Người tiêu dùng im lặng, hàng giả sẽ còn 'đất sống'
Hàng hóa quá nhiều, thị trường rộng lớn, lực lượng quản lý dù đông đến đâu cũng không thể kiểm tra hết nếu không có sự phối hợp từ người tiêu dùng...
Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc đang len lỏi sâu vào mọi ngóc ngách của thị trường, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Trước thực trạng đó, cao điểm chống hàng giả, gian lận thương mại đang được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, để cuộc chiến này thực sự hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng còn cần sự chủ động lên tiếng và hành động mạnh mẽ từ chính người tiêu dùng.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã chỉ rõ những thủ đoạn ngày càng tinh vi của hàng giả, những bất cập trong công tác quản lý, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của người tiêu dùng.

Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Nam Nguyễn
- Thưa ông, nhìn từ thực tiễn hiện nay, ông đánh giá như thế nào về mức độ phức tạp, tinh vi của tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc đang lưu hành trên thị trường?
Ông Vũ Văn Trung: Phải nói thẳng là, mức độ tinh vi của hàng giả hiện nay đã vượt xa tưởng tượng của người tiêu dùng thông thường. Các đối tượng làm giả không chỉ sao chép hình thức, bao bì mà còn sử dụng cả truyền thông, quảng cáo trá hình để đánh lừa thị trường. Nhiều sản phẩm làm giả tinh vi tới mức nếu không có chuyên môn, ngay cả người bán cũng nhầm lẫn.
Càng nguy hiểm hơn khi nhiều đối tượng sản xuất gian dối lại hành xử chẳng khác gì doanh nghiệp chân chính. Họ có bộ nhận diện thương hiệu, có website, có fanpage, thậm chí thuê người nổi tiếng để quảng bá. Họ làm tất cả để hàng giả được nhìn như thật, chỉ cần người tiêu dùng tin là họ đã đạt mục tiêu.
Về mức độ nguy hại, rõ ràng là rất lớn. Bởi ngoài tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân, đặc biệt trong các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm... hàng giả còn gây tổn hại tới niềm tin xã hội, làm méo mó thị trường, triệt tiêu động lực cạnh tranh lành mạnh và khiến doanh nghiệp chân chính lao đao.
- Theo ông, khung pháp lý hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đủ sức răn đe và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chưa?
Ông Vũ Văn Trung: Khung pháp lý đã có nhưng để nói đủ sức răn đe và ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng nhái, tôi cho rằng là chưa. Trong bối cảnh hiện nay, khi thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi và có tính hệ thống, pháp luật cần "đi trước một bước", chứ không thể mãi chạy theo hậu quả.
Như vụ việc sữa giả từng gây chấn động, loại sữa được sản xuất để phục vụ cho trẻ sơ sinh, người bệnh, người cao tuổi, thậm chí được đưa vào cả bệnh viện. Thật khó chấp nhận khi những sản phẩm thiết yếu như vậy lại được phép tự công bố chất lượng, mà không có sự thẩm định độc lập hoặc giám sát chặt chẽ từ cơ quan có thẩm quyền.
Tôi cho rằng, lẽ ra các cơ quan chức năng phải siết chặt quy trình công bố, không thể để tình trạng doanh nghiệp tự tung, tự tác như hiện nay. Những mặt hàng thiết yếu phải được kiểm định, giám sát theo quy chuẩn rõ ràng, không thể chỉ dựa vào việc doanh nghiệp tự công bố rồi thả nổi.
Vấn đề ở đây là công tác tiền kiểm đang rất yếu. Hàng hóa trước khi ra thị trường phải được đánh giá đạt chuẩn thì mới cho lưu hành. Nếu chỉ phát hiện sau khi đã xảy ra hậu quả, rõ ràng là quá muộn. Cần thay đổi tư duy quản lý chuyển từ phản ứng thụ động sang kiểm soát chủ động và ngăn chặn từ gốc.
- Thưa ông, hiện nay, chúng ta đã có các kênh tiếp nhận phản ánh, khiếu nại từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế này vẫn còn hạn chế, chưa thực sự phát huy hiệu quả. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này? Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất khiến người tiêu dùng còn tâm lý e ngại khi lên tiếng tố cáo, khiếu nại?
Ông Vũ Văn Trung: Tâm lý e ngại khi khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng là một thực tế có thật, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở nhiều nước khác. Người tiêu dùng thường ở thế yếu, bị động và luôn cảm thấy mình "bé nhỏ" so với các doanh nghiệp hoặc hệ thống bán lẻ. Chính vì vậy, nhiều người dù bị xâm phạm quyền lợi cũng chọn cách im lặng, chấp nhận chịu thiệt vì ngại rắc rối pháp lý.
