Người dân khổ vì dự án treo
Hơn 10 năm nay, nhiều hộ dân ở xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) khổ vì dự án 'treo'. Mọi quyền lợi về thửa đất của người dân trong vùng dự án bị hạn chế; hạ tầng kỹ thuật không được đầu tư nên họ chịu nhiều thiếu thốn.
Khu liên hợp Công nông nghiệp ở H.Xuân Lộc được quy hoạch thành 4 phân khu: 3A, 3B, 3C và 3D có tổng diện tích gần 1,9 ngàn ha. Dự án nằm trên địa bàn các xã: Xuân Tâm, Xuân Thành, Xuân Hưng và Xuân Bắc.
* Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng
Dự án Khu liên hợp Công nông nghiệp có 2 phân khu 3B và 3C nằm trên địa bàn xã Xuân Tâm với diện tích hơn 1,1 ngàn ha. Trong đó, chủ dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng được gần 570ha. Phần diện tích còn lại chưa thu hồi đất có hơn 350 hộ dân đang sinh sống. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, việc bồi thường giải phóng mặt bằng không được triển khai nên người dân sống trong vùng dự án phải chịu nhiều thiệt thòi. Cụ thể, đất không thể sang nhượng, khó chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhà cửa xuống cấp không thể sửa chữa, xây mới, không được chia tách cho người thân…
Bà Phạm Thị Thu Ba (ngụ ấp 1) kể: “Dự án đã “treo” hơn 10 năm khiến gia đình tôi rất khó khăn, vì hơn 6ha đất ở trong dự án nên không thể chuyển đổi qua trồng những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Vì nằm trong vùng dự án nên hạ tầng kỹ thuật không được đầu tư, khiến hàng trăm hộ dân vùng này chịu cảnh đường sá xuống cấp, thiếu điện, nước sạch để sử dụng. Đến nay, chúng tôi vẫn phải sử dụng nước suối vào mùa mưa, mùa khô dùng giếng khoan nhưng nước bị phèn rất nặng”. Cũng theo bà Ba, năm nay bà đã 66 tuổi, không biết đến khi nào mới thoát khỏi cảnh dự án “treo” để bớt khổ.
4 phân khu của dự án
Dự án chia làm 4 phân khu gồm: khu chăn nuôi tập trung (phân khu 3A) tại xã Xuân Thành, có diện tích khoảng 188,5ha; khu trồng trọt - chăn nuôi tập trung (phân khu 3B) tại xã Xuân Tâm, diện tích hơn 500ha; khu trồng trọt - chế biến thực phẩm (phân khu 3C) tại các xã Xuân Tâm - Xuân Hưng gần 688ha; khu nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao Thọ Vực (phân khu 3D) tại xã Xuân Bắc, có diện tích 522ha.
Các hộ dân trong vùng dự án chỉ có mong muốn, nếu chủ đầu tư thực hiện dự án thì triển khai nhanh, bồi thường và tái định cư cho người dân để họ có thể đến nơi ở mới ổn định cuộc sống; dự án không triển khai tiếp thì thu hồi trả lại các quyền lợi trên thửa đất của người dân và họ có thể tiến hành làm hạ tầng kỹ thuật, nhà ở.
Ông Trần Văn Hùng (ngụ ấp 1) bùi ngùi chia sẻ: “Từ năm 2011, hơn 5ha đất của gia đình tôi đã được áp giá và có thông báo thu hồi. Lúc đó, tôi rất mừng, chỉ đợi nhận tiền bồi thường sẽ đến nơi khác mua đất làm nhà và an cư. Thế nhưng, đợi đến nay đã hơn 10 năm trôi qua mà dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Mấy năm trước, vợ tôi bệnh nặng, gia đình không có tiền, muốn bán bớt đất để lấy tiền chạy chữa, nhưng đất đã có thông báo thu hồi không được sang nhượng. Do thiếu tiền chữa bệnh nên vợ tôi đã qua đời sớm. Giá như lúc đó không vướng quy hoạch dự án, bán được đất có thể cứu được bà ấy sống thêm một thời gian”.
* Khi nào dự án hết “treo”?
Đó là câu hỏi mà hàng trăm hộ dân trong khu vực dự án đặt ra với chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Hầu hết người dân đều ủng hộ việc triển khai dự án và chỉ có mong muốn là dự án triển khai nhanh, bồi thường thỏa đáng hoặc nếu không thực hiện nữa thì hủy dự án.
Phó chủ tịch UBND xã Xuân Tâm Phan Văn Hải cho biết: “Nhiều năm nay, mỗi khi tiếp xúc cử tri người dân đều kiến nghị về dự án và yêu cầu phải sớm có hướng giải quyết cụ thể. Từ năm 2009 đến nay, người dân trong vùng dự án không thể sang nhượng, tặng cho đất hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên rất khó khăn. Nếu đất đai không thuộc dự án, người dân sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, thay vì chỉ trồng điều, tràm như hiện nay”.
Dự án Khu liên hợp Công nông nghiệp chủ đầu tư là Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai. Sở dĩ dự án kéo dài nhiều năm là do vướng ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, giai đoạn 2011-2013, giá đất bồi thường tại thời điểm đó cao hơn giá bên ngoài người dân sang nhượng với nhau. Do đó, chủ đầu tư tính toán nếu thu hồi đất và bồi thường với giá đó, sau khi làm hạ tầng kỹ thuật sẽ khó tìm nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Còn phần diện tích đã thu hồi lại nằm rải rác, không liền khoảnh nên chủ đầu tư không thể tiến hành xây dựng được.
Mới đây, trong đợt giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai cho biết: “Năm 2018, Tổng công ty đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh hủy bỏ khu vực 3B, 3C và thu hồi lại hơn 500ha đất công vì hoạt động không hiệu quả, đất bồi thường da beo, không thể triển khai dự án”.
Thế nhưng, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, khu vực trên vẫn được quy hoạch dự án Khu liên hợp Công nông nghiệp nên nhiều người dân vẫn mòn mỏi đợi vì đi không được, ở thì khó khăn.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202210/nguoi-dan-kho-vi-du-an-treo-3140153/