Ngư dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị chặn đường mưu sinh vì cửa biển hẹp
Từ trước Tết Giáp Thìn 2024 đến nay, việc ra khơi đánh bắt của hàng ngàn ngư dân ven biển xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục gặp trở ngại do tình trạng bồi lấp chưa có dấu hiệu dừng lại tại cửa biển khu vực Bến Lội- Bình Châu.
Cửa biển chặn đường mưu sinh
Hiện nay, hàng ngàn ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu lo lắng trước tình trạng bồi lấp cửa biển khu vực Bến Lội- Bình Châu. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng chưa bao giờ nghiêm trọng như hiện nay.
Khi nước cạn, khu vực này hình thành một dãy gò cát cao, có thể đi bộ qua. Các tàu cá có công xuất lớn hơn 200 mã lực không thể ra vào, còn những tàu công xuất nhỏ, đánh bắt gần bờ thì chờ thủy triều lên mới có thể thoát qua cửa.
Ông Nguyễn Văn Nhật, ngụ ở xã Bình Châu cho biết, từ tháng 10 âm lịch năm 2023 đến nay, tàu cá hành nghề lưới rập (tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ - PV) của gia đình ông không thể ra khơi thuận lợi vì cửa biển bị bồi lấp. Nếu như những năm trước, thời điểm này mỗi tháng ông Nhật có thể ra khơi đánh bắt từ 10-12 chuyến, nay thì khác chỉ còn 5-7 chuyến, ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của gia đình.
Những ngày này ông Nhật không biết phải làm gì, chiếc ghe là cả tài sản nên không dám mạo hiểm, nếu ra khơi thời điểm này vướng vào đá hay sóng đánh chìm thì coi như mất trắng, hết đường mưu sinh. Muốn ra khơi thì phải canh thời điểm nước lớn, tuy nhiên cũng có rủi ro: "Cửa biển cạn quá bắt buộc sóng ngã đầu, nhưng đi sát vào đá rất nguy hiểm, nếu đi sát đá quá chỉ cần có sóng là đưa cả chiếc ghe vào đá luôn, bữa giờ chìm ghe nhiều lắm. Trước đây đi ra khơi sao cũng được, cứ đi thẳng là được, nay luồng cạn kèm với sóng to là đánh tàu chìm liền. Tàu nhỏ thì còn canh nước ra được, chứ tàu đánh bắt xa bờ thì đi rất nguy hiểm, xuồng ghe chìm hoài thôi".
Bà Trần Thị Mạnh, chủ phương tiện đánh bắt xa bờ ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc chia sẻ, tàu cá công suất lớn nên càng không dám mạo hiểm ra khơi thời điểm này. Trong khi đó, tàu nằm bờ thì hàng ngày vẫn phải trả lương cho bạn thuyền. Nếu kéo dài tình trạng này thì khoản nợ ngân hàng sẽ khó có khả năng chi trả, gia đình bà Mạnh đang rất khó khăn: "Mấy cái ghe công suất nhỏ thì đi được, còn những tàu đánh bắt xa bờ, dài mấy chục mét thì đâu thể ra khơi, tàu đánh bắt về bờ cũng sợ vào cửa biển này. Nhà nước cần có giải pháp mở rộng cửa biển cho dân đi đánh bắt, vì một chuyến biển chi phí gần 200 triệu đồng, cùng với 9 lao động trên tàu không biết phải ra sao. Mùa này thì lúc nào cửa cũng cạn, nước lớn thì đỡ hơn".
Giải pháp nào mở cửa biển cho dân?
Theo UBND xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chính quyền đã nắm được thông tin người dân phản ánh về cửa biển liên tục bị bồi lấp tại khu vực Bến Lội – Bình Châu.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, để tạo điều kiện cho ngư dân thuận lợi ra vào cửa biển, trước mắt huyện Xuyên Mộc đã bố trí nhiều sà lan đến hút cát, phá luồng, mở lối cho tàu cá ra khơi. Thế nhưng, chỉ vài ngày, tình trạng bồi lấp lại tiếp diễn.
UBND huyện Xuyên Mộc đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho chủ trương lập dự án nạo vét, khơi thông cửa ra vào và chỉnh trị đê chắn sóng tại khu Bến Lội- Bình Châu. Đây là biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất hiện tượng bồi lắng, để tàu cá ra vào an toàn, tránh thiệt hại lớn cho ngư dân và ảnh hưởng đến kinh tế của địa phương.
Theo bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, nạo vét chỉ là biện pháp khẩn cấp ban đầu. Nếu không có giải pháp lâu dài, hàng ngàn ngư dân sẽ rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí mất đi nguồn sinh kế.
Bà Đài cho biết UBND huyện đã chỉ đạo Ban quản lý dự án huyện liên hệ, làm việc với Trường Đại học Thủy Lợi - TP.HCM để được tư vấn về chuyên môn trong việc chỉnh trị dòng. Trong quá trình nghiên cứu, lập dự án UBND huyện sẽ mời những ngư dân có kinh nghiệm bám biển cùng tham gia để có những ý kiến đóng góp, đưa ra một dự án khả thi nhất: "Việc nạo vét khẩn cấp chỉ đơn giản làm thông dòng để tàu thuyền ra vào, mà không tính đến việc tái diễn hiện tượng bồi lấp. Huyện đã chỉ đạo Ban quản lý dự án làm việc với Trường Đại học Thủy lợi – TPHCM là nơi có kinh nghiệm, nghiên cứu chính xác về chuyên môn trong việc chỉnh trị dòng để triển khai dự án. Từ đó chúng ta sẽ có một dự án tốt, chất lượng nhưng không lãng phí nguồn lực mà đáp ứng được mong mỏi của ngư dân".
Hàng ngàn người dân và phương tiện tại khu neo đậu Bến Lội- Bình Châu đang mong chờ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sớm đưa dự án vào triển khai, để họ có thể yên tâm trở lại với nghề, bám biển giữ ngư trường.