Ngoài Y tế, thí sinh theo học khối B có thể xét tuyển ngành nào khác?

Lựa chọn ngành học đang là điều được nhiều bạn trẻ và phụ huynh quan tâm trong khoảng thời gian này.

Khi nhắc đến nhóm ngành nghề tuyển sinh khối B, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ngành Y nhưng trên thực tế khối học này có thể xét tuyển vào rất nhiều ngành khác nhau.

Sau đây là gợi ý một số ngành nghề tuyển sinh khối B dễ xin việc sau khi ra trường, bạn tham khảo để lựa chọn phù hợp.

Khối B đang tuyển sinh nhiều ngành học. (Ảnh minh họa)

Khối B đang tuyển sinh nhiều ngành học. (Ảnh minh họa)

Sư phạm Sinh học

Sư phạm Sinh học được đánh giá là một trong những ngành nghề hot, luôn cần trong xã hội. Đồng thời, các trường đại học khối ngành sư phạm cũng là lựa chọn lý tưởng đối với thí sinh đang lo lắng về khoản học phí trong 4 năm đại học vì được miễn 100% học phí.

Bài viết trên web trường Đại học Đông Á, sinh viên ngành Sư phạm sau khi ra trường có cơ hội việc làm rộng mở. Nếu không lựa chọn giảng dạy tại các cơ sở công lập thì có thể xin vào giảng dạy tại cơ sở giáo dục tư nhân hay làm cán bộ quản lý giáo dục từ cấp địa phương cho đến trung ương.

Dưới đây là một số trường đại học đào tạo ngành Sư phạm Sinh học có chất lượng đào tạo tốt: trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Giáo Dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Sư phạm TP.HCM, trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Công nghệ thực phẩm

Công nghệ thực phẩm là ngành học chuyên về lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, kiểm tra, đánh giá chất lượng trong quá trình chế biến thực phẩm. Bạn có thể nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất - bảo quản, tạo ra nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm hay hóa học.

Theo bài viết trên web trường Đại học Lạc Hồng, sinh viên ngành học này khi mới ra trường, bắt đầu với các vị trí công việc cơ bản sẽ có mức lương khoảng 8 - 14 triệu đồng/tháng, tăng dần theo trình độ và kinh nghiệm.

Một số trường đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Nông - Lâm Huế, trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM, trường Đại học Trà Vinh.

Quản lý đất đai

Quản lý đất đai là ngành chịu trách nhiệm quản lý địa chất, xây dựng hồ sơ địa chính về đất đai ở nhiều nơi để phục vụ cấp sổ đỏ cho các tổ chức, cá nhân và gia đình.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày càng có nhiều dự án phát triển nông nghiệp và bất động sản triển khai trên khắp cả nước. Điều này tạo ra thị trường việc làm đa dạng cho những người học ngành Quản lý đất đai.

Do đó, hoạt động trong lĩnh vực Quản lý đất đai luôn là điều kiện thuận lợi để bạn có mức thu nhập hấp dẫn, trở thành người giàu có.

Thí sinh có thể tham khảo thêm thông tin tuyển sinh ngành Quản ký đất đai của một số trường như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, trường Đại học Nông - Lâm Huế, trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM, trường Đại học Nam Cần Thơ.

Chăn nuôi

Ngành Chăn nuôi đang được đánh giá là một trong những ngành nghề mang lại triển vọng nghề nghiệp tốt dành cho thí sinh theo học khối B. Tốt nghiệp ngành Chăn nuôi bạn có thể làm công việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi hay làm việc ở các trạm khuyến nông ở địa phương.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin, mức lương phổ biến của nhân viên ngành này dao động từ 10 - 15 triệu đồng/ tháng. Riêng với những người tham gia hoạt động kinh doanh về chăn nuôi, mức lương có thể lên tới 20 - 25 triệu đồng/ tháng.

Một số trường đại học tuyển sinh khối B ngành Chăn nuôi: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM, trường Đại học Kiên Giang, trường Đại học Cần Thơ.

Nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp vẫn luôn được xem là ngành chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Điều này mở ra cho sinh viên ngành học này nhiều cơ hội việc làm trong tương lai gần.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Nông nghiệp sau khi ra trường không hề bị bó gọn trong những vị trí công việc liên quan đến nông sản. Bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển vào vị trí quản trị phân phối, điều hành hoạt động vận tải để luân chuyển nông sản đến các điểm bán lẻ, đại lý.

Hiện các trường đại học ở nước ta chủ yếu sử dụng các tổ hợp môn thuộc khối B như B00, B01, B02, B08 để tuyển sinh ngành Nông nghiệp. Một số trường đang đào tạo ngành học trên: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, trường Đại học Nông - Lâm Huế, trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM, trường Đại học Cần Thơ.

Ngoài ra nếu đam mê về lĩnh vực Xây dựng hay Kinh tế, thí sinh khối B cũng có thể tham khảo thêm các ngành khác như: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cấp thoát nước, Kinh tế đầu tư, Quản lý dự án.

Anh Anh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ngoai-y-te-thi-sinh-theo-hoc-khoi-b-co-the-xet-tuyen-nganh-nao-khac-ar869680.html