'Người mở đường' thực hành ESG trong ngành xi măng

Câu chuyện thực hành và triển khai thành công báo cáo ESG của Xi măng Fico-YTL để lại nhiều bài học lớn cho các doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực sản xuất xi măng.

Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Công ty xi măng Fico-YTL.

Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Công ty xi măng Fico-YTL.

Bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang dần trở thành công cụ quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế giảm phát thải ngày càng được chú trọng.

Dù hoạt động trong lĩnh vực thâm hụt nguyên liệu, phát thải khí nhà kính lớn (chiếm 70% lượng phát thải của ngành vật liệu xây dựng) nhưng Xi măng Fico-YTL đã tiên phong phát hành báo cáo bền vững và coi đây là con đường chiến lược để có chỗ đứng trên thị trường trong tương lai.

TheLEADER.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Công ty xi măng Fico-YTL về chiến lược thực hành ESG tại doanh nghiệp này.

Thay đổi tư duy

Khái niệm chiến lược ESG mới đang dần phổ biến đối với cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới thời gian gần đây. Là một doanh nghiệp sản xuất xi măng quy mô, ngành thâm hụt tài nguyên và phát thải khí nhà kính lớn, Fico-YTL bắt đầu triển khai ESG từ khi nào?

Ông Nguyễn Công Bảo: Từ năm 2019, khi tập đoàn YTL trở thành cổ đông chiến lược của công ty thì chúng tôi đã công bố chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025.

Do hoạt động trong một ngành có mức độ thâm hụt tài nguyên (than đá, điện, đá vôi) và tác động nhiều đến môi trường (thải khí CO2, bụi) nên Fico-YTL nhận thức rằng cần có chiến lược phát triển bền vững lâu dài.

Năm 2022, Fico-YTL quyết định triển khai báo cáo phát triển bền vững theo mô hình ESG.

Cũng nhờ thay đổi tư duy sớm nên khi chuẩn bị công bố báo cáo phát triển bền vững, chúng tôi có nhiều thuận lợi và chỉ sau một năm chuẩn bị thì Fico-YTL đã ra được báo cáo phát triển bền vững đầu tiên vào năm 2023.

Được biết, Fico-YTL là một trong hai doanh nghiệp tiên phong trong ngành xi măng xây dựng báo cáo ESG một cách bài bản. Vậy Fico-YTL đã gặp thách thức như thế nào khi là một trong những người “mở đường”?

Ông Nguyễn Công Bảo: Fico-YTL gặp ba khó khăn chính trong quá trình thực hiện báo cáo này.

Thứ nhất là cơ cấu ngành xi măng hiện nay đang phân mảnh khiến không có nhiều cơ hội phát triển bền vững. Do đó, Chính phủ cần có chiến lược về cung cầu để cơ cấu lại ngành xi măng.

Thứ hai là thiếu những quy định pháp luật cụ thể và lộ trình bắt buộc nên đa số doanh nghiệp xi măng chưa nhận thấy áp lực phải chuyển đổi.

Đơn cử về thị trường, hiện nay chỉ mới có EU triển khai cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) từ tháng 10/2023 cho sáu mặt hàng nhập khẩu bao gồm xi măng phải có khai báo phát thải khí nhà kính.

Trong khi thị trường xuất khẩu clinker và xi măng chính của Việt Nam lại ngoài EU và các nước này chưa yêu cầu báo phát thải khí nhà kính.

Ở trong nước, Chính phủ dự kiến thí điểm thị trường tín chỉ carbon từ năm 2025 trước khi chính thức áp dụng vào năm 2028. Cơ quan quản lý nên căn cứ vào mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết để đưa ra lộ trình cụ thể, các doanh nghiệp lấy đó làm căn cứ để thực hiện.

Thứ ba, hiện nay nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về xây dựng và thực hành bộ tiêu chí ESG đang rất thiếu. Do đó, một số doanh nghiệp xi măng, đặc biệt là khối liên doanh dù muốn thực hành ESG nhưng lại gặp khó ở khâu nhân sự.

Vậy Fico-YTL đã làm thế nào để khắc phục những hạn chế đó nhằm thực hành ESG tốt nhất?

Ông Nguyễn Công Bảo: Ở Fico-YTL, chúng tôi chia ESG thành bốn trụ cột và hội đồng quản trị sẽ giám sát việc quản lý các hoạt động bền vững.

Với bộ máy quản trị, Fico-YTL cam kết đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình bền vững và lâu dài. Do đó, hội đồng quản trị sẽ giám sát việc quản lý các hoạt động bền vững của công ty bao gồm các khâu hoạch định chiến lược, các ưu tiên và mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị, giám sát tiến độ của chiến lược và hiệu quả cũng như xem xét rủi ro và cơ hội của ESG.

