Người Trung Quốc vung tiền vẫn không mua được giấc ngủ ngon

Hàng triệu người Trung Quốc đã chi tiền mua đủ loại thiết bị hỗ trợ, liệu pháp khác nhau vẫn không thể thoát khỏi chứng mất ngủ.

Mỗi tối, Maggie sẽ mở ứng dụng trong phòng ngủ, đeo tai nghe, ngồi xếp bằng trên giường và bắt đầu thiền. Lắng nghe giọng nói nhẹ nhàng, cô bắt tập trung vào hơi thở, thoát khỏi những bộn bề của công việc và gia đình, tìm thấy trạng thái thoải mái của riêng mình trong thiền định.

Để có được giấc ngủ ngon, Maggie từng mua một chiếc chăn trọng lực với giá hàng nghìn nhân dân tệ. Cô cũng mua mặt nạ xông hơi cho mắt, thử thiết bị hỗ trợ ngủ bằng dòng điện và nhiều loại thuốc hỗ trợ ngủ trong và ngoài nước.

Maggie nói rằng đến nay, thiền là cách hiệu quả nhất với mình, và cô thỉnh thoảng bỏ tiền ra để mua một lớp học mới trên ứng dụng.

Cô không tính kỹ số tiền đã chi để có một giấc ngủ ngon suốt mấy năm qua, nhưng ước chừng con số khá lớn.

 Hàng trăm triệu người Trung Quốc mắc chứng rối loạn giấc ngủ, biến nó thành vấn đề quốc gia đáng lo ngại.

Hàng trăm triệu người Trung Quốc mắc chứng rối loạn giấc ngủ, biến nó thành vấn đề quốc gia đáng lo ngại.

Theo The Paper, Maggie không phải trường hợp cá biệt. Theo thống kê, Trung Quốc hiện có khoảng 300 triệu người mắc chứng rối loạn giấc ngủ ở nhiều mức độ khác nhau.

Ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ vì thế cũng đã phát triển nhanh chóng.

Theo một báo cáo năm 2020 của các nhà nghiên cứu thị trường Leadleo, ngành "công nghiệp giấc ngủ" đã tăng gấp đôi quy mô so với năm 2015, ước tính đạt 400 tỷ nhân dân tệ. Đến năm 2030, con số này được dự đoán sẽ vượt quá 1.000 tỷ nhân dân tệ.

Chi tiền mua giấc ngủ ngon

Tuy nhiên, dù thử nhiều cách khác nhau và chi số tiền lớn để mua công cụ, dịch vụ hỗ trợ, không ít người vẫn mắc kẹt với chứng mất ngủ, sức khỏe lẫn cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Tôi thực sự không thể nào ngủ được", Ding Yi nói về cảm giác như bị một thế lực nào đó khiến bản thân không thể đi vào giấc ngủ khi mới chuyển từ Munich (Đức) về Bắc Kinh (Trung Quốc).

Mỗi ngày, cô chỉ thiếp đi những giấc ngắn 5 phút, rồi choàng tỉnh dậy, mắt mở thao láo từ đêm đến sáng và không có chút buồn ngủ nào.

Ban đầu, Ding Yi mất ngủ do chênh lệch múi giờ. Song thời gian sau, một nỗi sợ hãi không thể giải thích khiến chứng mất ngủ của cô thêm trầm trọng. Mỗi đêm, cô cứ tắt rồi mở điện thoại, lướt mạng liên tục và mong mình có thể mệt đến mức chìm vào giấc ngủ.

 Ngày càng nhiều người sẵn sàng chi tiền, tìm đến liệu pháp vật lý lẫn tâm lý để thoát khỏi chứng mất ngủ.

Ngày càng nhiều người sẵn sàng chi tiền, tìm đến liệu pháp vật lý lẫn tâm lý để thoát khỏi chứng mất ngủ.

Nhìn lên trần nhà, Ding Yi tưởng tượng nếu có một chiếc đèn chùm đung đưa qua lại, cô sẽ bị thôi miên khi nhìn chằm chằm vào nó. Nhưng tưởng tượng đó cũng không thể nào khiến cô ngủ được.

Cuối cùng cô mở điện thoại và tìm kiếm trong vòng bạn bè trên xem có ai gặp cảnh khó ngủ như mình không. Hóa ra trên Douban có một nhóm người cũng rơi vào hoàn cảnh như cô, họ hoạt động lúc nửa đêm vì rối loạn giấc ngủ ở nhiều mức độ khác nhau.

Những lời phàn nàn trên nhóm thường là dù nằm lên giường rất sớm nhưng mỗi đêm họ đều khó ngủ, trăn trở suy nghĩ về cuộc sống, lướt mạng xã hội hay chơi game một mình.