Tuy nhiên, chúng tôi luôn tuyên truyền một thông điệp nhất quán: Muốn được bảo vệ, người tiêu dùng phải lên tiếng. Khi có phản ánh, khiếu nại, tố cáo cụ thể chỉ rõ tên doanh nghiệp, địa điểm vi phạm, sản phẩm vi phạm…, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở tỉnh, thành mới có căn cứ để vào cuộc. Khi đó, chúng tôi có thể tư vấn, hỗ trợ, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan công an hoặc lực lượng quản lý thị trường để xử lý theo pháp luật.
Còn nếu người tiêu dùng im lặng, không lên tiếng, chúng tôi cũng không thể đi tìm sai phạm trong bóng tối được. Hàng hóa quá nhiều, thị trường rộng lớn, lực lượng quản lý dù đông đến đâu cũng không thể kiểm tra hết nếu không có sự phối hợp từ phía người dân. Cơ chế phản ánh chỉ hiệu quả khi có sự chủ động hai chiều, cả từ phía cơ quan bảo vệ lẫn người tiêu dùng.
Vì vậy, rào cản lớn nhất hiện nay không chỉ nằm ở hệ thống tiếp nhận phản ánh mà nằm ngay trong tâm lý e dè, ngại va chạm của chính người tiêu dùng. Thay đổi điều này không dễ nhưng là điều bắt buộc nếu muốn xây dựng một thị trường minh bạch và công bằng.
- Thưa ông, trong cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại hiện nay, bên cạnh vai trò của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng là một chủ thể quan trọng. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng chính tâm lý chấp nhận rủi ro khi mua hàng giá rẻ đang khiến một bộ phận người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho hàng giả. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Văn Trung: Tâm lý chấp nhận rủi ro khi mua hàng giá rẻ là có và đang tồn tại khá phổ biến. Không ít người tiêu dùng vì muốn tiết kiệm, vì ham rẻ mà chấp nhận bỏ qua cảnh báo về xuất xứ, chất lượng. Điều này vô hình trung đang tạo “đất sống” cho hàng giả, hàng nhái phát triển.
Nhưng sâu xa hơn, vấn đề nằm ở chỗ người tiêu dùng vẫn đang ở thế yếu. Khi bị xâm phạm quyền lợi, họ thường ngại lên tiếng, ngại va chạm, thậm chí tự mình gánh chịu thay vì tìm đến cơ quan bảo vệ quyền lợi.
Chúng tôi luôn khẳng định, người tiêu dùng là chủ thể trung tâm trong cuộc chiến này. Nếu người tiêu dùng mạnh dạn lên tiếng, có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình thì các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng, xã hội dân sự… mới có thể vào cuộc.
Không ai đứng ra bảo vệ những kẻ làm ăn gian dối. Nhưng muốn bảo vệ người tiêu dùng thì người tiêu dùng trước hết phải bảo vệ chính mình, phải nói không với hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc, phải sẵn sàng tố cáo những sản phẩm gian lận. Đó không chỉ là bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn là hành động trách nhiệm với xã hội.
- Thông điệp ông muốn gửi đến người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay là gì?
Ông Vũ Văn Trung: Thông điệp tôi muốn gửi tới người tiêu dùng lúc này rất rõ ràng: Hãy là người tiêu dùng sáng suốt và hãy mạnh dạn lên tiếng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Chúng tôi - các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương luôn sẵn sàng vào cuộc, đồng hành và hỗ trợ. Nhưng chúng tôi chỉ có thể bảo vệ nếu người tiêu dùng dám đứng lên, dám nói ra sự thật. Nếu người dân im lặng thì không ai có thể biết được vi phạm đang xảy ra ở đâu, ai là người chịu thiệt hại, ai đang gây hại cho xã hội.
Một khi người tiêu dùng lên tiếng, không chỉ Hội mà cả hệ thống cơ quan chức năng từ quản lý thị trường đến công an, tư pháp… mới có cơ sở để xử lý. Việc bảo vệ quyền lợi không thể là con đường một chiều. Nó phải bắt đầu từ chính ý thức, thái độ và hành động của mỗi người tiêu dùng.
Tôi tin chắc rằng, khi người tiêu dùng mạnh mẽ, thì doanh nghiệp sẽ phải nghiêm túc. Khi xã hội đồng lòng, thì hàng giả sẽ không còn "đất" sống. Khi quyền lợi được bảo vệ đến nơi, đến chốn, niềm tin trên thị trường sẽ được khôi phục vững chắc hơn bao giờ hết.