Ủy ban bền vững do tổng giám đốc điều hành và được hỗ trợ bởi giám đốc bền vững và các quản lý cấp cao chịu trách nhiệm về các vấn đề ESG.

Ủy ban bền vững và hội đồng quản trị đặt ra các định hướng về ESG và trọng tâm chiến lược cho doanh nghiệp. Sau đó ủy ban này sẽ giám sát, đánh giá việc thực hiện các chiến lược và kế hoạch hành động ESG trong các hoạt động cũng như báo cáo cho Hội đồng quản trị hàng năm.

Ủy ban bền vững làm việc với các quản lý cấp cao để huy động các bộ phận liên quan thực hiện chiến lược bền vững.

Ban quản lý cấp cao chịu trách nhiệm tích hợp các trọng tâm bền vững vào hoạt động hàng ngày và đảm bảo việc thực hiện hiệu quả.

Những chiến lược bền vững được truyền đạt tới mọi nhân viên, các bên liên quan thông qua ấn phẩm nội bộ, các buổi đào tạo ESG, hội thảo và cuộc họp.

Bốn trụ cột phát triển bền vững gồm: góp phần xây dựng Việt Nam xanh hơn, hoạt động bền vững, hoạt động trách nhiệm, xây dựng năng lực và cộng đồng.

Sơ đồ tổ chức Ủy ban bền vững ở xi măng Fico-YTL

Sơ đồ tổ chức Ủy ban bền vững ở xi măng Fico-YTL

Cánh cửa đi đến tương lai

Như ông nói, ESG là chiến lược lâu dài, hiện nay Fico-YTL đang ở đâu trong tiến trình này?

Ông Nguyễn Công Bảo: ESG là con đường tất yếu các doanh nghiệp phải đi, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành xi măng.

Với mục tiêu phát triển bền vững nên Fico-YTL coi ESG là khoản đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp, để thích nghi với luật chơi xanh toàn cầu.

Fico-YTL đã ra được báo cáo ESG trong năm 2023, thời gian tới chúng tôi tập trung thực hành tốt để hoàn thành mục tiêu cụ thể từng năm. Đồng thời, Fico-YTL sẽ lấy những công việc mình đã và đang là truyền cảm hứng cho đối tác, khách hàng.

Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2026, Fico-YTL trở thành hình mẫu trong ngành xi măng về thực hành ESG.

Ông nhận thấy cơ hội như thế nào đối với Fico-YTL khi thực hành ESG?

Ông Nguyễn Công Bảo: Xi măng Fico-YTL dù là một thành viên của tập đoàn đa quốc gia YTL nhưng hiện nay các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Nhưng với chiến lược sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, Fico-YTL đã đầu tư hiện đại hóa máy móc, cơ sở hạ tầng để đa dạng hóa sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm vừa xanh vừa tốt nhưng giá thành hợp lý.

Chúng tôi triển khai nhiều dự án cải tiến hoạt động nhằm cắt giảm lượng phát thải CO2 thông qua tối ưu tỷ lệ clinker trong xi măng, tận dụng phế thải như tro bay, xỉ lò cao.

Mức phát thải CO2 của Fico-YTL hiện nay là 490kg/tấn xi măng so với mức 650kg trong quyết định 1266 của Chính phủ.

Hiện nay toàn bộ danh mục sản phẩm xi măng của Fico-YTL được chứng nhận Nhãn xanh cao cấp của Hội đồng xây dựng xanh Singapore (SGBC) và khách hàng đón nhận.

Dù ESG chưa thể cải thiện các mục tiêu kinh doanh trong ngắn hạn nhưng đây là sự chuẩn bị giúp Fico-YTL mở rộng thị trường.

Tại sao lại nói ESG là cánh cửa duy nhất hướng đến tương lai?

Ông Nguyễn Công Bảo: Xi măng là một trong những ngành thâm hụt tài nguyên và phát thải khí nhà kính rất lớn. Hiện 70% phát thải nhà kính của ngành vật liệu xây dựng là đến từ xi măng.

Khi luật chơi mới trên toàn cầu được áp dụng, đặc biệt là chứng chỉ carbon sẽ tác động lớn đến ngành, Fico-YTL nhận thức rằng chỉ có con đường phát triển bền vững mới có chỗ đứng trên thị trường trong tương lai.

Đây không phải chuyện riêng của doanh nghiệp mà là sự chấp nhận của thị trường, người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Hứa Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nguoi-mo-duong-thuc-hanh-esg-trong-nganh-xi-mang-1701144183167.htm