Nghiên cứu tinh gọn thôn, tổ dân phố sau khi hoàn thành sáp nhập tỉnh, xã

Sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu và hướng dẫn sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn.

Nội dung trên được đề cập tại Công văn số 03 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Ban Chỉ đạo của Chính phủ) gửi tới các Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố về định hướng một số nhiệm vụ trong sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo đó, Ban Chỉ đạo của Chính phủ định hướng tiếp tục xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính. Trước mắt giữ nguyên các thôn, tổ dân phố hiện có.

Cử tri khu phố Hiệp Long (phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) bỏ phiếu bầu tổ trưởng dân phố nhiệm kỳ 2024-2029.

Cử tri khu phố Hiệp Long (phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) bỏ phiếu bầu tổ trưởng dân phố nhiệm kỳ 2024-2029.

"Sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu và hướng dẫn theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn", công văn nêu rõ.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo của Chính phủ dự kiến kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay kể từ ngày 1/8.

Giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.

Theo quy định của Bộ Nội vụ, thôn được tổ chức ở xã (gồm thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc); tổ dân phố được tổ chức ở phường, thị trấn (gồm: tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu).

Thống kê đến hết năm 2021, toàn quốc có hơn 90.000 thôn, tổ dân phố, trong đó 69.500 thôn và 20.900 tổ dân phố. Cả nước có 297.800 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Thôn, tổ dân phố không phải cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực.

Thôn, tổ dân phố hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo tính tự quản của cộng đồng dân cư, chấp hành quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền cấp xã và sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; tuân thủ pháp luật, thực hiện theo hương ước (quy ước); đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.

Mỗi thôn có trưởng thôn, mỗi tổ dân phố có tổ trưởng dân phố. Trường hợp cần thiết có thêm một phó trưởng thôn hoặc một phó tổ trưởng dân phố.

Sắp xếp trường học, trạm y tế khi bỏ cấp huyện

Tại công văn, Ban Chỉ đạo của Chính phủ cũng nêu rõ định hướng về việc sắp xếp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện hiện nay để chuyển giao, thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo định hướng tại Kết luận số 137 và hướng dẫn của các bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực sự nghiệp.

Sau khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành mới quy định liên quan đến tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp để bảo đảm hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Cụ thể, với lĩnh vực giáo dục sẽ giữ nguyên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.

Với lĩnh vực y tế, duy trì các trạm y tế xã, phường hiện có để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Căn cứ diện tích, quy mô dân số của đơn vị cấp xã mới, UBND cấp tỉnh có thể tổ chức lại thành một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.

Với các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ cũng yêu cầu sắp xếp, tổ chức một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn (cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, nông nghiệp, môi trường...).

Bên cạnh đó, sắp xếp lại, tổ chức một đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên (Ban quản lý dự án) thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng... trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể thành lập đơn vị sự nghiệp thuộc Ban quản lý dự án của UBND cấp tỉnh để cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ giao UBND cấp tỉnh thực hiện việc cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.

Việc này nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với cơ cấu lại, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết số 19/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nghien-cuu-tinh-gon-thon-to-dan-pho-sau-khi-hoan-thanh-sap-nhap-tinh-xa-ar938427.html