Người dân ở vị trí trung tâm trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai: Bài 5: 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng'

Ảnh: ĐỖ DUY THỂ - ĐOÀN THANH LONG - CAO TUẤN - PHẠM TÙNG

Ảnh: ĐỖ DUY THỂ - ĐOÀN THANH LONG - CAO TUẤN - PHẠM TÙNG

Khái niệm “người dân” bao hàm tất cả, từ doanh nghiệp, chuyên gia, trí thức đến anh shipper, chị công nhân hay những người lao động tự do bình thường trong cuộc sống. Có thể người dân sẽ hiểu ít hoặc nhiều về nội dung Quy hoạch tỉnh - văn bản pháp lý quy mô, công phu có vai trò làm nền tảng cho sự phát triển của địa phương suốt một thời kỳ dài. Có thể người dân cũng không nắm hết các thông tin, chi tiết, số liệu. Tuy nhiên, chính từ bản quy hoạch đó, những con đường rộng rãi, những đô thị đủ tiện nghi, những ngôi trường khang trang, công viên cây xanh xanh mát, bệnh viện hiện đại bề thế… sẽ mọc lên, và người dân sẽ hưởng thụ thành quả đó.

Hơn thế nữa, khi các thiết chế đủ lớn, cơ hội học tập, cơ hội việc làm, cơ hội hợp tác đầu tư lớn nhỏ sẽ mở ra cho tất cả. Đó chính là mục tiêu lớn nhất của Đồng Nai trong 5 năm, 10 năm, 20 năm và thậm chí là 30 năm tới - ngay từ khi những nét vẽ đầu tiên của Quy hoạch tỉnh mới thành hình.

Và “dân biết - dân bàn - dân làm - dân thụ hưởng” cũng là thông điệp quan trọng nhất mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi đến lãnh đạo, nhân dân Đồng Nai trong buổi lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa mới diễn ra.

Sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được công bố, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh kỳ vọng kinh tế phát triển nhanh, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, người dân cũng trông đợi các dịch vụ về y tế, giáo dục, công trình công cộng… sẽ được cải thiện tốt hơn.

Dự kiến đến năm 2030, dân số của Đồng Nai sẽ giao động từ 4-4,2 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với thời điểm hiện nay. Theo đó, nhu cầu về việc làm, nhà ở, y tế, giáo dục, công trình công cộng cũng tăng cao. Đồng thời, nhiều cơ sở sản xuất, người dân còn quan tâm đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đào tạo việc làm.

“Tôi mong muốn khi triển khai quy hoạch tỉnh vào thực tế từng địa phương sẽ gắn với phát triển các thiết chế xã hội, đầu tư nhiều hơn nữa cho các lĩnh vực: giáo dục, y tế, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, các địa phương vùng xa như huyện Tân Phú. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân nhằm rút ngắn “khoảng cách” giữa thành thị và nông thôn.

Đồng thời, tôi cũng kỳ vọng địa phương sẽ tiếp tục tăng cường các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội đặc biệt là các chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và người khó khăn. Phát triển quy hoạch tỉnh còn phải gắn với thúc đẩy chuyển đổi số, đưa khoa học công nghệ về với bà con nhân dân, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó, việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cần đi đôi với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc địa phương.

“Đồng Nai nói chung và Định Quán nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển, khai thác sản phẩm, tour du lịch chất lượng cao, du lịch thể thao, mạo hiểm… Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới trong phát triển quy hoạch tỉnh sẽ có nhiều điểm nhấn trong việc đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ về du lịch. Qua đó, đón đầu, chuẩn bị cho ngành du lịch “cất cánh” cùng Sân bay Long Thành, sẵn sàng thu hút du khách trong nước và quốc tế khi hạ tầng giao thông được phát triển, mở rộng…

Bên cạnh đó, việc chuyên nghiệp hóa các loại hình du lịch cũng cần được quan tâm, chuẩn bị để góp phần mang lại hình ảnh mới, giá trị mới về du lịch cho Định Quán nói riêng và Đồng Nai nói chung. Đặc biệt, công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp để phát triển các loại hình du lịch chất lượng cao không những giúp cho du khách sẽ có thêm nhiều lựa chọn tham quan, du lịch mà còn truyền tải đến du khách những nét đặc sắc, tươi mới của những điểm đến, sản phẩm du lịch trên địa bàn”.

