'Nguồn cung khan hiếm, nhà thầu phải xếp 'lốt', tranh giành mua đá thi công cao tốc

Do khan hiếm nguồn cung, hiện nay, các nhà thầu tại các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua đá xây dựng phục vụ thi công các dự án.

Đối với Đồng Nai, ngoài việc đảm bảo nguồn cung đá xây dựng cho các dự án trên địa bàn, tỉnh còn được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ hỗ trợ cho các dự án tại khu vực Tây Nam Bộ.

Nhu cầu về đá xây dựng phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh hiện đang rất lớn. Ảnh: Phạm Tùng

Nhu cầu về đá xây dựng phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh hiện đang rất lớn. Ảnh: Phạm Tùng

“Đi cả đêm mới mua được 1 xe đá”

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn hiện là nhà thầu tham gia thi công các dự án thành phần 1, thành phần 2 thuộc Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và một số gói thầu của Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Do đó, nhu cầu về đá xây dựng, nhất là đá để thi công cấp phối đá dăm Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là rất lớn. Mặc dù vậy, thời gian qua, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua đá để phục vụ thi công.

Trung tá Phạm Hữu Từ, đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, để phục vụ thi công 3 dự án trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã ký hợp đồng mua đá của mỏ đá Tân Cang 4. Tuy nhiên, hiện nay, để mua được đá phục vụ thi công là rất khó khăn. “Đi cả đêm may ra mới mua được 1 xe đá”, ông Phạm Hữu Từ cho biết.

Cũng theo ông Từ, với tiến độ lấy đá như hiện tại thì rất khó để bảo đảm tiến độ các dự án. Riêng đối với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, để thi công các dự án trên địa bàn tỉnh, trong năm 2025, đơn vị cần khoảng 1 triệu m3 đá xây dựng. “Như vậy mỗi ngày cần khoảng 2 ngàn m3 đá mà cứ lấy từng xe như hiện nay thì rất khó để đảm bảo tiến độ thi công”, ông Phạm Hữu Từ cho biết thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, thực tế hiện nay, việc mua đá của các nhà thầu phục vụ thi công các dự án trọng điểm rất khó khăn. Tại các mỏ đá, thậm chí xảy ra tình trạng tranh giành mới mua được đá.

Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cho hay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai có nhiệm vụ hỗ trợ về nguồn đá xây dựng phục vụ thi công dự án. Hiện nay, các nhà thầu đã lấy mẫu kiểm tra, thí nghiệm và có 9 mỏ đá đủ điều kiện cung cấp để thi công dự án. Mặc dù vậy, hiện nay, các nhà thầu phải mất 3-4 ngày mới mua được một tàu. “Tình hình đang rất căng. Theo trữ lượng được cấp phép thì 9 mỏ đá này sản lượng mỗi năm là 10 triệu m3, rất lớn. Tuy nhiên, thực tế để mua được đá rất khó, phải tranh giành, xếp “lốt” chờ mua đá”, ông Tuân cho hay.

Dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có nhu cầu khoảng 2,2 triệu m3 đá. Theo tiến độ, dự án sẽ cơ bản hoàn thành cuối năm 2025. Hiện nay, do nguồn vật liệu cát san lấp khó khăn nên Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận dự kiến sử dụng đá để gia tải thay cho cát và nhu cầu rất lớn là thời điểm từ nay đến hết quý I-2025. “Đơn vị cũng rất mong UBND tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để có thể hoàn thành dự án đúng tiến độ”- ông Lê Đức Tuân bày tỏ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, nhu cầu về đá xây dựng phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh và khu vực phía Nam là rất lớn. Do đó, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc là rất cấp bách.

Khan hiếm nguồn cung do nhiều vướng mắc

Theo Sở Tài nguyên môi trường, hiện nay, khu vực phường Tam Phước và Phước Tân của thành phố Biên Hòa có 10 mỏ đá xây dựng. Về sản lượng, các mỏ đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ thi công các dự án. Tuy nhiên, do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai nên các mỏ này chưa thể nâng công suất khai thác dẫn đến tình trạng khan hiếm đá phục vụ các dự án.

Thi công Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Tùng

Thi công Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Tùng

Hiện nay, tiến độ thực hiện dự án tại giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 7 mỏ đá tại cụm Tân Cang đã hết hạn. Do đó, Sở Tài nguyên và môi trường không có cơ sở đề xuất để xử lý các hồ sơ đề nghị nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 7 mỏ này. Vì vậy, Sở Tài nguyên và môi trường cũng kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các chủ mỏ và các đơn vị liên quan thực hiện việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án cho 7 mỏ tại khu vực cụm mỏ đá Tân Cang.

Tại cuộc họp để nghe báo cáo về xử lý các khó khăn, vướng mắc trong khai thác vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trọng điểm quốc gia ngày 9-12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư, căn cứ đề xuất của các doanh nghiệp, phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện gia hạn chủ trương đầu tư để các mỏ đá sớm triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để cơ quan chức năng xem xét gia hạn chủ trương đầu tư các dự án. Sau khi thực hiện gia hạn chủ trương đầu tư, Sở Tài nguyên và môi trường hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan về đất đai.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202412/nguon-cung-khan-hiem-nha-thau-phai-xep-lot-tranh-gianh-mua-da-thi-cong-cao-toc-f00530e/