Người dân TP Hồ Chí Minh băn khoăn với cách cân rác tính tiền từ 1/6
Từ ngày 1/6 tới đây, TP Hồ Chí Minh bắt đầu áp dụng thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích. Bên cạnh kỳ vọng thay đổi thói quen xả rác, nhiều hộ dân vẫn băn khoăn trước việc tính toán khối lượng 126 kg rác/hộ/tháng và khả năng thực thi tại từng hộ gia đình.

Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh băn khoăn với quy định phải cân rác tính tiền từ ngày 1/6 tới.
Khi biết thông tin TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng quy định thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng, chị Nguyễn Thị Kim Quyên, ngụ tại quận Bình Thạnh, không khỏi lo lắng. “Tôi đi làm cả ngày, thường để rác trước cửa. Nhiều lần hàng xóm để nhờ rác cồng kềnh trước nhà tôi mà không hề xin phép. Giờ nếu tính phí theo ký thì tôi biết làm sao để kiểm soát?”, chị Quyên băn khoăn.
Không chỉ riêng chị Quyên, chị Hoàng Hằng, sống tại quận Tân Bình, cũng chia sẻ băn khoăn: “Nếu được, tôi đề nghị có thêm gói phí thấp hơn 126 kg vì nhà tôi 4 người, hai vợ chông đi làm cả ngày, hai con học bán trú đến tối mới về, mỗi ngày nhà tôi chưa tới 2 kg rác. Tính ra cả tháng chỉ trên dưới 60 kg rác, nhưng vẫn phải đóng phí theo mốc 126 kg/tháng là quá nhiều”.
Trong khi đó, anh Trần Thái Hậu, sống một mình tại quận Tân Phú, cũng đặt câu hỏi: “Dựa vào đâu để định mức thấp nhất là 126 kg/tháng? Thời buổi này rất nhiều người sống độc thân, như tôi đây đi làm cả ngày tối mới về, cũng ít khi nấu nướng ở nhà mà toàn ăn ở ngoài, mỗi tháng tôi nghĩ chưa tới 12 kg rác”.
Theo quyết định mới của TP Hồ Chí Minh, khối lượng rác sinh hoạt phát sinh từ 126 kg trở xuống sẽ chịu mức phí cố định, dao động từ 76.000 - 84.000 đồng/tháng tùy khu vực. Mức phí sẽ tăng nếu rác vượt qua mốc 126 kg/tháng, cao nhất là trên 420 kg/tháng.
Tuy nhiên, các hộ dân nhỏ vẫn chưa cần cân ký rác mỗi ngày. Đối tượng áp dụng thu theo kg chủ yếu là hộ phát sinh nhiều rác như nhà hàng, khách sạn, siêu thị… hoặc khi TP Hồ Chí Minh triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường.

Giá thu gom rác thải tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1/6 sẽ thống nhất, không còn kiểu mỗi quận, huyện một giá khác nhau.
Mặc dù quy định là thế, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn là làm sao để xác định lượng rác phát sinh mỗi nhà, ai là người cân rác và liệu có minh bạch trong việc cân kg rác để tính tiền.
Ông Trần Huỳnh Giang, ngụ tại Quận 11 nói: “Gia đình tôi 4 người, mỗi ngày thải ra chỉ 1 đến 2 kg rác. Tôi ủng hộ tính phí theo rác thải sinh hoạt nhưng băn khoăn việc cân rác mỗi ngày. Không lẽ người dân phải đợi nhân viên thu gom để cân rác trước khi giao?”.
Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc thu phí rác theo kg. Chị Thanh Loan, chủ một quán giải khát tại Quận 3, chia sẻ: “Rác mỗi ngày của tôi cũng khá nhiều, nhưng tôi đâu có thời gian kiểm tra từng túi. Nếu có ai bỏ nhờ rác vào thì mình lại phải gánh thêm chi phí, rất khó kiểm soát”.
Trước bài toán khó trong đo lường, nhiều ý kiến cho rằng nên học theo các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nơi người dân mua túi rác theo thể tích. Chỉ rác đựng trong túi đúng quy định mới được thu gom.
Chị Phạm Thị Hồng ngụ tại quận Tân Bình đề xuất: “Thu tiền rác bằng cách bán túi rác theo quy định là công bằng nhất. Ai có ít rác thì dùng túi nhỏ, ai có nhiều rác thì dùng túi to. Người đi thu gom rác, chỉ thu gom những rác được đựng đúng túi này”.
Tương tự, chị Kim Ngân chia sẻ: “Như tôi thấy ở Nhật, túi rác được bán theo thể tích và theo loại rác. Chính quyền địa phương ở đó tự kiểm tra, ai không đổ đúng thì không được thu rác, từ đó tạo thành thói quen để mọi người tự ý thức phân loại rác và để đúng nơi quy định”.

Nhiều hộ dân lo ngại không kiểm soát được nguồn gốc rác thải trước nhà khi áp dụng thu phí theo cân nặng.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang xây dựng hướng dẫn cụ thể để đảm bảo công bằng và rõ ràng trong quá trình triển khai, nhằm tránh gây áp lực tài chính cho người dân. Việc này bao gồm việc xác định khối lượng rác thải phát sinh dựa trên thống kê hoặc theo quy chuẩn hiện hành về lượng rác thải phát sinh bình quân đầu người và bình quân nhân khẩu của một hộ gia đình.
Chính sách thu phí rác theo khối lượng là bước đi cần thiết để nâng cao ý thức phân loại và giảm thiểu rác thải. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp thực tế, minh bạch và phù hợp với đa dạng hoàn cảnh sinh hoạt của người dân và quan trọng hơn cả, cần có sự đồng thuận và đồng hành từ chính người dân.