“Gắn với xây dựng nông thôn mới, các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư hoàn thiện về hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn về tận cánh đồng. Nhờ đó, người dân thuận lợi hơn rất nhiều cả trong sinh hoạt và phát triển sản xuất, nhất là hoạt động kinh doanh nông sản.

Chính quyền tỉnh và địa phương đều rất quan tâm, có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo chuỗi liên kết, đáp ứng tốt thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, các hợp tác xã, nông dân sẽ tiếp cận được chứng nhận VietGAP, đạt nhiều sao OCOP, xây dựng được vùng trồng xuất khẩu...

Hiện nhiều đối tác đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm nông nghiệp để cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Nhiều nông dân cũng mong muốn đầu tư sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho thị trường xuất khẩu nên rất mong tiếp cận được các nguồn vốn vay hỗ trợ”

“Hiện nay, thiếu trường, thiếu lớp đang là vấn đề nan giải, cần xử lý sớm. Nhất là các phường đông dân như “siêu phường” Long Bình với hơn 130 ngàn dân thì tình trạng thiếu trường từ cấp tiểu học đến THPT đã và vẫn đang tồn tại từ nhiều năm nay. Ngay cả dự án xây dựng Trường tiểu học Long Bình 1 để giảm tải cho Trường tiểu học Phan Đình Phùng, tôi thấy rất nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện được. Hiện tại, nhà trường vẫn phải đi mượn phòng học cho học sinh khối 4, khối 5 học và phụ huynh phải đóng thêm tiền thuê xe đưa rước cho con đi học, khá bất tiện và tốn kém.

Cả phường Long Bình với hơn 130 ngàn dân nhưng không có bất cứ ngôi THPT nào. Do đó, nhiều người dân mong ngóng tỉnh sẽ đầu tư xây dựng thêm trường học. Bởi vì, những năm gần đây, “cuộc đua” vào lớp 10 trường công luôn khá căng thẳng khi trường không “nở thêm” còn số học sinh lại tăng. Do vậy, tôi mong với quy hoạch tỉnh sắp tới, riêng thành phố Biên Hòa cần có quy hoạch rõ ràng về hệ thống trường lớp; xây dựng đủ trường học để học sinh có nơi học, phụ huynh an tâm làm việc. Ngoài ra, những dự án không có tính khả thi, quá thời hạn cần phải xóa bỏ hoàn toàn, để cấp sổ đỏ cho dân để an cư lâp, tránh tình trạng dự án treo hàng chục năm vừa lãng phí, vừa khiến người dân bất an”.

“Dân số thành phố Biên Hòa những năm gần đây tăng cao, theo đó, nhiều công trình hạ tầng bị quá tải. Đặc biệt là hệ thống đường giao thông của thành phố ngày càng chật chội, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Những trục đường chính nhỏ hẹp, luôn trong tình trạng kẹt xe, ùn tắc gây ảnh hưởng rất lớn cho người dân trong việc di chuyển.

Do đó, tôi mong muốn, trong lần quy hoạch tỉnh tới mở thêm những con đường lớn, triển khai dự án đường liên phường đã có từ lâu. Đi đôi với mở rộng đường là hệ thống cấp thoát nước để tránh bị ngập úng cục bộ vào mùa mưa”.

“Đối với việc chính phủ phê duyệt Quy hoạch của tỉnh Đồng Nai, thì tôi thấy đây chính là chìa khóa để tỉnh Đồng Nai cất cánh trong thời gian tới. Đặc biệt là hiện nay tôi thấy hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của một tỉnh năng động như Đồng Nai.

