Trung tâm Phát triển Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hiện còn trưng bày, bảo tồn hơn 500 hiện vật tái hiện sinh động cuộc sống, phương thức lao động sản xuất, sinh hoạt của người nông dân ở các tỉnh vùng Bắc Trung bộ thời xưa.
Nổi bật trong khuôn viên trung tâm là 3 ngôi nhà gỗ được thiết kế theo kiểu truyền thống nông thôn xưa, mái lợp tranh và ngói.
Trong đó có một ngôi nhà trên 200 năm tuổi, một ngôi nhà biểu trưng cho gia đình nông thôn khá giả, một nhà biểu trưng cho gia đình nông thôn tầm trung với mái lợp tranh, nền đất, tường vách phên nứa…
Bên trong mỗi căn nhà này trưng bày, bảo tồn các hiện vật vẫn còn nguyên vẹn, chủ yếu là những nông cụ ngành nghề cổ truyền tái hiện sinh động cuộc sống, phương thức lao động sản xuất, sinh hoạt của người nông dân.
Ở một gian khác trưng bày khoảng 70 bức ảnh chân dung danh nhân Nghệ An - Hà Tĩnh xưa và 150 bức ảnh do nhiếp ảnh gia người Pháp chụp từ những năm 1980-1993, phản ánh cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người nông dân xưa.
Tất cả hiện vật được trưng bày tại đây phong phú, đa dạng về loại hình, trong đó điển hình như vọng chọng, vọng tre, áo tơi, áo nảy, cối xay lúa, cối giã gạo bằng gỗ...
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm Trung tâm phát triển Hương Bình đã thu hút nhiều đoàn du khách đặc biệt là học sinh, sinh viên từ khắp các vùng miền trong nước đến tham quan, nghiên cứu.
Ông Đặng Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Hương Bình - cho biết trước đây Trung tâm phát triển Hương Bình đã được UBND tỉnh đầu tư, tu bổ và xây dựng tái tạo thêm các khu vườn trong khuôn viên để quảng bá du lịch. Tuy nhiên thời gian gần đây do thiếu sự đầu tư nên chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Nhằm phát huy giá trị văn hóa của khu bảo tồn, Trung tâm đang tiếp tục sưu tầm, bảo trì, bảo dưỡng các hiện vật đồng thời đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư hoặc hướng xử lý với mong muốn đây trở thành một điểm dừng chân lý thú và là địa chỉ giáo dục truyền thống cội nguồn cho thế hệ trẻ.
Hoài Nam