NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG VIỆC XÂY DỰNG KỊCH BẢN TỔNG THỂ ĐỂ ĐỐI PHÓ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP

Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham gia thảo luận ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề 'Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng', các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc xây dựng kịch bản tổng thể để đối phó tình trạng khẩn cấp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 11/4: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh – Phó Trưởng Đoàn giám sát

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh – Phó Trưởng Đoàn giám sát

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và Nghị quyết số 51/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch, Đề cương giám sát yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân báo cáo; giao Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát. Tổ chức giám sát trực tiếp tại một số bộ, ngành, địa phương; làm việc với Chính phủ để làm rõ các thông tin, số liệu và thống nhất nội dung kết quả giám sát. Ngoài ra, trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn giám sát, Đoàn giám sát đã có văn bản kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh – Phó Trưởng Đoàn giám sát, việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch; mới chỉ có các phương án phòng, chống dịch theo tình trạng khẩn cấp mà chưa có phương án trong tình trạng cấp bách (chưa đến mức khẩn cấp). Việc ban hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời; một số chính sách chưa đạt được kết quả như dự kiến.

Do đó, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát, trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp. Trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm và công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phân bổ ngân sách và huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ trong tình trạng cấp bách gắn liền với các giải pháp phòng, chống tiêu cực.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chỉ ra rằng, trong phần đánh giá có đưa ra 6 khuyết điểm, tồn tại về huy động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, hệ thống pháp luật chưa bao quát để điều chỉnh tình huống phát sinh; khó khăn trong phân bổ, quản lý và thanh quyết toán ngân sách nhà nước; chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xác định giá trị tài sản của các nguồn tài trợ; chưa chủ động được nguồn vaccine; việc điều động nhân lực và kế hoạch còn lúng túng. Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về nguyên nhân chính của những tồn tại trên là do hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát, chưa điều chỉnh hết các quan hệ tình huống phát sinh tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch”. Do đó đề nghị chỉ rõ khoảng trống pháp luật? Hiện nay, đã có đầy đủ các luật để phòng, chống cũng đã có; có chăng chỉ chưa có ở mức cao hơn trạng thái bình thường và thấp hơn tình trạng khẩn cấp?

Bên cạnh đó, khi bước vào đại dịch COVID-19, nhiều cơ quan đề nghị tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền là không công bố, nhưng thực tế đã áp dụng toàn bộ các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương nhấn mạnh, nếu ghi nguyên nhân là do khoảng trống pháp lý là không có. Đồng thời nêu quan điểm, phải chăng cách vận dụng các biện pháp trước tình trạng chưa khẩn cấp và tình trạng khẩn cấp chưa nhuần nhuyễn trong thực tiễn chỉ đạo. Chưa công bố nhưng lại thực hiện tình trạng khẩn cấp là do nhận thức không thống nhất. Nhận thức không thống nhất ngay cả trong quá trình triển khai công việc, trong quá trình tổ chức thực hiện và trong giải quyết hậu quả sau này về thanh quyết toán các nguồn lực.

Băn khoăn về đánh giá này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xem xét, đồng thời đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan của Chính phủ cho ý kiến thêm đánh giá này. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật. Tuy hệ thống pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhưng chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và sự điều hành cụ thể. Đối với kiến nghị xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó với các tình huống khẩn cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ ra rằng, trong báo cáo của Đoàn Giám sát có ghi “trong các tình huống cấp bách và khẩn cấp”. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp đã được quy định trong Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, nếu cứ theo kịch bản đó tuyên bố là khẩn cấp ngay và tất cả đều phải thực hiện theo quy định.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Theo Thượng tướng Trần Quang Phương, đây là giai đoạn tiền khẩn cấp, chưa đến mức khẩn cấp. Mặt khác, cấp bách cũng đồng nghĩa với khẩn cấp, cấp bách là cấp thiết và khẩn cấp. Trên thực tế, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã áp dụng hết các biện pháp của tình trạng khẩn cấp, ngoại trừ việc tuyên bố hay không tuyên bố tình trạng này. Nếu kiến nghị xây dựng kịch bản tổng thể để ứng phó nhưng mỗi lần xảy ra một hoàn cảnh khác nhau, kịch bản chung là văn bản luật về tình trạng khẩn cấp. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu quan tâm hơn đến các biện pháp trong tình trạng tiền khẩn cấp.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ ra rằng, trong phần tồn tại, hạn chế của Báo cáo nhận định, hiện nay chỉ có các phương án phòng, chống dịch trong tình trạng khẩn cấp mà chưa có phương án trong trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, trong phần giải pháp chỉ đề xuất xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó với tình huống khẩn cấp, chưa có phương án trong trường hợp cấp bách

Mặt khác, cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị cần cân nhắc việc xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó với tình huống khẩn cấp. Bởi trên thực tế, vấn đề liên quan triển khai các luật thì đã có Luật liên quan đến phòng, chống dịch, tình trạng khẩn cấp và các vấn đề khác liên quan. Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, để xây dựng kịch bản tổng thể theo kiến nghị của Đoàn giám sát là rất khó, có thể hôm nay là lũ lụt, ngày mai là cháy rừng hoặc hôm sau nữa là dịch bệnh. Do đó đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này để giải quyết được những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn sẽ phù hợp hơn./.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74830