'Ngoại giao ẩm thực' trong cải thiện căng thẳng Mỹ - Trung

Tại các bữa tiệc chiêu đãi quan chức nước ngoài, việc đối tác ăn gì và như thế nào đã trở thành yếu tố quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm điểm chung của một mối quan hệ đầy thử thách. Thực tế về quan hệ Mỹ - Trung đã cho thấy điều đó.

Ngoại trưởng Antony Blinken cùng các quan chức Mỹ khác tại một nhà hàng ở Thượng Hải hôm 24-4-2024

“Người Trung Quốc rất tự hào về ẩm thực của họ” - bản ghi nhớ được chuẩn bị cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon trước chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 đã lưu ý như vậy. Bữa tiệc chiêu đãi ông Nixon do Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai chủ trì tại Bắc Kinh được phát sóng trực tiếp trên toàn thế giới, có vai trò quan trọng trong việc cải thiện mối thiện cảm của dư luận Mỹ với Trung Quốc khi đó.

Hơn nửa thế kỷ sau, ẩm thực lại góp phần khiến mối quan hệ Mỹ - Trung nồng ấm hơn. Với việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vừa kết thúc chuyến thăm thứ hai tới Trung Quốc trong vòng chưa đầy 1 năm, các bữa ăn đã nổi lên như một thành phần quan trọng trong việc ổn định mối quan hệ giữa hai nước, khi quan chức đôi bên tìm cách khai thác tiềm năng của “ngoại giao ẩm thực”. Chuyến thăm của bà Janet Yellen vào đầu tháng 4-2024 gây chú ý vì cách lựa chọn món ăn Trung Hoa. Tháng 7 năm ngoái, trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên, bà lựa chọn một nhà hàng Bắc Kinh chuyên phục vụ các món ăn từ tỉnh Vân Nam, bao gồm cả những loại nấm có thể gây ảo giác nếu nấu không đúng cách, khiến vị quan chức Mỹ này trở thành người được yêu thích trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Lần này, không chỉ lựa chọn món ăn Quảng Đông và Tứ Xuyên, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen còn sử dụng đũa thành thạo tại một nhà hàng nổi tiếng ở Quảng Châu, gợi nhớ đến kỹ năng dùng đũa ấn tượng của ông Nixon vào năm 1972. Tương tự, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng ăn ở các nhà hàng chính thống ở Thượng Hải và Bắc Kinh, thậm chí Đại sứ quán Mỹ còn chia sẻ đoạn clip ông khoe kỹ năng dùng đũa với một Vlogger ẩm thực nổi tiếng Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Nicholas Burns tại một nhà hàng bia Bắc Kinh ngày 8-4

Theo nhà sử học Thomas DuBois - giảng viên tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, mặc dù bà Yellen là người thích nếm các món ăn địa phương trong những chuyến đi vòng quanh nước Mỹ, nhưng việc làm này ở Trung Quốc lại mang tính biểu tượng rõ rệt. “Ở Trung Quốc, ẩm thực là ngôn ngữ ngoại giao và người Trung Quốc có quyền tự hào về văn hóa ẩm thực của họ. Bà Yellen biết rằng, cách ăn uống sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chuyến thăm của bà ấy” - ông DuBois nhận định. Nhà sử học này phân tích thêm: “Ăn ngon và biết cách ăn là một triết lý đạo đức sâu sắc ở Trung Quốc. Nó thực sự bắt nguồn từ việc đủ khiêm tốn để thay đổi bản thân theo những gì cần phải xảy ra. Nếu ai đó ăn uống không ngon ở Trung Quốc, đấy không chỉ là dấu hiệu của khẩu vị tồi mà còn là dấu hiệu cho thấy người đó có điều không ổn”.

Đoạn video dài 7 giây về kỹ năng dùng đũa của bà Yellen lần đầu tiên được một tài khoản mạng xã hội (được cho là do cơ quan của Chính phủ Bắc Kinh trực tiếp điều hành) đăng tải. Báo giới cũng công bố thông tin chi tiết về hành trình ăn uống của bà Yellen. Nhà báo kỳ cựu Trung Quốc Zhang Feng lưu ý rằng, việc truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về bà Yellen ở khía cạnh được yêu mến hơn khác xa với việc đưa tin “lạnh lùng” về các quan chức Mỹ trong những năm gần đây. Ông Zhang viết: “Chuyến đi của bà Yellen tới Trung Quốc có thể phần nào cải thiện thiện cảm của người dân Trung Quốc với Mỹ”.

Tuy nhiên, các quốc gia khác cũng phải công nhận sức mạnh của “ngoại giao ẩm thực”. Theo một nhà ngoại giao châu Âu tại Bắc Kinh, việc ăn uống cùng nhau là một trong những ưu tiên hàng đầu khi tiếp xúc với các quan chức Trung Quốc. Ông nói: “Trong các cuộc gặp song phương cấp cao, yếu tố ăn uống trong chương trình là vô cùng quan trọng vì đó là nơi bạn có thể trò chuyện cởi mở và thẳng thắn. Các bữa tối được sử dụng một cách chiến lược ở cả hai bên để tạo ra mối quan hệ đáng tin cậy”.

Một ví dụ khác, đầu tuần vừa rồi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thăm châu Âu. Sau cuộc gặp, Tổng thống Pháp đã cảm ơn ông Tập Cận Bình vì sự “cởi mở” trong việc không áp dụng thuế quan đối với rượu cognac của Pháp. Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh của châu Âu vào tháng 1, được một số người coi là phản ứng trước cuộc điều tra của Liên minh châu Âu về xe điện Trung Quốc. Ông Macron sau đó đưa vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc đến thăm dãy Pyrenees để thưởng thức pho mát và rượu vang. Và món quà chia tay của ông Macron dành cho lãnh đạo Trung Quốc tất nhiên không thể thiếu 2 chai cognac.

Theo Al Jazeera

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngoai-giao-am-thuc-trong-cai-thien-cang-thang-my-trung-post576046.antd