Ngồi nhà làm thủ tục bảo hiểm xã hội để nhận gói an sinh lần 2
Nhiều địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 để phòng chống dịch COVID-19, người dân được yêu cầu hạn chế ra đường. Để kịp thời hỗ trợ người lao động (LĐ) và doanh nghiệp (DN) làm thủ tục xác nhận tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) để nhận hỗ trợ từ gói an sinh lần 2, BHXH Việt Nam đã áp dụng nhận và giải quyết trực tuyến những thủ tục này.
Tóm tắt quy trình thực hiện 5 dịch vụ công trực tuyến về BHXH trên Cổng dịch vụ công quốc gia để nhận hỗ trợ từ gói an sinh lần 2.
Hàng triệu LĐ đã được hỗ trợ
Gói hỗ trợ người LĐ và DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết 68 Chính phủ và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng (gói an sinh lần 2 trị giá 26.000 tỷ đồng), đa số chính sách hỗ trợ cần xác nhận về đóng BHXH.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính tới ngày 5/8, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 184 DN đang sử dụng trên 23.600 LĐ tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất, với số tiền tạm dừng trên 150 tỷ đồng, tại 28 địa phương. Cơ quan BHXH tại 59/63 địa phương cũng xác nhận danh sách hơn 209.400 LĐ của trên 12.200 DN để hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã thực hiện xong thủ tục giảm đóng về 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp cho 375.000 DN đang sử dụng trên 11,2 triệu LĐ, tổng số tiền giảm khoảng 4.322 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả trên, đặc biệt trong bối cảnh nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội, BHXH Việt Nam đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp thủ tục trực tuyến, giảm thủ tục và thời gian giải quyết... Với sự linh hoạt đó của ngành BHXH, người LĐ, DN chỉ cần ngồi nhà vẫn có thể thực hiện các thủ tục với cơ quan BHXH để hưởng chính sách hỗ trợ từ nhà nước.
BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ bổ sung chức năng về chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của gói an sinh lần 2. Các chức năng mới bổ sung như: Quản lý đơn vị giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp; Xác nhận danh sách người LĐ tham gia BHXH để hưởng các chính sách hỗ trợ về nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng, mất việc làm; Quản lý đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Chuyển kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ DN đào tạo lại LĐ để duy trì việc làm...
Thêm 6 thủ tục trực tuyến
Theo BHXH Việt Nam, cơ quan này đã cung cấp 6 dịch vụ công của gói an sinh lần 2 trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam (dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) gồm: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ DN đào tạo lại LĐ để duy trì việc làm; hỗ trợ LĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; hỗ trợ LĐ ngừng việc; hỗ trợ DN vay vốn để trả lương; Giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan để kết nối, tích hợp cung cấp 5/7 dịch vụ trực truyến trong gói an sinh lần 2 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các dịch vụ được cung cấp gồm: Hỗ trợ LĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, mất việc làm; hỗ trợ DN vay vốn để trả lương; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất...
Để sử dụng các dịch vụ này, người LĐ và DN đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia, tới mục “Hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” và làm theo hướng dẫn. Sau khi hoàn thành kê khai và nộp hồ sơ trực tuyến, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ chuyển dữ liệu đến cơ quan BHXH xác nhận. Sau đó BHXH gửi lại xác nhận để Cổng dịch vụ công quốc gia chuyển hồ sơ trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả.
Ngoài các giải pháp trên, thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng tích cực phối hợp các bộ ngành, địa phương trong phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, cơ quan BHXH đã chia sẻ dữ liệu bảo hiểm để các địa phương sử dụng trong phòng chống dịch, như lập danh sách xét nghiệm, truy vết, tiêm vắc-xin...
Lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục gói an sinh lần 2 góp phần đưa chính sách nhanh nhất tới người thụ hưởng. Đồng thời, cách làm này cũng đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, không trùng lặp và ngăn trục lợi chính sách. Việc làm thủ tục trực tuyến cũng giúp giảm việc đi lại, tiếp xúc của người dân, DN với cơ quan BHXH, qua đó hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh.
Theo BHXH Việt Nam, tới ngày 5/8, cơ quan BHXH tại 59/63 địa phương đã xác nhận danh sách hơn 209.400 LĐ của trên 12.200 đơn vị để hưởng các chính sách hỗ trợ từ gói an sinh lần 2. Trong đó có trên 134.900 LĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; gần 8.800 LĐ ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người từ ngân sách nhà nước; trên 22.600 LĐ ngừng việc của 242 đơn vị để làm thủ tục vay vốn ưu đãi trả lương ngừng việc; trên 31.700 LĐ của của 104 đơn vị để vay vốn trả lương phục hồi sản xuất; hơn 11.300 LĐ của 96 đơn vị thuộc các lĩnh vực dịch vụ như vận tải, hàng không, du lịch, lưu trú, xuất khẩu LĐ được xác nhận để vay vốn trả lương phục hồi sản xuất.