Người lao động thiếu thiết chế văn hóa

Hệ thống Công đoàn có 4 cung văn hóa lao động cấp tỉnh, 30 nhà văn hóa lao động (NVHLĐ) cấp tỉnh; 4 trung tâm văn hóa lao động, nhà văn hóa công nhân khu công nghiệp...

Ngoài ra, hệ thống Công đoàn còn có 17 nhà văn hóa lao động quận, huyện, khu công nghệ cao trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương, số lượng NVHLĐ, nhất là ở khu công nghiệp, khu chế xuất còn quá ít so với nhu cầu của công nhân, viên chức, lao động. Đa số NVHLĐ có cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực làm việc tại NVHLĐ còn mỏng, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Các NVHLĐ của tổ chức Công đoàn không được hỗ trợ kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Người dân xã Liên Hà, huyện Đông Anh vui chơi tại nhà văn hóa. Ảnh: Công Hùng

Người dân xã Liên Hà, huyện Đông Anh vui chơi tại nhà văn hóa. Ảnh: Công Hùng

Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục pháp lý có liên quan đến việc bàn giao quản lý, vận hành, khai thác tài sản hình thành sau đầu tư.

Tổng Liên đoàn đã phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội đề xuất các ý kiến liên quan đến Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách xây dựng nhà ở xã hội trong đó có các thiết chế văn hóa, thể thao.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động kiến nghị các cấp ủy Đảng triển khai, thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, trong đó có nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa công nhân nói chung và xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng; quan tâm, chỉ đạo các dự án đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân lao động tại địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu xem xét sửa đổi Quy định số 212-QĐ/TW, tăng cường định biên cho các cấp Công đoàn, trong đó có NVHLĐ.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về số lượng viên chức tối thiểu trong các đơn vị sự nghiệp công lập; mức độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khi thành lập mới để phù hợp hơn với thực tế hiện nay; tiếp tục nghiên cứu sớm ban hành xác định đơn giá dịch vụ công giao trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn, trong đó quan tâm đầu tư hoặc tạo điều kiện để các DN, tổ chức Công đoàn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, viên chức, lao động, nhất là công nhân, lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

Mặt khác, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương, thời gian qua, việc đẩy mạnh xây dựng các thiết chế Công đoàn, trong đó có hạng mục TCVHTT phục vụ công nhân, lao động khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đã được quan tâm.

Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện đề án thiết chế Công đoàn, tính đến nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 2 thiết chế Công đoàn. Trong đó, thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam đã đưa vào hoạt động với 244 căn hộ đều đã được công nhân, lao động thuê; khu nhà đa năng, sân thể thao được hoạt động thường xuyên phục vụ cư dân sống tại khu thiết chế.

An Nhiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-lao-dong-thieu-thiet-che-van-hoa.html