Người đàn ông Việt 66 tuổi phượt xe máy xuyên lục địa Á-Âu
Ở tuổi 66, ông Trần Lê Hùng vừa hoàn thành chuyến đi phượt xuyên lục địa Á-Âu, bất chấp những khó khăn bất chợt đeo bám suốt hành trình.
Ở ngưỡng lục tuần, nhiều người đã tự xem mình là già và chỉ muốn sống những ngày yên ả. Dù vậy, người đàn ông này lại không muốn một cuộc sống tự bó hẹp như thế. 66 tuổi, ông vẫn "bon bon" trên chiếc phân khối lớn, xuyên qua hơn 30 quốc gia và 40 vùng lãnh thổ tại lục địa Á-Âu, bất chấp những hiểm nguy rình rập...
Tôi gặp ông tại một quán cà phê nhỏ mà gia đình làm chủ trên phố Bà Triệu (Hà Nội). Lúc đó khoảng hơn 9h và ông vừa đi ăn sáng về. Bước xuống chiếc xe Honda 67 cũ kỹ, trông có vẻ đã chinh chiến "trên trời dưới biển" cùng chủ nhân, ông giới thiệu mình tên là Trần Lê Hùng, bạn bè thường gọi "Hùng 67".
Nói về chuyến đi được nhiều người ca ngợi của mình, ông Hùng thẳng thắn chia sẻ đây là hình thức tour. Tuy nhiên, tour này mang tính trải nghiệm và mạo hiểm cao hơn bình thường rất nhiều. Mọi thành viên trong đoàn đều phải tự di chuyển bằng phương tiện của mình theo lịch trình đã định sẵn. Khi được hỏi về mức giá của chuyến đi, ông Hùng chỉ lắc đầu cười: "Vấn đề tiền không quan trọng. Tuy nhiên, ít tiền thì không đi được tour này đâu".
Theo dự tính ban đầu, đoàn của ông Hùng sẽ xuất phát với 6 xe máy và 4 ôtô. Tuy nhiên, tới sát ngày, các thành viên cứ "rụng dần", chỉ còn trưởng đoàn, ông cùng 3 khách khác.
Chia sẻ với phóng viên, ông cho biết trước khi cưới vợ, ông cùng vợ vẫn thường cùng nhau đi phượt những buổi cuối tuần. Khi ông đã 60 tuổi, cả hai vẫn "chinh chiến" trên con xe cũ lên tới Đồng Văn (Hà Giang) để rồi nhận lấy những vết sẹo "to tướng" trên đầu gối. Đó là chưa kể tới lần ông đi phượt một mình từ Hà Nội vào mũi Cà Mau. Trước chuyến đi này, ông cũng từng phượt xe máy sang Lào...
Nhờ thế, vợ ông chấp nhận để chồng đi chuyến này dù đã 66 tuổi. Ông Hùng tâm sự điều tối quan trọng trước chuyến đi là sự ủng hộ từ hậu phương. Để có được điều đó, ông phải chứng mình từ các chuyến đi và mọi mặt trong cuộc sống.
Từng có quá nhiều kinh nghiệm "thực chiến", ông Hùng vẫn luôn tâm niệm phải biết sợ mới có thể đi. "Không biết không nên liều, dễ mất mạng lắm. Tôi luôn đặt câu hỏi đi để đến hay để trở về. Nếu chỉ để đến thì thân tàn ma dại cũng được, miễn đạt kết quả. Còn đi để về lại khác, mình có thể thất bại nhưng vẫn làm lại được. Kể cả không đến được đích cũng chẳng vấn đề", ông chia sẻ.
Chuyến đi lần này cũng làm ông đứng ngồi không yên. Việc "rụng người" đồng hành khiến tính rủi ro tăng lên nhiều hơn. Ông Hùng kể các đoàn phượt chuyên nghiệp thường có hẳn một xe y tế riêng. Đoàn lần này chỉ có một ôtô nên việc hỗ trợ nhau cũng khó hơn so với 4 chiếc như dự tính. Tuy nhiên, hợp đồng đã ký và "máu phượt" thôi thúc ông gạt qua nỗi lo để dấn thân vào hành trình gian truân phía trước.
