Người Mông giữ nghệ thuật thêu tay truyền thống

Tiếng khèn dìu dặt giai điệu 'Bài ca trên núi' của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương như mời gọi chúng tôi về rẻo cao Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn – nơi có những người phụ nữ Mông chịu thương, chịu khó và tài hoa, khéo léo với nghệ thuật thêu len ngũ sắc.

“Mùa xuân” đã về với Mỹ Á, với những nếp nhà kiên cố, khang trang, những con đường được bê tông hóa. Cuộc sống dần thay đổi nhưng nghệ thuật thêu truyền thống vẫn được gìn giữ bởi bàn tay khéo léo của những phụ nữ Mông coi thêu thùa như bổn phận phải lo cái ăn, cái mặc cho gia đình. Ngay từ khi còn nhỏ, bé gái Mông đã được các bà, các mẹ dạy thêu thùa trên những tấm vải lanh, các cô gái đến tuổi “cập kê” đã tự thêu được cho mình được những bộ váy áo sặc sỡ, đẹp mắt mang theo về nhà chồng.

Thoăn thoắt đưa mũi kim thêu lên vải những họa tiết độc đáo, chị Sùng Thị Mai (30 tuổi, Tiểu khu 2, khu Mỹ Á, huyện Tân Sơn) kể với chúng tôi: “Công việc thêu thùa diễn ra quanh năm suốt tháng, có thể thêu vào lúc nông nhàn, tranh thủ giờ nghỉ trưa trên nương, buổi tối. Thêu không chỉ đơn thuần là tạo ra những bộ trang phục sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, mà còn chứa đựng nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Phụ nữ Mông nào cũng phải có một vài chiếc váy thêu tay, mặc vào những sự kiện quan trọng trong năm như khi đi hội, xuống chợ nhất là dịp Tết”.

Cầm trên tay những chiếc váy, áo, thắt lưng... được thêu bằng len ngũ sắc rực rỡ mới thấy được sự tỉ mỉ, sáng tạo của những đôi bàn tay khéo léo vẫn quanh năm gắn bó với nương rẫy. Mỗi họa tiết đều mộc mạc, gắn liền với đời sống và tinh thần của đồng bào Mông. Họa tiết chủ yếu là các hình vuông, chữ thập, đinh, quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép, răng cưa... Bên trong là các hình ngôi sao năm cánh, hoa bí, hoa mận, hoa đào... Một số hoa văn đặc biệt, thường được dùng để thể hiện ý nghĩa riêng như hình thêu con ốc sên có ý nghĩa là sự đôn hậu, thanh bình; hình hoa bí, hoa hồi dùng để thêu trên váy cưới, thắt lưng tặng cho người yêu... Hay hình mô phỏng guồng quay sợi lanh - một trong những công đoạn của kỹ thuật dệt lanh thường được thêu trên váy và một số đồ lưu niệm như khăn choàng, túi,ví...

Khi thêu không có hình mẫu cụ thể mà chỉ dựa vào kinh nghiệm và cách tính toán từng đường kim mũi chỉ, kích thước trên toàn bộ mảnh vải, chỉ nhầm một mũi kim là phải gỡ ra làm lại. Khi hoàn thành toàn bộ hoa văn trên vải phải đều đặn đến từng chi tiết từ đường kim, mũi chỉ cho đến cách phối màu hài hòa. Bí quyết phối màu ấy đã bao đời được các thế hệ người Mông tôi luyện và sáng tạo, các mẫu hoa văn cũng được lưu giữ qua trí nhớ rồi truyền từ đời này sang đời khác.

“Bà em thường nói, con gái Mông ai cũng phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa, đó cũng là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng và phẩm hạnh. Từ năm lên 6 tuổi em đã được mẹ dạy cho những nét thêu đầu tiên, ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, em đều mày mò, tự học hỏi thêm. Đến nay, em đã có thể tự thêu váy áo cho mình và cho cả gia đình”, em Chảo Thị Sự (12 tuổi, Tiểu khu 2, khu Mỹ Á, huyện Tân Sơn) chia sẻ.

Dù cuộc sống của phát triển, dù sự tiện dụng đã len lỏi vào từng gia đình nhờ những thiết bị, công nghệ hiện đại thì chắc chắn kỹ thuật thêu tay truyền thống của người Mông vẫn mãi được lưu truyền, để mỗi mùa xuân những tấm váy lại rực rỡ trên hàng rào, trên con đường xuống chợ, xập xòe như những cánh bướm xinh…

Hà Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/202112/nguoi-mong-giu-nghe-thuat-theu-tay-truyen-thong-182014