Không ít thành viên trong nhóm đã nghiên cứu kiến thức lý thuyết để có giấc ngủ ngon, chi hàng nghìn nhân dân tệ cho công cụ hỗ trợ giấc ngủ, uống thuốc ngủ, dùng thuốc đông y, thực hành bài tập thở, thiền, tập yoga... Tất cả đều không hiệu quả.

Theo số liệu khảo sát của iiMedia Research vào năm 2021, khi đối mặt với các vấn đề về giấc ngủ, 40,36% người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chọn mua các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ.

Các sàn thương mại điện tử và nền tảng video ngắn là nơi họ mua các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ.

Tuy nhiên, 57,7% người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm hỗ trợ có tác dụng thực tế yếu và khó giải quyết các vấn đề về giấc ngủ với nguyên nhân phức tạp.

Kiệt sức vì mất ngủ

Archie đeo nút bịt tai, ngủ thiếp đi lúc nửa đêm và bừng tỉnh giấc lúc 4h sáng, chuẩn bị đi làm vào 8h. Cả ngày, anh chỉ có thể uống cà phê để giữ đầu óc tỉnh táo. Mọi thứ cứ lặp lại như vậy, anh cảm thấy đó là vòng luẩn quẩn.

Archie năm nay 26 tuổi, đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ. Anh đã bị mất ngủ 2 năm nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt hàng ngày. Có lần anh lảo đảo suýt ngã trong nhà vệ sinh vì quá mệt mỏi do mất ngủ.

 Không ít người kiệt sức khi mất ngủ trong thời gian dài.

Không ít người kiệt sức khi mất ngủ trong thời gian dài.

Anh đã thử nhiều phương pháp như đếm 10.000 con cừu, uống rượu vang đỏ, chạy bộ nhưng không hiệu quả. Sau nhiều tháng vật lộn, Archie cuối cùng phải tìm gặp bác sĩ để điều trị.

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân như Archie không ngủ được, chủ yếu chia thành các nhóm yếu tố sinh lý, tâm lý và môi trường. Chẳng hạn như thành tích kém trong kỳ thi tuyển sinh trung học, trượt đại học, người yêu chia tay, thất nghiệp, lo lắng về tuổi tác.

Đối mặt với chứng mất ngủ, họ đã trở thành một nhóm hoàn toàn dễ bị tổn thương. Có người mất ngủ thụ động, có người không muốn chìm vào giấc ngủ.

Năm 2019, trên tạp chí Nature Human Behavior, các nhà khoa học tại Đại học California đã chỉ ra rằng mất ngủ có thể làm tăng mức độ lo lắng của cơ thể lên 30% vào ngày hôm sau, một giấc ngủ đủ và chất lượng có thể giữ cho con người bình tĩnh và giảm mức độ căng thẳng của cơ thể.

 Sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đều suy giảm nếu mất ngủ trong thời gian dài.

Sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đều suy giảm nếu mất ngủ trong thời gian dài.

Với những người dễ dàng ngủ ngon, yêu cầu nghiêm ngặt trước khi bước vào giấc ngủ của một người mắc chứng khó ngủ có vẻ vô lý. Nhiều lời khuyên được đưa ra rằng muốn ngủ ngon, bạn hãy ngừng sử dụng điện thoại ban đêm, do bạn chưa mệt, hãy vận động.

Thực tế điều đó không đúng. Ngay cả khi người khó ngủ đã tắt điện thoại, tập thể dục 2 tiếng mỗi ngày và làm việc liên tục 8 tiếng, họ vẫn trằn trọc tới khuya.

Trong nhóm thảo luận và hỗ trợ chứng mất ngủ, chưa có phương pháp nào có thể áp dụng cho mọi người. Mỗi bệnh nhân khó ngủ phải thử rất nhiều cách, từ đếm cừu, uống rượu vang, dùng thuốc, xông tinh dầu, tập thể dục...

Nhiều người dùng melatonin để hỗ trợ giấc ngủ ngon cho biết nó gây ra tình trạng mơ màng, mệt mỏi sau khi thức dậy, thậm chí gây suy giảm trí nhớ. Loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn như một chất bổ sung hoặc sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, không được khuyến khích dùng lâu dài.

Tuy nhiên, nhiều người đã dùng liều lượng lớn và bị phụ thuộc vào nó.

"Tôi không quan tâm đến tác dụng phụ, tôi chỉ cần ngủ được thôi", một người sử dụng thuốc này bày tỏ.

Đinh Phạm

Ảnh: The Paper.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-trung-quoc-vung-tien-van-khong-mua-duoc-giac-ngu-ngon-post1304258.html