho đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới, triển khai hiệu quả chủ trương và chính sách GD-ĐT, trước hết là đổi mới chất lượng và phương pháp giảng dạy. Trong giáo dục 4.0, trách nhiệm học tập chính sẽ chuyển từ giáo viên sang học sinh nhằm không chỉ trang bị cho thế hệ tương lai kiến thức hiện tại mà còn cung cấp cho họ những nền tảng cho việc học tập liên tục suốt đời trong một thế giới biến đổi nhanh chóng. Các lớp học cần trở nên linh hoạt hơn, cung cấp các phương pháp học tập đa dạng…, đảm bảo quan hệ dân chủ và bình đẳng giữa giáo viên và học sinh để làm nền tảng cho văn hóa đổi mới, sáng tạo ngay trong nhà trường. Về dài hạn, các cơ sở GD-ĐT cũng như các cơ quan chính phủ và phi chính phủ cần đầu tư và nâng cấp hệ thống giáo dục, đặc biệt là đổi mới và trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng cốt lõi về giải quyết vấn đề, về hợp tác và về khả năng thích ứng.

Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở và điều kiện vật chất cho hệ thống GD-ĐT cần phải được quy hoạch và phát triển phù hợp. Hơn nữa, đây còn là nguồn động viên thiết thực để khích lệ đối với đội ngũ các nhà giáo. Tuy nhiên, khả năng cơ sở hạ tầng và điều kiện vật chất bị hạn chế rất nhiều bởi sự thiếu hụt và chậm trễ của nguồn lực từ Chính phủ đầu tư vào GD-ĐT. Điều này dẫn đến một vai trò quan trọng mà quan hệ đối tác công tư (PPP) có thể đảm nhận. PPP là mối quan hệ cộng sinh, trong đó khu vực công và tư nhân làm việc cùng nhau để tận dụng tối ưu kiến thức, nguồn lực, kỹ năng và chuyên môn của nhau nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng công cộng trong các lĩnh vực khác nhau hoặc các dịch vụ liên quan vì lợi ích của ngành. Ngoài ra, PPP còn khuyến khích việc tích hợp các kỹ năng liên quan đến ngành và đào tạo nghề, mang lại chuyên môn trong ngành, kết nối và tăng cơ hội thực tập, bố trí việc làm, cho phép các chương trình giáo dục phù hợp với yêu cầu ngày càng tăng của thị trường việc làm. PPP có thể là một công cụ hiệu quả để thu hẹp khoảng cách giữa Chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ tư nhân và các yêu cầu của ngành.

Trong kỷ nguyên của kinh tế nền tảng số với 3 xu thế của hội nhập khu vực và toàn cầu (là kết nối, sáng tạo, bao trùm), chắc chắn hệ thống giáo dục 4.0 sẽ đóng góp quan trọng nhằm tạo ra nguyên khí và sức sống mới cho đất nước.

TS ĐOÀN DUY KHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguon-nhan-luc-cho-nguyen-khi-quoc-gia-post714867.html