Người 'trả nợ' cho rừng

Ông Nguyễn Văn Hoàn (62 tuổi; ngụ xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch) từng là một lâm tặc có tiếng ở vùng núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nhiều người khi gặp lại, có lẽ họ vẫn không tin vì giờ ông lại là cộng tác viên tích cực của Vườn Quốc gia (VQG) này trong việc hướng dẫn các đoàn chuyên gia, nhà khoa học đến nghiên cứu linh trưởng, cây rừng. Đặc biệt, ông luôn là người đi đầu trong việc vận động người dân tham gia bảo vệ rừng di sản.

Ông Hoàn từng được người dân quanh vùng đặt cho cái tên "Vua thiện xạ rừng xanh" bởi có biệt tài săn bắt, bẫy thú nổi tiếng. Ở vùng rừng núi này, không biết bao nhiêu con thú rừng quý hiếm chết dưới họng súng và bẫy đặt của ông. Năm 1991, ông từng phải lĩnh 4 năm tù treo, bị phạt 10 triệu đồng vì bắn chết con bò tót.

Ông Nguyễn Văn Hoàn được Vườn thú Cologne và Hội động vật học Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) tặng bằng khen

Ông Nguyễn Văn Hoàn được Vườn thú Cologne và Hội động vật học Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) tặng bằng khen

Nhiều loài linh trưởng, thú rừng quý hiếm được bảo tồn

Nhiều loài linh trưởng, thú rừng quý hiếm được bảo tồn

Ngót nghét 20 năm trôi qua, gác câu chuyện buồn trong quá khứ, ông Hoàn luôn đau đáu suy nghĩ "trả nợ" rừng xanh". Khi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, ông Hoàng được Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng giao cho nhiều việc quan trọng góp phần bảo vệ di sản, vùng đệm.

Hằng ngày, ông một mình đi tuần tra quanh các khu rừng. Hễ nơi nào có tiếng động khai thác gỗ, hay tiếng súng, ông lập tức báo với kiểm lâm để ngăn chặn phá rừng, săn bắn thú. Sau này, ông được chính quyền địa phương giao khoán bảo vệ 1.300 ha rừng, lấy đó làm công việc mưu sinh.

Từng là "thổ địa" của vùng đất này, ông Hoàn luôn rành rỏi mọi ngóc ngách. Bởi thế, nghe nơi nào có linh trưởng xuất hiện, ông được mời liên hệ dẫn các đoàn lên đường tìm dấu vết nhằm giúp cho các chuyên gia, các nhà khoa học có thêm nghiên cứu về các loài động vật quý hiếm mới góp phần bảo tồn, gìn giữ.

"Ông cha ta thường nói: "Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt". Bây giờ tui chiêm nghiệm lại thấy đúng, rất nhiều người dân phải bỏ mạng, thương tật trong rừng núi sâu thẳm bởi cái nghề phá rừng, săn thú. Hơn 20 năm nay, hễ có việc gì liên quan công tác bảo vệ rừng, bảo vệ các loài thú hoang dã thì tôi xung phong đi đầu, cũng là việc để trả nợ cho rừng xanh" - ông Hoàn bộc bạch.

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-tra-no-cho-rung-20230706211731575.htm