"Phượt thủ già" tâm sự có nghề tay trái là nghệ nhân gò tranh đồng. Ông cho biết mình từng có tác phẩm đạt giải tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mang tên "Trái tim hòa bình".
Tuy nhiên, đó không phải nghề duy nhất của ông Hùng. Trước kia, ông từng theo nghiệp nhiếp ảnh từ năm 1973 và đi chụp ảnh đám cưới. Trong 3 năm, từ 1973-1976, ông được cử sang Liên Xô học về điều khiển tự động. Sau khi về nước, ông làm kỹ sư tại nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo cũ.
Cũng nhờ vốn kiến thức về cơ khí, ông bén duyên với xe cộ. "Tôi có thể sửa chữa xe máy ngon lành nhưng không phải thợ bình thường đâu mà là tầm 'master' rồi, còn đi dạy cho người khác. Trong chuyến đi này, tôi cũng mấy lần phải xắn tay áo lên sửa xe trong xưởng cùng thợ Tây. Nhiều vấn đề họ thậm chí chưa đủ năng lực để làm như mình", ông nói bằng giọng tự hào.
Ngày 2/7/2019, ông Hùng khởi hành từ Việt Nam qua Lào rồi đến Trung Quốc. Đây là tuyến đường chung của các biker khi muốn phượt ra nước ngoài. Từ đây, dân phượt có thể chọn những lịch trình theo ý thích, phù hợp với hành trình của mình.
Rời Trung Quốc, ông Hùng cùng đoàn tiến vào biên giới Kyrgyzstan, khi đó là khoảng cuối tháng 7. Chia sẻ với Zing.vn, phượt thủ lão làng thừa nhận sẽ chẳng thể nào quên kỷ niệm nhớ đời tại đất nước này. Trên đường chinh phục đèo Tossor cao bậc nhất Kyrgyzstan (4.000 m), đoàn phượt từ Việt Nam đã gặp khá nhiều rắc rối.
"Chuyến này đi hầu như chẳng đúng lịch trình. Tuy nhiên, với dân phượt như tôi, ăn đường ngủ chợ là điều rất bình thường. Đừng bao giờ nghĩ lúc nào cũng đến chỗ ăn ngon, nghỉ tốt", ông trả lời.
Ông Hùng kể tiếp: "Lúc ấy là hơn 2h, cả đoàn đã chạy suốt một ngày không nghỉ để trở về thành phố. Tuy nhiên, tôi đuối quá không đi nổi nữa nên đề nghị dừng lại, nghỉ tại đèo. Nếu đi tiếp, tôi chắc sẽ ngã xuống vực mà chết".
Ông dừng lại không có nghĩa cả đoàn phải chờ theo. Người đi ôtô vẫn còn sức và có thể đi tiếp. Tuy nhiên, họ tôn trọng quyết định của ông và anh Hà, trưởng đoàn quyết định ở lại cùng. Quỳnh Anh, "cánh tay phải" của anh Hà cùng vị khách còn lại (bạn của người đi ôtô), lên ôtô đi về thành phố tìm trợ giúp.
Trước khi đi, họ cùng nhau giúp ông dựng lều để ngủ qua đêm. Ông Hùng kể lúc đó toàn thân rã rời, mệt lả, quần áo sũng nước vì phải lội suối. Mặc hết quần áo khô lên người để tránh rét, ông chui vào lều và chỉ muốn đánh một giấc đến sáng. Tuy nhiên, thời tiết âm chục độ C trên đèo khiến ông không thể ngủ.
"Gió rít quật mạnh đến nỗi chiếc lều như sắp bị thổi bay. Đến sáng dậy, nghe tiếng xe ôtô đến gần, tôi mới thở phào nhẹ nhõm", ông nói.
Khổ sở là vậy nhưng ông Hùng phải giữ kín với người nhà vì sợ họ lo lắng. Trước khi đi, ông cũng chỉ kể rõ lịch trình với vợ. Các con ông cũng biết bố mình sẽ đi khoảng 6 tháng nhưng không thể nào tưởng tượng viễn cảnh một người 66 tuổi phượt xuyên 2 lục địa như thế.
