'Người tình' của người nghèo

'Phải luôn coi mình là 'người tình' của người nghèo. Chỉ khi coi người nghèo như 'người tình' thì mình mới kịp thời chăm lo và dành sự trìu mến, tình yêu thương đến họ'. Đó là tâm niệm của ông Ngô Văn Thêm, người thường được bà con gọi với tên thân thương 'ông Ba Thêm', thành viên Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Long.

Hiện nay, dù đã ở tuổi 75 nhưng với tấm lòng nhân ái “Thương người như thể thương thân”, ông Ba Thêm đã và đang giúp đỡ, động viên, chia sẻ với hàng trăm mảnh đời khó khăn, cơ cực. Với ông, những việc ông làm đều xuất phát từ chữ tâm, không mong người trả ơn. Ông luôn suy nghĩ, bất kể là ai cho đi dù ít nhưng sẽ còn mãi. Ông còn là điển hình “Tuổi cao gương sáng”, người “thắp sáng” niềm tin vào cuộc sống, trở thành cánh tay nối dài lòng nhân ái trong cộng đồng.

Còn cho đi khi còn người khó khăn

Ông Ngô Văn Thêm ở khu phố Phú Trọng, phường Phú Đức, TX. Bình Long đã có 20 năm làm thiện nguyện. Xuất phát từ tấm lòng nên hành trình giúp người nghèo của ông chưa bao giờ dừng lại. Ông luôn nhói lòng khi nghe, nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh. Vì thế, ông luôn làm tất cả những gì có thể để giúp họ vượt qua khó khăn.

Với tâm niệm làm từ thiện không phải làm cho có, mà phải làm được những điều giá trị cho người nghèo, có thể góp chút sức lực nhỏ bé cho đời. Bởi thế, ngay cả khi bị gãy chân, ông vẫn cố gắng đến với bà con nghèo, đến với những người cần sự giúp đỡ. “Bà con nghèo ở xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản khi biết tin tôi bị gãy chân đã nói với nhau chắc năm nay không có ai lo cho mình, không có quà tết rồi. Nhưng tôi đâu để điều này xảy ra, vì tôi biết bà con đang cần mình. Họ đã rất vui khi tôi kịp thời mang đến những phần quà tết yêu thương” - ông Ba Thêm cho hay.

Với ông Ba Thêm, niềm vui là khi còn có sức để giúp người, giúp đời

Đã có không ít đêm ông mất ngủ khi nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh. Ông thương cho số phận của họ và đau đáu với suy nghĩ phải làm gì, làm thế nào để có thể san sẻ bớt sự cơ cực, khó khăn của họ. Ông kể: “Có lần tôi biết đến một trường hợp bệnh nhân ung thư đang rất khó khăn và có tư tưởng muốn chết. Thế là ngoài khuyên bảo, tôi vận động khắp nơi để có tiền giúp người bệnh điều trị. Sau đó, cứ vài ngày tôi lại đến thăm, động viên và kịp thời giúp sức nên tình hình bệnh tốt lên, nụ cười đã trở lại trên môi họ. Đó là động lực để tôi tiếp tục với hành trình thiện nguyện”. Ngoài những hoàn cảnh khó khăn mà ông gặp, hằng năm ông Ba Thêm còn trao tặng gần 200 phần quà tết, quà trung thu cho người dân từ nguồn vận động với số tiền hàng chục triệu đồng.

Người khó giúp người khó hơn

Ngoài tìm sự giúp sức từ xã hội, các mạnh thường quân, ông Ba Thêm còn đứng ra kêu gọi từ chính những hộ dân nghèo khó. Chương trình gói bánh chưng, bánh tét tặng người nghèo ăn tết là một trong những hoạt động như thế. Khi ông phát động, mọi người đều sẵn sàng tham gia. Người góp công, người góp của chung tay để làm ra những cái bánh thơm ngon dành tặng những hộ đặc biệt khó khăn. Tất cả đều chung tâm niệm, cùng nhau mang tết ấm no, sum vầy đến mọi nhà.

