Ngoại giao tâm công: Thế giới 'hiểu thì hiểu hơn, quý sẽ quý hơn'

Cùng trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Đặng Đình Quý, để hiểu hơn về mạch nguồn thông suốt ngoại giao tâm công trong đối ngoại Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế. Ảnh tư liệu.

Nội hàm về Ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh, theo Đại sứ, có thể cắt nghĩa như thế nào?

Ngoại giao tâm công là tranh thủ trái tim của đối tác. Cơ sở để thực hành ngoại giao tâm công là lịch sử, văn hóa, chính sách đối ngoại và năng lực của những người làm đối ngoại. Trong quan hệ quốc tế, nước nào cũng sử dụng ngoại giao tâm công nhưng mỗi nước một khác, mỗi người một khác. Đặc sắc của Ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh là Bác Hồ đã phát huy cao độ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, nền văn hóa yêu hòa bình, khoan dung, vị tha của dân tộc, chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu của đất nước bằng kiến thức, nhân cách của một danh nhân văn hóa.

Vì sao làm ngoại giao phải có được trái tim, sự thấu hiểu, có được lòng tin và năng lực cảm hóa lại quan trọng như vậy, trong cả xung đột và hòa bình, thưa Đại sứ?

Để tranh thủ được trái tim thì trước đó phải tranh thủ được khối óc. Người ta chỉ trao trái tim cho anh nếu họ thấy anh có thể hiểu được họ, xứng đáng để họ gửi lòng tin.

Do vậy, bên cạnh việc chia sẻ, thông cảm, anh còn cần phải có năng lực thuyết phục họ. Trong đối ngoại, bên cạnh việc phân biệt giữa nhân dân và chính phủ, giữa những lực lượng hiếu chiến và yêu chuộng hòa bình cùng một nước, Bác luôn phân biệt rõ hai mặt tích cực và tiêu cực trong cùng một con người, cùng một lực lượng, cố gắng khơi dậy những điều tốt đẹp trong trái tim của họ.

Nhiều quốc gia biết đến Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình và trong mọi diễn đàn, Việt Nam đều gửi đi thông điệp về đất nước hình chữ S từng kiên cường trong mưa bom, bão đạn, luôn thật tâm, nỗ lực hết mình vì hòa bình… Ngoại giao tâm công thành công và lan tỏa như thế nào, thưa Đại sứ?

Lịch sử hào hùng của dân tộc ta là vốn quý để chúng ta thực hiện ngoại giao tâm công. Nhân dân thế giới, nhất là nhân dân các nước châu Phi và Mỹ Latinh, vẫn ấn tượng sâu đậm về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn nhân dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Bởi vì sự hy sinh vô cùng lớn lao: “Ta vì ta, ba chục triệu người, cũng vì ba ngàn triệu trên đời” (Thơ Tố Hữu). Tuy nhiên, vốn quý đó được gìn giữ và tiếp tục lan tỏa thì cần có ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh. Khi có cảm tình thì người ta mới nhớ, khi thấy mình khiêm tốn, cầu thị thì họ mới trọng lịch sử của dân tộc mình.

Thưa Đại sứ, ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh đã được các thế hệ ngoại giao Việt Nam vận dụng và phát huy ra sao?

Các thế hệ tiền bối đã có cơ hội được phục vụ Bác trong công việc đối ngoại, đã học hỏi, noi gương Bác, phát huy ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh, tranh thủ bạn bè, thức tỉnh đối thủ, làm cho đối thủ cũng phải nể trọng.

Các thế hệ sau nỗ lực tiếp nối truyền thống ấy trong bối cảnh mới, đất nước đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng và khu vực và thế giới.

Đại sứ Đặng Đình Quý.

Là “thuyền trưởng” của Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) trong thời điểm Việt Nam đảm nhận vị trí quan trọng là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, khi chia sẻ về hai điều Đại sứ tâm đắc nhất để có được thành công của hành trình đó, Đại sứ đã từng nhấn mạnh điều đầu tiên là ngoại giao tâm công. “Ngọn hải đăng” ấy đã rọi sáng cho “con thuyền” của chúng ta và chính Đại sứ như thế nào?

Khi đảm nhiệm vị trí Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ, chúng tôi tâm niệm rằng: Mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta không phải số Nghị quyết, Tuyên bố Chủ tịch do chúng ta khởi xướng mà là tình cảm của các nước thành viên LHQ dành cho Việt Nam. Sau hai năm, nếu các nước bạn bè quý Việt Nam hơn, các nước lớn nể trọng Việt Nam hơn thì chúng ta thành công và ngược lại.

Theo đó, chúng ta đã làm một việc mà chưa nước nào làm là: mời các nước đang là “đối tượng theo dõi” của HĐBA đến nói cho chúng ta về những quan tâm của họ, những khó khăn của họ; trước khi HĐBA họp về nước nào, chúng ta đều tham vấn ý kiến của họ, họp xong thì thông tin và trao đổi lại với họ. Khi chúng ta kết thúc nhiệm kỳ, Đại sứ một số nước đã cám ơn vì Việt Nam là nước: “Luôn lắng nghe và thấu hiểu họ”.

Cuối cùng, thưa Đại sứ, ngoại giao tâm công, trong thế giới vạn biến, xung đột gia tăng như hiện nay, sẽ có ý nghĩa gì đối với ứng xử quốc tế của Việt Nam?

Thế giới có thế nào thì ngoại giao tâm công vẫn cần, vẫn là phương cách quan trọng. Ngoại giao tâm công để thế giới đã hiểu thì hiểu hơn, đã quý sẽ quý hơn.

Trong quan hệ quốc tế, các nước hợp tác hay đấu tranh đều dựa trên quan niệm về lợi ích và phương cách thực hiện lợi ích. Ngoại giao tâm công là phương cách để tác động tới quan niệm và phương cách của họ.

Mặt thuận của ta bây giờ là, cho dù thế giới có loạn lạc, bất ổn như thế nào chúng ta hoàn toàn có điều kiện để duy trì hòa bình, tránh bao vây, cấm vận. Nhưng chiến tranh càng lùi xa thì vốn lịch sử để làm ngoại giao tâm công càng giảm đi, chúng ta phải tạo ra nguồn vốn mới thông qua công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng đóng góp nhiều hơn cả về ý tưởng và nguồn lực vật chất cho công việc chung của khu vực và thế giới.

(thực hiện)

Phương Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-tam-cong-the-gioi-hieu-thi-hieu-hon-quy-se-quy-hon-254156.html