"Ông hay gọi về nhà nói chuyện với bà, vài ngày thì liên lạc cho các con. Ông toàn gửi bà ảnh đẹp trong chuyến đi và những chuyện vui mình đã trải qua. Việc hỏng xe ông cũng nói nhưng tuyệt đối không nhắc đến vấn đề bị thương hay ngã đau thế nào. Ông sợ bà và con cháu ở nhà phải lo lắng", chị Hằng, con dâu ông Hùng, chia sẻ.
Sự cố trên đèo Tossor không phải lần gian nan duy nhất ông phải đối mặt trong chuyến đi. Khi đoàn còn chưa đi được nửa đường, biến cố tiếp theo xảy ra. Tới Turkmenistan, hai khách còn lại ngỏ ý muốn đi qua biển Caspi thay vì đến Iran theo lịch trình ban đầu. Ông Hùng không chia sẻ lý do họ kiên quyết thay đổi giữa đường, chỉ biết đoàn chính thức mất thêm hai thành viên từ đây.
Việc không còn xe ôtô đi theo đoàn khiến chặng còn lại trở nên gian nan gấp bội. Ông Hùng thừa nhận mình đã sợ khi hai người kia tách đi riêng. Tuy nhiên, đó là lựa chọn của họ, còn với ông, chuyến đi này cần phải di chuyển xe máy 100%.
"Đi xe máy có cái thú riêng của nó. Gió thổi bên tai, mũi ngửi được hương vị của cảnh vật, mắt thả hồn tứ phía, tất cả đều cảm nhận sâu sắc hơn. Ngoài ra, đó cũng là vấn đề kinh tế. Việc gửi xe qua thuyền du lịch lớn để đi bằng đường biển sẽ kéo theo nhiều chi phí phát sinh", ông nói.
Khi vào đến Georgia, xe của người dẫn đoàn bị gãy đôi giảm xóc trên đèo. Ông Hùng chỉ ước khi ấy vẫn còn ôtô đi cùng đoàn sẽ đỡ cực hơn nhiều. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả ba người còn lại, mọi khó khăn cũng được gỡ bỏ. Đây cũng là lần ông Hùng khiến thợ Tây phải trầm trồ khi chế lại chiếc giảm xóc hỏng khó tìm để dùng tạm, chờ đồ mới thay.
Ngoài những lúc khó khăn, ông Hùng cũng có nhiều kỷ niệm hạnh phúc trong hành trình dài gần 6 tháng, ví dụ như khi trở lại trường xưa. Ông Hùng chia sẻ mình đã từng đến Nga hai lần nhưng không thể quay lại Georgia vì một số lý do.
Tuy nhiên, sau 44 năm, ông đã trở về mái nhà xưa trên chiếc xe máy đi từ Việt Nam. Đó là niềm tự hào khó tả hết. Khi trở về trường, cô giáo dạy tiếng Nga đầu tiên của ông Hùng đã qua đời vài năm. Nghe tin đó, người phượt thủ can trường bật khóc lúc nào chẳng hay.
Trường cũ giờ đã thay đổi nhiều, anh bảo vệ nhà máy luyện kim hiện nay chỉ là cậu nhóc lúc ông còn đi học. Ông bảo vẫn nhớ vì "thằng nhỏ hay sang khu ký túc xá người Việt chơi".
Chia sẻ với Zing.vn, phượt thủ 66 tuổi tiết lộ điều thú vị nhất khi trở lại trường là cảm giác phóng xe máy quanh xưởng thực tập xưa. Ông cũng từng có trải nghiệm tương tự ở quảng trường đỏ Moscow (Nga). Tuy nhiên, cảm giác đó thật khó để so sánh với khi được trở về mái nhà xưa của mình.
Ông kể điều làm mình ấm lòng nhất trên hành trình này chính là tình người. Tại Uzbekistan, phượt thủ này đã gặp người mà ông tự hứa "suốt đời không quên".