Cùng với đó, phong trào “Nuôi heo đất - Chia sẻ yêu thương” cũng nhận được sự tham gia tích cực từ chính những hộ khó khăn tại địa phương. Không áp đặt, không chỉ tiêu, những con heo đất được nuôi trên tinh thần tự nguyện, ý thức tiết kiệm và lòng “tương thân tương ái” của mỗi người. Bởi thế, từ 30 con heo đất ban đầu, đến nay số heo đất được các hộ dân nuôi luôn dao động từ 80-100 con. “Mỗi năm vào giữa tháng Chạp, tôi xin ý kiến Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã tổ chức ngày hội đập heo đất, trao quà tết cho hộ khó khăn. Không cần biết số tiền được nhiều hay ít, tôi đều trao mỗi phần quà tết trị giá 300 ngàn đồng đến mỗi hộ nuôi heo đất. Ngoài ra, sẽ trao tặng thêm từ 20-30 phần quà tết cho những hộ đặc biệt khó khăn tại địa phương” - ông Ba Thêm nói.

Lan tỏa tình yêu thương, tinh thần sẻ chia qua phong trào “Nuôi heo đất - Chia sẻ yêu thương” do ông Ba Thêm phát động

Ông hóm hỉnh kể, mọi người hay hỏi vui rằng, ông không sợ số tiền từ nuôi heo đất không đủ để trao quà tết à? Ông cười: “Tôi thật sự không sợ, vì mỗi năm tôi đều cố gắng đi vận động quà tết để tặng những người khó khăn. Số tiền thu được từ nuôi heo đất chỉ là cách để bà con cảm nhận được giá trị của bản thân và tiếp tục lan tỏa tình yêu thương đến tất cả mọi người”.

Phong trào “Nuôi heo đất - Chia sẻ yêu thương” do ông Ba Thêm đề xuất vô cùng thiết thực, đã tạo được sự lan tỏa trong người dân. Với số tiền tích góp được từ mỗi con heo đất trong một năm, người dân vừa thực hiện tiết kiệm vừa thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Qua đó, cùng với các cấp, ngành thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo, khó khăn, nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về. Riêng ông Ba Thêm, dù mỗi ngày tuổi thêm cao, sức yếu nhưng hành trình giúp người nghèo của ông không vơi đi. Ông là tấm gương sáng, xứng đáng để hội viên và con cháu noi theo.

Ông PHAN XUÂN VỊNH
Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TX. Bình Long

Làm từ thiện phải xuất phát từ tâm

Làm từ thiện chưa bao giờ là hành trình đơn giản, nếu làm không khéo dễ bị hiểu nhầm, mang tiếng. “Với tôi, làm từ thiện phải xuất phát từ tâm. Tâm phải thật, làm phải chuẩn thì mới có thể làm thiện nguyện tốt” - ông Ba Thêm bộc bạch.

“Tôi từng khóc vì câu nói của ông Ba Thêm và cảm thấy mình quá nhỏ bé trước mỗi việc làm của ông. Ông làm từ thiện xuất phát từ tâm và tấm lòng yêu thương người nghèo đơn thuần. Vì thế, dù gia đình không khá giả nhưng tôi cũng nguyện hết sức để cùng ông đi trên hành trình vì người nghèo” - ông Phạm Văn Trung ở khu phố Phú Trọng, phường Phú Đức, thị xã Bình Long tâm sự. Còn bà Nguyễn Thị Hợi cùng ở khu phố Phú Trọng vui vẻ chia sẻ: “Giống như ông Ba Thêm thường nói, làm từ thiện phải từ tâm. Tôi vui vì bản thân vẫn có thể giúp đỡ mọi người dù không giàu có gì”.

Tôi rất hạnh phúc khi những việc làm của mình đã đem đến niềm vui, giúp những người khổ cực hơn mình, được mọi người nhìn nhận và đồng hành trong chặng đường làm thiện nguyện. Tính thiện cần được thể hiện bằng hành động cụ thể để giúp đời, giúp người, như vậy mới tạo ra sức lan tỏa để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, còn đi được, còn sức khỏe thì tôi còn làm thiện nguyện, sống vì người nghèo.

Ông NGÔ VĂN THÊM
Khu phố Phú Trọng, phường Phú Đức, TX. Bình Long

Theo ông Ba Thêm, cách cho cũng là một nghệ thuật. Với người nghèo, vốn dĩ họ đã mang trong mình nhiều mặc cảm về thân phận, hoàn cảnh và luôn tự ti. Vì thế, sự giúp đỡ phải thật tinh tế để người được cho đón nhận trong niềm vui, hạnh phúc. Ông Ba Thêm đã và đang viết nên những câu chuyện đời thường rất đẹp và những câu chuyện ấy sẽ tiếp tục được nối dài…

Hồng Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/140192/nguoi-tinh-cua-nguoi-ngheo