Do đó, chúng tôi rất mong muốn, Quy hoạch tỉnh sẽ tập trung vào việc phát triển hạ tầng giao thông, ngoài các dự án của Trung ương thì tỉnh cần quy hoạch thêm nhiều tuyến đường để tăng tính kết nối giữa các địa phương, các khu công nghiệp với nhau. Tôi nghĩ chỉ cần hạ tầng giao thông của tỉnh được phát triển, khơi thông thì Đồng Nai sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: PHẠM TÙNG

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: PHẠM TÙNG

“Tôi thấy việc triển khai xây dựng Sân bay Long Thành mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho người dân huyện Long Thành và cả tỉnh Đồng Nai. Tôi nghĩ đây chính là thời cơ nhưng cũng là thách thức rất lớn cho lực lượng lao động tại địa phương, vì để sân bay có thể vận hành sẽ cần lực lượng lao động có trình độ, có tay nghề và cả ngoại ngữ.

Việc đào tạo nghề sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuẩn bị nhân lực để vận hành sân bay. Theo tôi biết thì trên địa bàn huyện Long Thành đã có Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 tổ chức đào tạo các nghề kỹ thuật cho phục vụ cho Sân bay Long Thành, nhưng tôi thấy cần mở rộng thêm nhiều ngành nghề hơn nữa để có thể đáp ứng được nhu cầu lao động khi sân bay đi vào hoạt động”.

“Mong địa phương khi thực hiện quy hoạch cần có tầm nhìn xa, nhất là về quy hoạch trường lớp cho học sinh, về cơ sở khám chữa bệnh như: trạm y tế, bệnh viện và đặc biệt là phải có quy hoạch khu vực nghĩa trang cho người dân.

Hiện tại, nơi ăn chốn ở của người dân được Đảng và Nhà nước thực hiện rất tốt nhưng hệ thống trường lớp ở huyện Nhơn Trạch nói chung và tại thị trấn Hiệp Phước nói riêng đang có dấu hiệu quá tải, hầu như sĩ số các lớp đều trên 45 học sinh.

Về lĩnh vực y tế, các điểm khám, chữa bệnh cho người dân cũng cần có quỹ đất dự phòng cho những năm tới. Người dân chúng tôi cũng rất mong mỏi tỉnh, huyện có quy hoạch khu vực nghĩa trang để phục vụ nhu cầu an táng, vì theo tôi biết thì nghĩa trang tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch đã quá tải, đất dành cho việc chôn cất đang thu hẹp dần”.

“Khi biết huyện Nhơn Trạch được Chính phủ và tỉnh quy hoạch theo hướng phát triển lên đô thị, người dân chúng tôi rất mừng nhưng nhiều năm nay, dáng vóc một đô thị tôi thấy vẫn chưa thật sự rõ nét, nhiều dự án khu dân cư, nhà cao tầng đã có chủ đầu tư nhưng chưa triển khai xây dựng.

Chính vì vậy tỉnh Đồng Nai khi thực hiện quy hoạch cần rà soát lại những dự án dân cư nhiều năm chậm triển khai có kế hoạch thu hồi hoặc điều chỉnh quy hoạch dành quỹ đất cho các công trình công cộng, các trung tâm thương mại thì tôi nghĩ sẽ tạo được cho huyện Nhơn Trạch diện mạo mới của một đô thị rõ nét hơn”.

Một công trình trường học tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn được đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu của người dân vùng Dự án Sân bay Long Thành khi chuyển đến nơi ở mới. Ảnh PHẠM TÙNG

Một công trình trường học tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn được đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu của người dân vùng Dự án Sân bay Long Thành khi chuyển đến nơi ở mới. Ảnh PHẠM TÙNG

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/audio/202409/nguoi-dan-o-vi-tri-trung-tam-trong-quy-hoach-tinh-dong-nai-dan-biet-dan-ban-dan-lam-dan-thu-huong-0b046c9/