"Lúc ấy, anh này đang đứng bên đường vẫy taxi còn một xe trong đoàn chúng tôi bị hỏng. Sau khi nói chuyện, anh ấy đã bỏ dở việc của mình để đi 10 km tìm hàng sửa xe cùng chúng tôi. Dù không hiểu về chuyên môn, anh bạn này luôn đứng cạnh hỏi han xem có sửa được không, làm có tốt không? Khi trời đã tối, tôi đưa anh ấy trở lại con đường lúc sáng gặp nhau. Cảm ơn Thượng đế đã cho tôi gặp người tốt đến vậy", ông chia sẻ.
Ông Hùng nói mình không dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi suốt chuyến đi. Theo ông, đi xe đã là một sự thư giãn dành cho các biker. Tuy nhiên, ông luôn cố dành thời gian để đi trải nghiệm phở Việt ở các nước. Bát phở ông Hùng đánh giá ngon nhất là tại Ba Lan, do người bạn thân lâu năm không gặp nấu cho.
"Sau quãng đường 350 km không nghỉ, chỉ uống cốc trà nóng lúc mua xăng, hương vị của bát phở đã đưa tôi về Hà Nội".
Những cái đập tay "đẳng cấp" với người dân bên đường cũng khiến ông nhớ mãi. Ông hay nói đập tay phải có nghệ thuật vì di chuyển tốc độ cao, thò tay ra rất nguy hiểm.
Đôi khi, phượt thủ già còn chứng kiến cảnh người đi xe bị chó ở nhà dân ven đường chạy ra lùa. "Chúng nó ghét dân biker lắm. Tôi nghe bảo nhiều con hay chạy ra đường rồi bị đâm nên thấy xe đi qua chúng nó phải cố cắn bằng được", ông cười lớn và lại hồi tưởng về những ngày ngang dọc khắp chốn ấy...
Tối 19/12, ngót nghét 6 tháng sau khi rời Hà Nội, ông Hùng đỗ chiếc xe CBX500 trước cửa nhà. Sau phút hàn huyên trong vòng tay của gia đình, ông bước tới bên chiếc Honda 67 để kể nó nghe về chiến tích của "đệ tử" CBX500. Hít một hơi thật dài, điều duy nhất trong đầu ông khi ấy là "Thôi, an toàn rồi".
Ông kể dù đã tới sát biên giới Lào, trong lòng vẫn thấy lo ngay ngáy. Bởi chỉ một sơ suất xảy ra, chuyến đi tưởng thành công cũng hóa đổ bể. Người đàn ông này vẫn luôn khắc cốt ghi tâm tôn chỉ do mình đặt ra: "Đi không phải để đến, mà để trở về với người thân yêu".
Khung cảnh ngày ông về đến cửa nhà vẫn còn in sâu mãi trong tâm trí con cháu. Chỉ mới nghe thấy tiếng xe ông, chị Hằng cùng chồng và các con đã bỏ mọi công việc đang làm để chạy ra đón "người hùng" của gia đình trở về sau hành trình kéo dài tới nửa năm.
"Vui lắm chứ, cảm xúc chẳng biết phải nói bằng lời thế nào. Chúng tôi ở sát ngay bên nhà ông bà nên mới thấy ông về. Dù vậy, hôm ấy bà lại có việc đi xa nên sang ngày hôm sau mới được gặp ông", chị Hằng nói.
Chuyến đi của phượt thủ già đã tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng mạng, đặc biệt là với những người ưa xê dịch. Nhiều ý kiến cho rằng ông Hùng đã tạo nên một điều phi thường mà hiếm người có thể làm được ở tuổi "thất thập".
"Tôi không cho mình là anh hùng. Tôi không có nhu cầu nổi tiếng. Nhưng tôi đồng ý với việc bạn bè ca ngợi chuyến đi của mình. Điều đó có nghĩa nó đem lại những ý nghĩa thật sự chứ chẳng phải chuyện lăng nhăng", ông nói.
Sau những tháng ngày bôn ba đất khách, ăn đường, ngủ đèo... ông Hùng trở lại với nhịp sống thường nhật. Ông cho biết lúc này mình không có dự định gì thêm vì còn phải quay lại kiếm tiền, tiếp tục sinh sống. "Đầu tiên vẫn là tiền đâu mà", ông cười sảng khoái...